Kiên Giang: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu trên địa bàn, nhằm phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong tỉnh.

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng cho biết, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương và thương nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu chủ động các phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng nhận quyền bán lẻ xăng dầu, nhất là chú trọng kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy trọng điểm trên địa bàn.

Qua kiểm tra, giám sát, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng như hiện nay đảm bảo duy trì hoạt động đáp ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và sử dụng xăng dầu của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Các đoàn kiểm tra chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp găm hàng, tăng giá, không niêm yết giá. Tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh, phân phối xăng dầu, đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 kho xăng dầu, với sức chứa 28.260 m³ và hơn 600 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động kinh doanh; 23 doanh nghiệp phân phối xăng dầu; trong đó doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh là 8 và 15 doanh nghiệp ngoài tỉnh.

1xangdau-16459600508881411526691-1646286492.jpeg
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu thời điểm trước đó có tình trạng gặp khó khăn trong tạo nguồn cung ứng xăng dầu do các thương nhân đầu mối cung cấp nguồn xăng dầu nhỏ giọt, cầm chừng. Tuy nhiên, qua chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và tỉnh, các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn xăng dầu dự trữ, tranh thủ tiếp nhận được các nguồn xăng dầu từ những thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho hệ thống phân phối xăng dầu trong tỉnh đảm bảo theo quy định, không có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không lý do chính đáng, hoạt động xuyên suốt, không gián đoạn.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389/KG tỉnh cùng các thành viên, đơn vị và lực lượng chức năng chủ động theo dõi diễn biến tình hình, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm hành vi điều hành hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng. Ban chỉ đạo 389/KG giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, sản xuất, phân phối lưu thông.

Ban Chỉ đạo 389/KG cùng với ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, chú trọng kiểm định, kiểm tra, kiểm soát về đo lường, chất lượng hàng hóa không đảm bảo kỹ thuật theo quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Đồng thơ tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện và triển khai đồng bộ các biện pháp kịp thời phát hiện xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới. Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28 tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng diễn biến phức tạp. Lợi dụng tình hình xăng dầu khó khăn, giá tăng cao, một số đối tượng đã tìm mọi cách vận chuyển trái phép mặt hàng này để bán kiếm lời, thu lợi bất chính.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 các đơn vị chức năng Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh liên tiếp bắt nhiều vụ tàu cá vận chuyển dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam với hơn 220.000 lít. Các đối tượng vận chuyển xăng dầu trái phép này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp./.