Kinh tế vườn hộ: Nhiệm vụ hàng đầu của Hội làm vườn Nghệ An

Hội làm vườn tỉnh Nghệ An đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng các mô hình kinh tế, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ,... tạo sinh kế cho người dân.
anh-4-hlv-1694179805.jpg
Ông Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An phát biểu trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của Hội làm vườn tỉnh Nghệ An.

Cải tạo vườn tạp đang được nhân rộng

Hiện nay, ngoài những xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì hầu hết các khu vườn ở nông thôn chưa có quy hoạch thiết kế, việc canh tác không có quy củ mặc dù người dân cũng đã đầu tư trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế, nhưng việc cải tạo đất đai còn chưa được chú trọng, đất bị chai cứng, bón phân đúng quy trình kỹ thuật… nên năng suất các loại cây trồng thấp. Chính vì vậy, Hội Làm vườn tỉnh đã xác định cải tạo vườn là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện hoạt động Hội, góp phần tạo ra những mảnh vườn có thu nhập cao, cải thiện hơn về kinh tế và cảnh quan sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ sự hoạt động tích cực của tổ chức Hội Làm vườn các cấp, phong trào cải tạo vườn tạp xây dựng vườn chuẩn NTM được nông dân hưởng ứng tích cực, số lượng vườn chuẩn NTM, các mô hình kinh tế vườn tăng lên đáng kể. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 819 vườn chuẩn đã và đang hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận, đến thời điểm này có 323 vườn đã được cấp giấy chứng nhận vườn chuẩn tiêu biểu như Thanh Chương, Anh Sơn, Diễn Châu, Tp Vinh, Hưng Nguyên,… Trong đó có 2 hộ ở xã Mường Noọc, huyện Quế Phong đã cải tạo vườn tạp, xây dựng đạt vườn chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Thế Thắng cho biết: Hội được giao nhiệm vụ vận động hội viên các cấp tập trung cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao. Chúng tôi đã tổ chức cho hội viên đăng ký, chủ động đến từng hộ hướng dẫn cách quy hoạch lại vườn, xóa bỏ những cây không có giá trị kinh tế. Huy động hội viên giúp đỡ ngày công cho các hộ khó khăn về nhân lực. Với mục tiêu vườn đẹp và có kinh tế cao, Hội đã tư vấn cho hội viên phát triển các loại cây ăn quả cho thu nhập ổn định như: Ổi, bưởi Da xanh, cam, dưa lưới… Đặc biệt, các xã đã huy động lực lượng giúp đỡ các hộ đăng ký diện tích đất vườn tạp để cải tạo, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Điều đáng mừng là đa số hội viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho gia đình nên đã tích cực hưởng ứng.

Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Trung Chính, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu là hội viên hội làm vườn được cấp ủy chính quyền địa phương và Hội Làm vườn tỉnh lựa chọn giúp đỡ cải tạo vườn tạp. Gia đình anh đã được được Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách bố trí, quy hoạch lại vườn sao cho hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Chính chia sẻ: “Nhà tôi có 500 m2 đất vườn, trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn quả và rau xanh, do không được quy hoạch bài bản nên thu nhập không cao. Được sự vận động của Hội Làm vườn và các cấp, ngành gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký cải tạo vườn tạp và được giúp đỡ về vẽ sơ đồ quy hoạch lại vườn, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật. Tôi cũng cố gắng học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nơi khác và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để có thêm kiến thức về tăng gia sản xuất do Hội Làm vườn tổ chức”.

Tuy diện tích vườn không lớn nhưng nhờ quy họach bài bản, được đầu tư thêm hệ thống tưới nước trong vườn cây, áp dụng khoa học kỹ thuật nên khu vườn trồng cây ăn quả và các loại rau xanh của gia đình ông rất đẹp mắt và cho năng suất cao. Ông Chính cho biết: “Tôi được nhiều lần tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức tại địa phương. Nhờ đó, tôi cải tạo vườn tạp, kiến thiết lại vườn để thâm canh trồng mít thái, bưởi da xanh và các loại rau. Đến nay, sản xuất kinh tế vườn đã được 3 năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi còn lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng/ năm”.

a3-1694180611.jpg
Khu vườn 500m2 của gia đình ông Nguyễn Trung Chính, xã Minh Châu, huyện Diễn Châu cho thu nhập 30 - 40 triệu/ năm

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Thắng, "Phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế là một chủ trương lớn, trong đó nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế vườn là nội dung cốt lõi của phong trào xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới hàng năm do Hội phát động".

