Khuyến cáo giúp người dân tránh “bẫy” tội phạm công nghệ cao

Đại diện Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra, xử lý các vụ tội phạm công nghệ cao tốn rất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chức năng.
yu-1697945538.jpg
Ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an

Tại cuộc Họp báo mới đây của Bộ TT&TT, trao đổi với báo chí, ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an nhấn mạnh: Tội phạm công nghệ cao đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Các hoạt động lừa đảo, xâm hại đến quyền riêng tư xảy ra với nhiều người, đặc biệt là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi.

Nhận định tội phạm công nghệ cao thời gian vừa qua vẫn tiếp tục gia tăng, đại diện A05 cũng chỉ ra những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới nổi lên như tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo; sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc dùng các phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn; mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật; hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, vay ngân hàng trên các nền tảng di động và qua mạng; hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân...

Nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chú trọng triển khai. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn quốc qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, các đơn vị của Bộ Công an cùng Công an các địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Song song đó, Công an cũng tổ chức tốt các công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật. Dẫu vậy, theo phân tích của ông Phạm Công Hải, hoạt động tội phạm công nghệ cao hiện vẫn diễn biến phức tạp, do các đối tượng lợi dụng những thế mạnh của CNTT như tính mã hóa, tính bảo mật, tính xuyên biên giới để dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội. “Tuy nhiên quá trình điều tra, xử lý các vụ việc lại tốn rất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chức năng”, ông Phạm Công Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Khẳng định việc đã thiết lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với bộ, ngành cũng như doanh nghiệp viễn thông, Internet trong việc cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu nghiệp vụ, đại diện A05 thông tin: “Trong 9 tháng vừa qua, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT rà soát và ngăn chặn trên 2.400 website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật”.

Trong bối cảnh công tác điều tra, xử lý các vụ tội phạm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn như trên, lực lượng Công an đã sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ. Vì tội phạm công nghệ cao có tính quốc tế, nên cơ quan Công an cũng phải tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát quốc tế để có thể điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm.

“Thời gian qua, chúng tôi đã bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây tội phạm công nghệ cao có yếu tố người nước ngoài tham gia, nhất là các đối tượng nước ngoài cầm đầu đặt trụ sở tại nước ngoài, lôi kéo một số người dân tham gia hoạt động tội phạm lừa đảo”, đại diện A05 thông tin thêm. Đáng chú ý, trao đổi tại họp báo, đại diện A05 còn nêu  khuyến cáo để giúp người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến, trong đó có việc nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi điện thoại cố định mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo yêu cầu cung cấp qua điện thoại thông tin phục vụ điều tra.

Người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó; không nhấp vào đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định. Trường hợp nhận được tin nhắn vay mượn tiền hoặc nhờ chuyển khoản tiền, người dân cần xác minh lại thông tin. Kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khoá bên cạnh tên miền website (giao thức “https”).

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết./.

Lý Hải (t/h)