Thêm nhiều số liệu ảm đạm về nền kinh tế Eurozone

Theo khảo sát được S&P Global công bố ngày 3/10, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Eurozone đã giảm từ mức 48,5 trong tháng Tám xuống mức 48,4 trong tháng Chín, thấp nhất trong 27 tháng qua. Sự kết hợp giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng tăng sẽ càng gây thêm lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Eurozone.

Hoạt động sản xuất trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9/2022 tiếp tục giảm sâu hơn trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, giá năng lượng tăng cản trở hoạt động sản xuất.

Theo khảo sát được S&P Global công bố ngày 3/10, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực đã giảm từ mức 48,5 trong tháng 8 xuống mức 48,4 trong tháng 9, thấp nhất trong 27 tháng qua. Chỉ số này không chênh lệch đáng kể so với mức 48,5 ước tính sơ bộ trước đó và tiếp tục thấp hơn ngưỡng 50 phân định kinh tế tăng trưởng hay suy giảm.

Trong khi đó, chỉ số sản lượng cũng giảm từ 46,5 trong tháng xuống 46,3 trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp thấp hơn ngưỡng 50. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá chỉ số PMI tổng hợp dự kiến công bố ngày 5/10 và được coi là một thước đo đáng tin cậy phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế.

eurozone-1659086974-8018-1659086980-1664866271.jpg
Một người đàn ông đang mua hàng tại chợ ở Rome (Italy). Ảnh: Reuters

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global, sự kết hợp giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng tăng sẽ càng gây thêm lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Eurozone. Nếu không kể đến ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời gian đại dịch COVID-19, đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất khu vực chứng kiến nhu cầu và sản lượng suy giảm ở cấp độ nghiêm trọng như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.

Theo một khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) hồi tháng trước, nguy cơ kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái trong vòng một năm là 60% và các chỉ dấu về PMI trong tương lai trước mắt cũng không sáng sủa. Nhu cầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm 2020, số lượng đơn hàng chờ giao giảm, số lượng hàng hóa thành phẩm chưa bán được lưu giữ trong các kho tăng khi các nhà máy tăng giá bán để bù cho chi phí tăng. Điều này đồng nghĩa rằng tâm lý lạc quan ngày càng thu hẹp và chỉ số sản lượng tương lai cũng đã giảm nhanh, từ mức 52,7 xuống 45,3, thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Theo nhà kinh tế Williamson, chi phí tăng cộng với nhu cầu giảm cũng khiến chỉ số niềm tin kinh doanh của các công ty thấp hơn trong tháng 9, theo đó các công ty giảm mua đầu vào và giảm tăng trưởng việc làm trong lúc chuẩn bị cho một mùa Đông khó khăn trước mắt.

Thi Nguyên (t/h)