Kỳ 1: Sức mạnh của báo chí trên mặt trận chính trị tư tưởng

Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2 năm 2022, Ban Tổ chức Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất và các tập thể tiêu biểu nhất để trao giải. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu tác phẩm đạt giải A “Phát huy vai trò của các nhà báo - chiến sĩ trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của tác giả Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, cán bộ Nhóm chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân uỷ Trung ương.
ky-1-suc-manh-1-anh-dai-dien-1681314615.jpg

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho tác giả Đỗ Phú Thọ, cán bộ Nhóm chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân uỷ Trung ương. (Ảnh: Quang Huy)

Cùng với tuyên truyền hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, những năm qua, các nhà báo trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đi đầu trong công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các đối tượng thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Giờ đây, khi các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chống phá, các nhà báo - chiến sĩ cần phải thay đổi chiến thuật và tiếp tục xung kích trên tuyến đầu của mặt trận này.

Kỳ 1: Sức mạnh của báo chí trên mặt trận chính trị tư tưởng

Báo chí có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trên mặt trận chính trị tư tưởng, báo chí có sức mạnh to lớn, ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại trên chiến trường. Những năm qua, các cơ quan báo chí, các nhà báo - chiến sĩ trong quân đội đã phát huy được sức mạnh này.

Kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, trải qua 97 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta.

Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thấm sâu vào quần chúng Nhân dân; đồng thời tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.

Trong những năm gần đây, thực tiễn đã có nhiều biến đổi, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” .

Nghị quyết số 35-NQ/TW đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí - truyền thông trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (1).

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW và hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng với những dấu ấn nổi bật. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng nắm bắt, quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Tinh thần đó được lan tỏa trong toàn xã hội dưới rất nhiều hình thức, qua đó góp phần khơi dậy ý chí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Kết quả đó có vai trò đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí quân đội.

Thực tiễn quá trình đổi mới (từ năm 1986 đến nay) cũng cho thấy, báo chí luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, Nhân dân. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới, báo chí cần không ngừng đổi mới, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hiện nay, đội ngũ nhà báo Việt Nam hùng hậu cả về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông vào đầu năm 2022, cả nước có 868 cơ quan báo chí, tổng số lao động trong các cơ quan báo chí là 41.600 người (trong đó có 19.166 người được cấp thẻ nhà báo), có 72 đài phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Tổng số lao động trong các đài/đơn vị hoạt động truyền hình là 18.481 người (trong đó có 7.594 người được cấp thẻ nhà báo) (2).

ky-1-suc-manh-2-1681314707.jpg
Phóng viên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tác nghiệp tại cơ sở. (Ảnh: Văn Giang)

Là bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo trong quân đội được công chúng yêu mến đặt tên là nhà báo - chiến sĩ đã luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tận trung với nước, tận hiếu với dân, góp phần quan trọng cổ vũ, động viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hiện nay, đội ngũ các nhà báo trong quân đội khá đông đảo, tập trung vào các cơ quan báo chí lớn do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo như Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Tạp chí Quân sự- quốc phòng... Trong đó, Báo Quân đội nhân dân đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là 01 trong 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia (cùng với Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Công an nhân dân). Ngoài ra, các nhà báo - chiến sĩ còn có mặt tại các Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các học viện, nhà trường quân đội (làm việc tại các báo quân khu, quân chủng; các tạp chí của các nhà trường quân đội). Tại Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có biên chế một cán bộ hoặc nhân viên làm công tác báo chí, truyên truyền.

Sự phát triển về đội ngũ những người làm báo, sự ra đời của các cơ quan báo chí với đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân. Những thông tin, bài viết của các nhà báo đã góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Tuy nhiên, trên mặt trận chính trị tư tưởng hiện nay, báo chí nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao vật chất, rời xa tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt...

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Điều đáng quan tâm là một số cơ quan báo chí, trong đó cả cơ quan báo chí trong quân đội chưa dám đấu tranh trực diện với những phần tử sai trái, phản động, xuyên tạc; chưa đầu tư thích đáng cho công tác này.

Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo chí quân đội, có cơ quan còn đưa thông tin thiếu khách quan, lộ bí mật, chưa đúng sự thật bị các đối tượng thù địch lợi dụng. Việc cung cấp thông tin cho báo chí về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều thông tin báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Nhà báo tham gia vào đề tài đấu tranh chống quan điểm sai trai thù địch là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146

(2) Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022.

(Còn nữa)