Kinh tế tập thể góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
anh-1-cay-an-trai-la-the-manh-phat-trien-nong-nghiep-o-dong-thap-0649-20201107-140-113258-1636417439.jpeg
Cây ăn quả, một thế mạnh của Đồng Tháp

Bên cạnh đó, HTX là cầu nối tạo liên kết dọc, khâu trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nơi tiếp nhận thông tin thị trường, đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến thị trường…

Nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả

Hiện nay, toàn tỉnh có 178 HTX nông nghiệp, lợi nhuận bình quân là 267 triệu đồng/HTX. Ước cuối năm 2021, dự kiến thành lập mới 7 HTX nông nghiệp tại các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Châu Thành, Thanh Bình, đạt chỉ tiêu 100% kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có 931 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp. Ước năm 2021, doanh thu bình quân của một THT khoảng 510 triệu đồng; lợi nhuận bình quân là 138 triệu đồng.

Thời gian qua, Đồng Tháp hình thành một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) hoạt động quy mô toàn xã với 13 dịch vụ. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chiếm 80% trên tổng diện tích.

HTX còn xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên 250ha. Việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của HTX rất đa dạng HTX - doanh nghiệp - thương lái, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX. Doanh thu năm 2020 của HTX Bình Thành trên 22,7 tỷ đồng; lợi nhuận thu được là 764 triệu đồng.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) được xem là đơn vị điển hình trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” có diện tích 66,5ha. Điểm nhấn của mô hình là hầu như tất cả các công đoạn đều sử dụng cơ giới. Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa trên điện thoại thông minh, làm quen việc ghi nhận được tình hình sinh trưởng của cây lúa và hạch toán được hiệu quả kinh tế.

Thời gian qua, mô hình này bước đầu mang lại kết quả tích cực. Năng suất bình quân ruộng trong mô hình đạt 5,38 tấn/ha, cao hơn 1,08 tấn/ha so với ruộng sản xuất truyền thống. Lợi nhuận ruộng mô hình đạt 11,2 triệu đồng/ha, cao hơn 6,2 triệu đồng/ha so với ruộng canh tác theo truyền thống. Với những kết quả đạt được, năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 mang về doanh thu 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận 650 triệu đồng.

HTX nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình nhà lưới ươm cây giống (cà chua, cây ớt), áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt phục vụ tưới tiêu. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 1.000m2 nhà kính của HTX cung cấp cây giống chất lượng cao cho toàn vùng Cù lao huyện Thanh Bình và các huyện trong tỉnh được hơn 2,2 triệu cây. Đây là mô hình sản xuất cây giống hoa màu (ớt) tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được nông dân đánh giá cao.

Theo đó, HTX còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vật tư đầu vào cho thành viên... Ngoài ra, HTX xây dựng kho chứa 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho thành viên. Là HTX quy mô toàn xã với 8 hoạt động dịch vụ, năm 2020, HTX thu về doanh thu 6,5tỷ đồng, lợi nhuận là 962 triệu đồng.

Mô hình “Hội quán” của tỉnh được thành lập trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân với phương châm “Chăm chỉ - tự lực - hợp tác”. Từ đó, góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu và mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể.

anh-2-trong-san-xuat-canh-dong-lon-o-dong-thap-co-gioi-hoa-khau-lam-dat-va-thu-hoach-dat-100-0650-20201107-79-113303-1636417541.jpeg
Cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch... đã tạo chuyển cách làm ăn mới ở nông thôn Đồng Tháp

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Hướng đến phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, Đồng Tháp đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Thời gian qua, tỉnh phối hợp với các trường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng khai thác thông tin về sản xuất thị trường trên internet, kiến thức kinh tế hợp tác, tập huấn về quản lý và phát triển hoạt động mô hình hội quán,... Ước thực hiện đến cuối năm 2021 sẽ đào tạo 320 người là thành viên HTX nông nghiệp, hội quán, cán bộ ngành nông nghiệp.

Đối với việc hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc tại HTX nông nghiệp, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ 43 cán bộ về làm việc tại HTX, với tổng kinh phí 1.251,59 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm thực hiện hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ; tiếp tục triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm nông hộ nhỏ, giai đoạn 2018 - 2021 và dự án Liên kết thị trường cho nông hộ sản xuất nhỏ - sáng kiến lúa gạo Châu Á giai đoạn 2...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ dự báo những thuận lợi, khó khăn, năm 2022, phấn đấu thành lập mới 7 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp là 2,3 tỷ đồng/năm (bình quân tăng 5%/năm); lợi nhuận bình quân một HTX nông nghiệp là 280 triệu đồng/năm (bình quân tăng 5%/năm). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp là 53 triệu đồng/năm, bình quân tăng 5%/năm. Dự kiến đến năm 2022, toàn tỉnh có 1.037 THT nông nghiệp; doanh thu bình quân 520 triệu đồng/THT; lợi nhuận bình quân 141 triệu đồng/THT.

Để đạt được kết quả đề ra, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế tập thể như tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư từ các Tổ chức Phi chính phủ, các Dự án tài trợ và tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Dự án Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm nông hộ nhỏ, giai đoạn 2018 - 2021 (phối hợp với Tổ chức Rikolto) và dự án Liên kết thị trường cho nông hộ sản xuất nhỏ - sáng kiến lúa gạo Châu Á gia đoạn 2 (BRIA2); đề án Phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái vùng Đồng Tháp Mười phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tại Đồng Tháp đã tạo bước chuyển mạnh mẽ về nông nghiệp, nông thôn trên vùng đất này ./.