Kiến nghị WHO xem xét các dữ liệu thực tế về thuốc lá mới vì sức khỏe cộng đồng

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) vừa qua, các đại biểu nhất trí thành lập nhóm chuyên trách tiếp tục xem xét, đánh giá dữ liệu thực về thuốc lá mới, đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
thuoc-la-moi-01-1708651186.jpg
Hiện nay trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs). (Ảnh minh họa)

Việt Nam có đủ quy định pháp lý để thực thi việc kiểm soát thuốc lá mới

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) ngày 5-10/2 vừa qua, các dữ liệu đời thực về thuốc lá mới đã được chính phủ các nước công bố.

Các chuyên gia đồng thời cũng kêu gọi, thúc đẩy WHO xem xét khách quan các dữ liệu này. Do vậy, các đại biểu đồng ý sẽ thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục xem xét, đánh giá và đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 (vào năm 2025) đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Đến nay, WHO trao quyền cho các quốc gia thực thi chiến lược kiểm soát thuốc lá mới vượt ngoài hướng dẫn của Công ước FCTC nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong gần 10 năm qua, tại Việt Nam, việc chưa có khuôn khổ pháp lý cho thuốc lá mới vẫn đang được quan tâm. Theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết: “So với các nước, luật pháp Việt Nam về kiểm soát thuốc lá đã có đầy đủ, nếu sớm đưa thuốc lá mới vào quản lý sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ hiện nay, cũng như có cơ sở để cấm các sản phẩm ma túy ‘núp bóng’.”

Theo ông Hải, nếu xét theo luật thì đã có quy định về khái niệm thuốc lá là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá, cũng như có quy định nguyên liệu thuốc lá là gì và nguyên liệu thay thế khác.

Như vậy, nếu các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá thì sẽ là đối tượng được điều chỉnh của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành.

Nhận xét về những triển vọng khi thuốc lá mới (cụ thể là thuốc lá làm nóng) nếu được hợp pháp hóa, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội đã đưa ra mô hình giả định ước tính từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30%, (đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, theo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá) nếu thực thi song song biện pháp giảm tác hại thông qua thuốc lá mới, bên cạnh chiến lược cai thuốc lá.

thuoc-la-moi-02-1708651236.jpg
Tình trạng nhập lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa)

Tránh đánh đồng mọi loại thuốc lá mới là như nhau

Để tăng cường năng lực quản lý cho cơ quan chức năng các nước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, khuyến nghị các hướng quản lý riêng biệt.

Điểm khác biệt lớn nhất của hai sản phẩm này là nguyên liệu. Thuốc lá điện tử sử dụng dung dịch chứa nicotine, trong khi thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá.

Theo ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định: "Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là thuốc lá điện tử.”

Truyền thông đang có sự nhầm lẫn về đối tượng gây ra các vụ ngộ độc vì thuốc lá mới gần đây. Các chuyên gia xác nhận cho đến nay chưa có số liệu đề cập đến nguy cơ gây ngộ độc của thuốc lá làm nóng.

Gần đây nhất, tại tọa đàm ngày 22/12/2023, các chuyên gia y tế lý giải, nguyên nhân của các ca ngộ độc thuốc lá mới gần đây được ghi nhận là đến từ các chất cấm, thành phần không rõ nguồn gốc mà kẻ gian trà trộn vào, chủ yếu là trong dung dịch của thuốc lá điện tử hệ thống mở.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Khánh Toàn - Giảng viên Cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, với loại thuốc lá điện tử hệ thống mở, người bán hoặc người dùng có thể tháo lắp để đưa các chất khác vào. Đó có thể là chất cấm, chất hướng thần hoặc các thành phần không rõ nguồn gốc.

Do đó, theo Phó Giáo sư Toàn, hệ lụy của việc chưa phân định rõ các loại sản phẩm thuốc lá mới là rất lớn: Điều Việt Nam quan ngại nhất là mọi người chưa phân biệt các loại thuốc lá mới. Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 quy định chung là ‘ngăn ngừa việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử; chưa tách thuốc lá làm nóng riêng để quản lý như một sản phẩm thuốc lá (sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá).

Do vậy, ông Cao Trọng Quý khuyến nghị cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có hướng quản lý phù hợp.

thuoc-la-moi-03-1708651277.jpg
Lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh minh họa)

Vậy thuốc lá thế hệ mới nào là sản phẩm thuốc lá?

Công bố vào năm 2020, WHO cũng đã nêu rõ trong tài liệu phát hành dành cho công chúng: "Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế.

Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa…”

Vì vậy, theo các chuyên gia, việc đánh đồng các sản phẩm thuốc lá mới là như nhau sẽ làm chậm tiến trình quản lý, đặc biệt đối với những sản phẩm đã phù hợp với định nghĩa và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá hiện hành.

Liên quan đến cơ sở pháp lý, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường.

Trong khi đó, Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng khẳng định, thuốc lá làm nóng là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá vì có nguyên liệu thuốc lá tương tự như thuốc lá điếu thông thường.

Gần đây nhất, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện đang tham khảo ý kiến của các bộ, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đưa định nghĩa của sản phẩm đó vào Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để quản lý. Bộ cũng có kế hoạch sớm trình Chính phủ kế hoạch kiểm soát mặt hàng này./.

Trọng Bình