Kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN: Nguyễn Chí Thanh “sáng trong như ngọc” (kỳ1)

“Sáng trong như ngọc một con người” Đó là câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tướng lĩnh tài ba của quân đội, một nhà hoạch định chính sách có tầm cỡ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

images384412-cn3d-1639801318.jpg

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học trò xuất sắc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Không chỉ vậy, ông còn là nhà bình luận xuất sắc trong làng báo Việt Nam. Ông mất lúc mới 53 tuổi, khi đất nước và cả dân tộc đang kỳ vọng vào tài năng, trí tuệ và sự cống hiến của ông cho cách mạng. 41 năm đã trôi qua, hình ảnh vị tướng giản dị, sắc sảo, luôn gần gũi với quần chúng vẫn sống mãi cùng dân tộc và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam học tập.

Tên thật của ông là Nguyễn Vịnh, sinh năm 1914, quê ở làng Niêm Phò, xã Quảng Đức, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sinh trưởng trong một gia đình tương đối khá giả nên thuở nhỏ ông cũng được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. Không bao lâu sau, năm 14 tuổi, do cha qua đời, gia đình neo bấn, ông phải bỏ học đi làm kiếm sống để bớt gánh nặng cho mẹ.

Những năm lăn lộn lao động kiếm sống và phụ giúp gia đình đã đưa ông đến với các phong trào yêu nước. Năm 1934, khi vừa bước sang tuổi 20, ông tham gia cách mạng trong phong trào mặt trận Bình dân.

Năm 1937 ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 đến năm 1943 ông nhiều lần bị giặc Pháp bắt giam ở nhà lao Huế và bị đày đi Lao Bảo, Ban Mê Thuột. Sau sự kiện Nhật đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông tìm bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng tiếp tục hoạt động rồi được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV.

Tháng 8 năm 1945 ông được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, chính thức mang bí danh Nguyễn Chí Thanh. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, ông chính là người theo dõi và tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền ở Trung Kỳ. Từ năm 1948 đến năm 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy khu IV. Cuối năm 1950, ông được đảng điều vào quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, ông được bầu vào Bộ chính trị, ủy viên Hội đồng quốc phòng. Khi có chế độ phong quân hàm vào năm 1959, ông được phong hàm đại tướng. Cuối năm 1960, miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm, ông được cử giữ chức Trưởng ban nông nghiệp trung ương. Năm 1965 ông được Bộ Chính trị phân công vào miền Nam đảm trách cương vị Bí thư Trung ương cục, kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam.

Thời gian này ông hoạt động với bí danh Sáu Vi, và dưới những bài báo được viết trong giai đoạn này ông ký tên Trường Sơn, Cửu Long. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh là triền miên trong những vùng bão táp, nơi nào khó khăn, nơi đó có mặt ông. Năm 1967, sau những năm gian khổ ở chiến trường, bệnh tật nhiều, sức khỏe giảm sút, Trung ương đưa ông ra Hà Nội chữa bệnh, nhưng ông đã vĩnh viễn ra đi đúng cái ngày ông chuẩn bị trở lại chiến trường.

Lăn lộn với Bình - Trị - Thiên khói lửa

Năm 1946 - 1947 mặt trận Bình - Trị - Thiên bị vỡ, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn bao vây, chia cắt khúc ruột miền Trung với hai đầu đất nước. Chúng đàn áp, khủng bố, xóa trắng cơ sở đảng ở địa phương, kiểm soát từ nông thôn đến thành thị. Cả dải đất Bình - Trị - Thiên chìm trong lửa khói, lòng dân hoang mang.

Là người chịu trách nhiệm chính trước Đảng, trước nhân dân ông đã khẳng định: “mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Không thể mất dân, chết cũng không rời cơ sở”. Và ông đã trở thành điểm tựa vững vàng của Quân dân Bình - Trị - Thiên, trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng đất “quanh năm nghèo khó, gió Lào, cát trắng” này. Suốt ngày đêm bị địch càn quét, thiếu thốn mọi đường, từ vũ khí, lương thực, đến căn cứ địa an toàn, nhưng với quan điểm còn dân còn cách mạng, ông đã từng bước xây dựng và phát triển các đội du kích.

564064912013121008564131-custom-udxm-1639801444.jpg
Đại tướng lội ruộng với nhân dân

Từ thế bị động, Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo các đội vũ trang nhỏ lẻ tìm tiêu diệt địch, chủ động giành thế tấn công khiến địch từ thế hùng hổ tấn công đã phải co cụm lại, phá tan âm mưu mở rộng chiến tranh ra Thanh - Nghệ – Tĩnh của chúng. Có lẽ chúng ta ai cũng biết bài hát về Bình - Trị - Thiên khói lửa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, đó là những năm tháng tàn khốc nhất, ác liệt nhất nhưng cũng oai hùng nhất của nhân dân miền Trung trong thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến. Nhờ biết dựa vào dân, Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí của ông đã lãnh đạo nhân dân miền Trung vượt qua thử thách, kìm chân địch, chia lửa với các chiến trường khác trong cả nước.

Chính chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa đã giúp ông rút ra được những kết luận chi phối toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, đó là bám cơ sở, gần dân, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của dân, sẻ chia vui, buồn và lãnh đạo nhân dân thực hiện bằng được những mục tiêu cách mạng đề ra.

Từ những nẻo đường căn cứ địa...

Cách mạng phát triển vào thời kỳ mới, các đơn vị quân đội chủ lực lần lượt ra đời. Năm 1950 Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Nhà nước điều vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Tổng quân ủy. Ở đây ta lại thấy vai trò, vị trí có tầm ảnh hưởng lớn của ông đối với lực lượng vũ trang. Ông bám sát bộ đội từ luyện tập trên thao trường đến các chiến dịch, động viên tư tưởng bộ đội kịp thời, thấm nhuần tới từng chiến sĩ bản chất của quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Chính điều này đã góp phần nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội./.

Hà Phương Thiện