Kỷ niệm ngày thành lập QĐND: Nhật ký một lần theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Về nguồn” (Kỳ 2)

Đúng như lời tiên tri của Bác, Giải phóng quân đã phát triển nhanh chóng, cùng với toàn dân đưa cách mạng tháng Tám đến thành công.
img-2958-1639992062.JPG
Tranh thủ chụp với Đại tướng một kiểu ảnh giữa rừng Trần Hưng Đạo

Giải phóng quân có mặt suốt từ Bắc chí Nam, trở thành nòng cốt của cuộc chiến tranh toàn dân, đảm đương vững vàng nhiệm vụ ngày càng nặng nề và khó khăn trong suốt những năm chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế.

Trở lại chiến khu xưa, Đại tướng nhớ tới những đồng đội có mặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo này, nay không còn hoặc đang công tác xa. Hoàng Sâm, người Đội trưởng thao lược ngày ấy, vị tướng Tư lệnh quân khu tài ba trong kháng chiến chống Mỹ, đã hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên. Xích Thắng, Chính trị viên của đội trở thành Khu ủy viên Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hà Giang, đã qua đời. Hoàng Văn Thái, người phụ trách công tác tình báo của đội, sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng quân đội, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, rồi Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Nam Long, Quốc Chủng... nhiều người đã không còn nữa, và biết bao đồng chí khác đã ngã xuống trên chiến trường Liệt sỹ đầu tiên của quân đội ta là đồng chí Hoàng Văn Nhủng bí danh Xuân Trường trong trận thứ ba đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng). Đợt đi này ông cũng đã mang một cây đa lấy từ vườn cây của Bác Hồ lên trồng ở nơi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập năm xưa, để ghi nhớ kỷ niệm cùng những đồng đội của mình.

Từ đường 3B rẽ vào, trên con đường còn nham nhở gồ ghề mới mở tạm cho xe qua, lên tới đỉnh đèo, núi rừng xã Tam Lộng xưa hiện ra trước mắt. Sau gần một nửa thế kỷ, thiên nhiên nơi đây gần như không thay đổi, gợi nỗi nhớ mênh mang trong lòng Đại tướng. Vẫn núi cao sừng sững, cổ thụ xanh um, vẫn những thửa ruộng bậc thang nối dài trên triền núi.

2-1639994057.jpg
Tại khu rừng Trần Hưng Đạo nơi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Những ngôi nhà sàn, nhà đất, mái lợp ngói cong lấp ló sau hàng trúc xanh, những ngọn khói vẫn tỏa như sương, bảng lảng bay. Bên trái đường là Phia Bụt, ngọn núi cao ngất. Theo truyền thuyết, Phia Bụt là ngọn núi tiên, có đường lên trời. Trên đỉnh núi có một hồ nước trong mát dưới những hàng cây tỏa bóng, nơi những nàng tiên xiêm áo thướt tha bay từ trên trời xuống đây tắm và đùa vui trên triền cỏ mướt xanh. Một nàng tiên thường dạo chơi trong khu rừng, hái hoa, ngắm cảnh rồi gặp và đem lòng yêu thương một chàng trai tài giỏi nơi hạ giới. Mê đắm cảnh đẹp của trần gian và yêu thương con người biết lao động sáng tạo cho cuộc sống, nàng đã từ bỏ chốn thần tiên, ở lại hạ giới cùng chàng trai.

Từ đó, vào mùa mưa, mỗi khi nước từ đỉnh núi đổ xuống, người ta lại thấy hiện lên giữa dòng thác hình ảnh một cô gái áo xiêm trắng muốt ngồi trên lưng ngựa, tay xòe chiếc quạt lông thiên nga. Những ngày hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, Đại tướng thường vượt qua ngọn núi tiên Phia Bụt, ngọn núi cao ngất, nơi có đường lên trời, để xuống Tam Lộng hoặc sang tổng Kim Mã. Phia Bụt cũng là nơi Đại tướng thành lập chi bộ đầu tiên ở vùng này, chi bộ gồm có ông và các đồng chí Nghĩa, Lạc, Thiết Hùng. Bên phải đường là Phia Niếng, thấp hơn Phia Bụt một chút, rừng cây vẫn xanh tốt như xưa. Xa kia là hang Thẩm Khấu trên sườn núi, nơi ngày xưa Đại tướng đã mở lớp huấn luyện đầu tiên cho các cán bộ cách mạng tại các xã Tam Lộng và Kim Mã, nay hai xã hợp nhất thành xã Tam Kim. Dưới chân ngọn Phia Niếng có một lòng khe, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ém quân suốt một ngày trước khi đánh đồn Phai Khắt.

Lâu nay, nhiều người thường chỉ hiểu Phai Khắt là nơi diễn ra trận đánh đồn đầu tiên của quân đội ta mà không biết rằng, ngày đó, làng Phai Khắt đã là một làng kháng chiến, tất cả mọi gia đình đều có người tham gia các Hội Cứu quốc. Đại tướng đã hoạt động khá lâu tại đây và thuộc từng ngôi nhà, từng góc ruộng, từng bờ suối, bụi cây.

