Tỉnh Kon Tum một nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình du lịch có thể khai thác như: Du lịch danh lam thắng cảnh và du lịch di tích lịch sử - văn hoá.
Hệ thống di sản này thể hiện ở các loại hình phong phú gồm: Văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, điêu khắc - hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát...
Các di tích lịch sử, cách mạng của tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (thành phố Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), giúp cho du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của các dân tộc.
Ngoài ra, các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà thờ gỗ, Toà giám mục, Chùa Bác Ái... đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan.
Lại nói, vùng du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 về Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030, là vùng du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh.
Ngoài ra, Kon Tum có Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ, Khu du lịch sinh thái Rừng đặc dụng Đăk Uy, các điểm suối nước nóng Đăk Tô - Thác Đăk Lung, lòng hồ Yaly, Khu du lịch Đăk Bla...
Toàn tỉnh hiện có 23 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám Mục... là điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan.
Đặc biệt, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát... là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Một lợi thế khác là Kon Tum có đường biên giới dài 292,522 km; giáp với Lào 154,222 km và Campuchia 138,691 km, có 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu phụ thông thương với Lào, có 4 huyện với 13 xã thuộc biên giới (Huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai).
Tỉnh còn là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Việt Nam như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40…; có Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia là biểu tượng cho tình đoàn kết - hữu nghị và hợp tác của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trong tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh Kon Tum, phải kể đến là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, có Cột mốc Quốc giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia ở vị trí ngã ba của Đông Dương, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, kết nối du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 127 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn được xếp hạng, 49 cơ sở được xếp hạng 1 sao trở lên với 1.882 phòng; lượng khách du lịch đến Kon Tum liên tục tăng từ 11% - 13,20% trong giai đoạn 2011-2017.
Mới đây, tại diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên du lịch, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cũng theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Kon Tum, hiện vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc chưa được khai thác và có thể phát triển mạnh các loại hình như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.
Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: "Cần định hướng phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum".
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, hiện nay trên 80% khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa dân tộc họ. Bởi vậy, với nguồn tài nguyên văn hóa giàu bản sắc như Kon Tumi du khách sẽ được trải nghiệm và cảm thấy hết sức thú vị, hấp dẫn.