Kiên Giang ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022

Tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn nguồn nước sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong mùa khô 2021 - 2022.
110320-hanhan1-1636368694.jpg
Tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2021/2022

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, các huyện, thành phố cần tập trung rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó, nạo vét kênh mương tăng khả năng trữ nước ngọt. Các địa phương triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu năm 2022, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ đắp 72 đập gồm: 2 đập lớn bằng cừ thép Larsen, đắp mới và gia cố 70 đập đất, nạo vét kênh kết hợp làm 6 bờ bao với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Trong số đó, hoàn thành trước ngày 15/12/2021 là 58 đập; số đập còn lại dự phòng đắp khi hạn, mặn xâm nhập sâu đến thành phố Rạch Giá và 2 huyện Châu Thành, Hòn Đất.

Cùng đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No để phục vụ nguồn nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Mặt khác, đối với vùng ven biển An Biên - An Minh, một số khu vực cục bộ trên địa bàn huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ, các địa phương này chủ động thực hiện giải pháp kịp thời, gia cố, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành lắp đặt, kịp thời vận hành cửa van các cống: Kênh thứ Nhứt, thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu trên địa bàn huyện An Biên; các cống Xẻo Bần, kênh thứ Tám, thứ Chín, thứ Mười ở huyện An Minh để đưa vào khai thác ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, cống Cái Bé đã được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành vào đầu tháng 2/2021; cống Cái Lớn dự kiến vận hành vào cuối tháng 12/2021. Theo đó, các khu vực trên địa bàn 2 huyện Giồng Riềng và Gò Quao, một phần huyện Châu Thành ít có khả năng bị xâm nhập mặn từ 2 cửa sông này.

Tuy nhiên, các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn khi triều cường để kịp thời triển khai giải pháp ứng phó khi cần thiết. Ngành chức năng tỉnh phối hợp với đơn vị tiếp nhận và tổ chức quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô đảm bảo cho yêu cầu sản xuất trong mùa khô.