Thời kỳ địch khủng bố riết, ban ngày bà con đưa ông ra náu ở những rặng cây rậm ven làng, ven suối. Mãi tới năm 1944 thực dân Pháp mới đưa quân về đóng hẳn ở đây, chúng chiếm ngôi nhà khá kiên cố của gia đình ông Nông Văn Lạc vừa xây dựng xong, làm đồn. Vậy là đồn địch nằm giữa làng, xung quanh là những gia đình cơ sở cách mạng. Đại tướng nói, đây cũng là một lý do để bộ đội chọn Phai Khắt làm mục tiêu cho trận ra quân đầu tiên.

Làng Phai Khắt hôm nay không khác ngày xưa nhiều. Trước đây có hơn chục ngôi nhà, nay tăng lên chừng gấp đôi. Ngôi nhà cũ của gia đình ông Lạc vẫn to nhất làng, trước cửa treo một tấm biển có hình quân hiệu bên dòng chữ: “Đồn Phai Khắt. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiêu diệt ngày 24/12/1944”. Không hiểu tấm biển lưu niệm này được làm từ bao giờ, màu sắc vẫn còn tươi.

Qua cổng là mảnh sân rộng trước nhà, nơi 17 tên lính đồn Phai Khắt bị bắt làm tù binh ngồi tập trung nghe bộ đội cách mạng giải thích chính sách của Việt Minh rồi tha cho về nhà làm ăn, bây giờ được chia ra một phần làm lối đi vào nhà với những cây sử quân tử nở đầy hoa hình mặt trời đỏ gắt, còn lại là một vườn rau xanh tốt. Khoảnh đất phía bên trái ngôi nhà, nơi viên đồn trưởng Pháp bị bắn chết trong trận đánh đồn Phai Khắt nay dựng một chuồng trâu. Trên nền nhà cao, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn với bốn ô cửa hình vòm. Gian buồng ngủ cũ của viên quan đồn giờ đặt những chiếc khung cửi, nơi hai cô cháu gái ông Lạc hàng ngày vẫn thoăn thoắt đưa thoi.

Bà con Phai Khắt biết tin “bác Văn” về thăm từ mấy ngày trước. Người từ huyện lỵ Nguyên Bình đổ về, từ xã Minh Tâm vào, từ xã Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo kéo xuống, không khí đông vui như ngày hội. Hôm nay, dân bản rộn rã với những bộ quần áo màu sắc rực rỡ chờ đón Đại tướng. Tất cả người già, người trẻ, xếp hàng hai bên đường vào trụ sở ủy ban xã đông nghịt, gương mặt hân hoan hướng về vị tướng già thân thương.

09-1639994236.jpg
Bà con nông nhiệt đón chào đại tướng

Đại tướng cười tươi giơ tay chào bà con nhưng vẫn không quên dõi tìm những người xưa. Ôi Đặng Phương Quý! Người Dao Tiền, tiểu đội trưởng tiểu đội 3. Đại tướng xúc động gọi tên người đồng đội. Đặng Phương Quý ôm lấy Đại tướng hôn, rồi gục vào vai ông nấc lên hồi lâu và nghẹn ngào: Thế mà có người bảo anh yếu lắm! Đại tướng ôm người đồng đội già rồi lại buông ra nhìn, miệng cười mà nước mắt ngân ngấn.

Như vậy là, sau 3 lần trở về thăm nơi cũ, Đại tướng đã gặp được đủ cả ba đồng chí tiểu đội trưởng cũ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: Thu Sơn, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 quê ở Hòa An, là người dẫn đầu toàn đội trong hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần; Kim Anh, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 quê ở Ngân Sơn, người được giao khẩu tiểu liên Mỹ, hỏa lực mạnh nhất của Đội; Và hôm nay, sau bao năm cách xa, Đại tướng đã được ôm trong vòng tay, được vỗ về người đồng đội cũ Đặng Phương Quý, tiểu đội trưởng tiểu đội 3 trong đội quân 34 người của ông ngày xưa ấy.

Trong cuộc gặp mặt đầy xúc động hôm đó còn có đồng chí Tiến Lực, đồng chí Lê Lợi, những đội trưởng tự vệ đã tham gia lớp quân chính do Thiết Hùng và ông huấn luyện, cùng rất nhiều người đồng cam cộng khổ tham gia hoạt động cách mạng những ngày gian khó xưa. Anh Trọng ngày đó là Thư ký thanh niên. Cậu thiếu niên tiền phong người Dao Tiền, con trai đồng chí Phạm Ngũ Lão, đã đóng vai người cộng sản bị bắt, bị trói tay để các đội viên Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân giả làm lính dõng giải vào đồn Nà Ngần, nay đã bước qua tuổi sáu mươi. Bé Hồng, em nhỏ trinh sát đồn Phai Khắt, nay cũng đã gần lục tuần.