Đây cũng là một tiêu chí quan trọng mang tính bền vững của chương trình Xây dựng Nông thôn mới, được cán bộ, hội viên hưởng ứng. Để phát huy hiệu quả việc cải tạo, chuyển đổi vườn hộ, vườn tạp theo mô hình vườn - ao - chuồng, Hội đã phối hợp với khuyến nông, Hội nông dân các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền đến 100% hội viên. Năm nay, Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung vận động các huyện, thành phố tăng số lượng các hộ hội viên đăng ký cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, nhất là các huyện miền núi, ông Nguyễn Thế Thắng cho hay.

Định hướng cải tạo vườn tạp trong thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho hội viên, tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận vốn vay đầu tư cải tạo vườn theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng như cầu thị trường.

Xây dựng đội ngũ hội viên thành những chuyên gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội làm vườn tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 323 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 18.990 lượt người tham gia. Tại các lớp tập huấn, học viên được trang bị các kỹ thuật cần thiết trong trồng cây ăn quả, hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế VAC, xây dựng mô hình kinh tế vườn, trang trại, gia trại, gắn với xây dựng nông thôn mới và mục tiêu xây dựng vườn mẫu, phát triển VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp người dân áp dụng hiệu quả vào thực tế quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, không phải hình thức tập huấn nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn. Việc lựa chọn hình thức tập huấn rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của lớp tập huấn. Vì vậy, để tìm ra một hình thức tập huấn phù hợp là yêu cầu khách quan của việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

anh-2-hlv-1694179248.jpg
Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân cải tạo vườn tạp.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Thế Thắng chia sẻ, việc tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân là một việc làm thiết thực để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân. Để việc tập huấn có hiệu quả, cần phải xây dựng đội ngũ hội viên đủ năng lực, trình độ và những người có kinh nghiệm chuyên sâu nghề vườn, nhiệt tình, có đủ điều kiện, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Họ không chỉ là những tấm gương hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, tiên phong mở hướng làm ăn, đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần quan trọng hình thành nên các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh mà còn chính là một chuyên gia, một “giảng viên” trong công tác dạy nghề, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Bởi những chuyên gia, "giảng viên" nông dân là người địa phương, đã có mô hình áp dụng thành công, do đó họ rất hiểu phong tục, tập quán và trình độ canh tác của người địa phương, họ truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm theo cách hướng dẫn thực hành là chính và có mô hình thực tế để tham quan nên người nghe rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Mặt khác, giảng viên nông dân sẵn sàng lên lớp chuyển giao kỹ thuật ở những vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn, những thôn bản người dân tộc thiểu số, có điều kiện hơn trong việc theo dõi những học viên của mình áp dụng và mở rộng mô hình...

Tham dự hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Hội làm vườn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn do trình độ năng lực của chuyên gia nông dân này còn hạn chế. Phần lớn, họ chỉ có kinh nghiệm thực tế, mô hình thành công tại địa phương nhưng do chưa qua đào tạo chuyên môn sâu cho nên khi hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân còn lúng túng. Các chuyên gia nông dân hầu hết chưa có bằng cấp chuyên môn, thiếu các thông tin của các chương trình, dự án khác hiện đang triển khai ở địa phương. Điều kiện tập huấn nâng cao chuyên môn giảng dạy cho các nông dân còn hạn chế... Để xây dựng được đội ngũ hội viên trở thành những chuyên gia, “Giảng viên” nông dân, ông Linh đề xuất cần tiếp tục khuyến khích, quan tâm và nhân rộng mô hình tập huấn, các lớp đào tạo, xây dựng những kênh thông tin giúp các "giảng viên" nông dân tiếp cận được các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn... và trung tâm cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ Hội làm vườn tỉnh Nghệ An trong công tác đào tạo, tiếp cận, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các hội viên.

Việc xây dựng đội ngũ hội viên trở thành những chuyên gia, “ Giảng viên” không phải là việc một sớm một chiều mà có thể hoàn chỉnh, chuẩn hóa giáo trình đồng bộ... Do đó, cần có cách tiếp cận từng bước, linh hoạt, tùy theo điều kiện, năng lực sẵn có và nhu cầu của từng hội viên…

Lê Thìn