Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nhân chứng từng tham gia chiến dịch Đại thắng Mùa xuân năm 1975 rưng rưng, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm 48 năm trước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy Đại đội xe tăng 9 trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến vào nội đô Sài Gòn. Sáng ngày 29/4/1975, 4 xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy gặp đoàn 24 xe tăng, thiết giáp của địch. Sau ít phút chiến đấu, Phân đội xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã tiêu diệt 12 chiếc, "bắt sống" 12 xe tăng địch. Với những chiến công hiển hách, vào tháng 9/1975, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) khi vừa tròn 26 tuổi.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hồi tưởng: “Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy! Những đồng chí bị thương ở đó cũng cố đứng dậy để ăn mừng cho nên tôi nghĩ rằng không chỉ ở miền Nam mà tất cả vùng quê cũng có sự vui mừng như vậy". Trung tướng xúc động kể về những kỷ niệm chiến đấu, với những tình tiết chưa bao giờ được nhắc đến của một Đại đội trưởng Đại đội xe tăng chủ lực đầu tiên đặt chân vào địa phận Sài Gòn, cùng những tình cảm dạt dào của một người con nhớ về gia đình khi đất nước hoàn toàn được giải phóng. Ông chia sẻ về những cảm nhận, chi tiết trên đường hành quân vào giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4 của 48 năm trước.
Đối với ông, 30/4/1975 là một ngày trời đẹp, những áng mây trôi nổi, cầu vồng lung linh xuất hiện ở xa xa phía Tây sau một cơn mưa rào. Cả đoàn bộ binh quây quần bên nhau. Không khí lúc đó tưởng chừng như cuộc hội ngộ của một gia đình lớn. Ai nấy đều phấn khởi và hào hứng hướng về Sài Gòn. Họ vui vì đất nước được thống nhất, không còn chiến tranh. Sau ngày hôm nay, tất cả đều sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Khi tiến vào thành phố, từng đoàn người đổ xuống đường như lũ. Có những lá cờ giải phóng được căng lên trên tầng lầu cao khiến đoàn binh ngỡ ngàng không biết bà con đã chuẩn bị từ khi nào.
Chương trình “Nối liền Việt Nam” nằm trong chuỗi sự kiện tổ chức thường niên của CLB Mãi Mãi Tuổi 20 (tiền thân là Quỹ Mãi mãi Tuổi 20 - UBND TP. Hà Nội) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong 7 năm tổ chức, mỗi năm chương trình đều thu hút hàng trăm sinh viên tham dự, trở thành sợi dây liên kết giữa các cựu chiến binh và thế hệ trẻ. Chương trình đã trở thành "mô hình" tiêu biểu trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng tới các bạn đoàn viên, sinh viên.
Theo Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý CLB “Mãi Mãi Tuổi 20”, “Nối liền Việt Nam” nằm trong chuỗi hoạt động phối hợp, được tổ chức thường niên của CLB “Mãi Mãi Tuổi 20” và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Được khởi xướng từ năm 2016, với chủ đề đầu tiên là “Linh thiêng Việt Nam” và tổ chức liên tục sau đó với các chủ đề tiếp theo lần lượt mang tên: “Dáng đứng Việt Nam”, “Vinh quang Việt Nam”, “Tự hào Việt Nam” và “Kiên cường Việt Nam”… Sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, chương trình trở lại với chủ đề “Nối liền Việt Nam” sẽ có nội dung phong phú và hấp dẫn hơn trước. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên sự kiện “Nối liền Việt Nam” có sự góp mặt của đại diện gần 400 sinh viên tới từ 2 trường cùng mang một cái tên nhưng ở hai miền của đất nước. Tại chương trình "Nối liền Việt Nam 2023", khán giả đều xúc động khi được chứng kiến Non sông một dải, Bắc - Nam một nhà là niềm mong mỏi tha thiết của Nhân dân Việt Nam.