Đồng chí Công Lý, với cả gia đình hết lòng giúp đỡ cán bộ cách mạng trong những ngày đen tối. Bà Kim Hoa, từ bản trên núi cao xuống, vẫn với bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao có những đồng tiền bạc lấp lánh như ngày xưa, trao cho Đại tướng những ống cơm lam mới nướng bằng gạo nếp nương thơm lừng. Chị vợ ông Xích Thắng, anh Lương, chị Toàn… từ xã Minh Tâm sang. Cả gia đình anh Lương đều tham gia hoạt động cứu quốc. Chị Toàn, người phụ nữ rất mực kiên cường, đã được đoàn thể trao nhiệm vụ tiếp tế cho các chiến sỹ cách mạng suốt thời kỳ địch khủng bố trắng.

Nhà thơ người Dao Bàn Tài Đoàn, người trổ lá làm thơ trong lớp huấn luyện ở Cẩm Lý, từ huyện lỵ Nguyên Bình xuống, tặng ״anh Văn״ hai bài thơ… Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, kẻ cười người khóc. Người tặng mật ong, trái cây, người tặng thổ cẩm. Đại tướng cảm động ôm từng người, cầm tay từng người, nước mắt rưng rưng. Trải qua bao nhiêu biến thiên, tất cả những người Đại tướng gặp lại hôm nay, tuổi tác đã thêm nhiều nhưng vẫn thuần phác như xưa, không mảy may thay đổi tấc lòng đối với ông, với cách mạng.

Chuyện trò không dứt, ông lúc nói tiếng Dao, lúc hỏi bằng tiếng Tày Nùng, tiếng Mông. Thấy ông vẫn nói được tiếng “đằng mình” dù đi xa đã lâu, ai cũng cảm động đến rơi nước mắt. Nhưng rồi cũng tới lúc phải chia tay, Đại tướng nắm những bàn tay thân thiết không nỡ rời. Từng đoàn người lội băng qua suối, đuổi theo, ngẩn ngơ dõi nhìn chiếc xe cuối cùng khuất dần sau cánh rừng Sham Cao.

Tôi nhìn sang Đại tướng, nghẹn lòng khi thấy ông vẫn ngoái nhìn nơi ông vừa chia xa, rồi ngoái nhìn lần nữa cây Sổ bên dòng suối, nơi bộ đội tập trung trước khi đánh đồn Phai Khắt. Thân cây đã bị sâu đục một nửa nhưng cành lá vẫn xanh tươi nghiêng mình soi bóng trên mặt nước. Lòng tôi se lại khi nghe ông ngậm ngùi nói: “Mấy chục năm đã qua, làng Phai Khắt vẫn nghèo và xa xôi cách biệt quá”.

Làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và huyện, Đại tướng nhắc nhở Cao Bằng còn nhiều việc phải làm, trước hết phải lo cái ăn, cái mặc cho đồng bào, rồi đưa thông tin đến với bà con vùng cao, vùng sâu. Thế mạnh quý báu nhất của Cao Bằng chính là con người, là đồng bào các dân tộc thuần phác, nồng nàn yêu nước, khát khao độc lập, tự do, được hun đúc từ sự dày công giáo dục của Bác Hồ từ những năm tiền khởi nghĩa, và thời gian đã chứng tỏ tấm lòng sắt son của đồng bào qua ba cuộc chiến tranh. Cao Bằng và các tỉnh vùng cao đang mong chờ nghị quyết mới của Đảng về miền núi, về chính sách dân tộc.

Đại tướng còn chia sẻ, lý tưởng cũng như hoài bão của Bác Hồ đã được chính Người diễn tả một cách cực kỳ giản dị, Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với Người là độc lập, là tự chủ, là sáng tạo, là đổi mới không ngừng, và không bao giờ đi chệch khỏi mục tiêu lý tưởng, tất cả đều vì dân.

img-2807-1639994727.JPG
Chụp ảnh trước cổng đồn Phai Khắt

Hãy đinh ninh lời bác Hồ: “Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì cũng không có nghĩa lý gì”. Đi theo con đường của Người, chúng ta đang đến với văn minh, hạnh phúc, dân giàu nước mạnh, xây dựng được một xã hội ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người.

Đoàn xe trở về trĩu nặng cảm xúc và suy tư. Như ngày nào trở về thăm ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Đại tướng nói với chúng tôi: “Khi còn khỏe, mỗi năm ít nhất phải về thăm chiến khu một lần”, hôm ấy ông lại nói: “Cố gắng mỗi năm về thăm đồng bào Cao Bằng ít nhất một lần”. Sau chuyến đi năm 1989, Đại tướng còn trở lại Cao Bằng 2 lần nữa, mặc dù tuổi mỗi ngày một cao, sức khỏe không còn như trước. Cứ nhớ đến câu Đại tướng nói với đồng bào lúc chia tay, bằng tiếng Tày: “Piom bái đồng bào lai, điếp căn lẳm!” (Cảm ơn đồng bào nhiều, thương nhau lắm) lòng tôi lại trào dâng cảm xúc. Ông thật nặng nghĩa nặng tình./.

Hà Phương Thiện