Những người sinh vào năm 1975 kể chuyện lớn lên giữa thời bình

Sinh năm 1975. Thời điểm của “mùa xuân đầu tiên, mùa bình thường, mùa vui”, thời điểm của “người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người”. Như Văn Cao nói với con khi viết “Mùa xuân đầu tiên”: “Cha viết bài này mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ”.

- Nhà văn Trương Gia Hoà - Tên Gia Hòa của tôi ngoài ý nghĩa chiết tự của nó thì bà con dòng họ đều hiểu đó là sự kết nối của làng Gia Bình bên nội và làng An Hòa bên ngoại mà ra. Thế nhưng, từ khi sinh ra đến năm 17 tuổi thì tất cả gia đình, bạn bè và cả thầy cô đều gọi tôi là Bồ Câu, cái tên ba đặt cho tôi ở nhà.

Ba kể những ngày 30-4-1975 cả nhà đang ở Sài Gòn. Thông tin dồn dập, súng bắn đì đùng nên mẹ tôi... nín lại. Đợi 13 ngày sau cho thật sự ổn định mới sinh cho an toàn. Là nói cho vui chứ chuyện sinh đẻ làm sao mà nín được. Những ngày ấy quả là đáng nhớ. Một dấu mốc lịch sử của đất nước và sự ra đời của đứa con gái đầu lòng, ba tôi đã không suy nghĩ nhiều khi đặt tên cho tôi. Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn ba đã cho mình một cái tên Bồ Câu vừa ý nghĩa lại dễ thương.

278670499-505628864373967-7665725097670671960-n-1650932040.jpg
Nhà văn Trương Gia Hòa

Hôm nay ngồi gõ những dòng này, chợt nghĩ tên Bồ Câu quả thực rất phù hợp cho cô bé học trò, còn bây giờ, gọi người phụ nữ 47 tuổi là Bồ Câu thì quả thật có chút trớ trêu. Vài người bạn sau này khi biết tôi có cái tên Bồ Câu thì đã xác định được chính xác năm sinh. Chuyện giấu tuổi của một người phụ nữ trung niên như tôi xem ra thật khó.

Có lần tôi ngồi điểm lại tên của những anh em trong dòng họ. Nếu như trước 1975, anh chị tôi hầu hết đều sở hữu những cái tên nghiêm ngắn, những cái tên chuyên chở ước mong của cha mẹ.

Vài người có tên ở nhà thì phải giấu biệt khi đi học vì thường là nó rất xấu. Tuy nhiên kể từ sau cái tên Bồ Câu và cột mốc 1975, dòng họ nhà tôi có thêm nào là Chích Chòe, là Thỏ, là Cao Lương và Bo Bo... những cái tên thuần túy đáng yêu, nhẹ bỗng. Vì đã im tiếng súng rồi, tên của những đứa trẻ không cần phải xấu xấu để ma quỷ ngó lơ.

Mọi thứ dường như quá dễ dàng cho các con. Không lo đói, không lo rách, không lo thiếu phương tiện thì lo gì? Lo không cập nhật quán ăn ngon kịp bạn bè? Lo bị chê quê mùa khi mặc cái áo sơmi hơi rộng? Lo cúp điện mất WiFi thì cả thế giới sẽ đi trước mình một tiếng đồng hồ? Xác định là có. Vài đứa trong số chúng gặp phải những khó khăn lo lắng như thế. Tin vui là cũng có nhiều bạn đang rất chăm chỉ và quyết tâm để trở thành một công dân toàn cầu theo cách mà chúng muốn.

Tôi không bi quan về sự trưởng thành của những đứa trẻ khi chúng có quá nhiều thuận tiện trong đời sống. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Đầy đủ và thuận tiện vừa là một cái bẫy nhưng chẳng phải là điều mà bao nhiêu thế hệ đã hi sinh để giành lấy hay sao.

Quan trọng là hiểu biết sẽ cho các con biết mình đang ở vùng biển nào để mà chọn lựa cho mình con thuyền phù hợp. Đến tuổi đã có con sắp trưởng thành, tôi lại lo cho những sợi dây neo. Các con hãy cứ giong buồm, nổ máy, gắn thêm động cơ, rồi đi đến bất cứ nơi nào các con muốn. Nhưng trước khi ra khơi, làm ơn chuẩn bị bộ neo cho xịn vào. Cha mẹ sẽ là một phần trong bộ neo ấy, để mãi mãi các con được tiếp thêm sức mạnh. Vậy thôi.

Bao nhiêu năm sống và hát, mới thấm thía hết ý nghĩa của nỗi đau, của sự bình yên, an nhiên trong cuộc sống và cả sự tự do trong tâm trí, điều gì cần giữ, điều gì cần buông trong cuộc đời này. Người ta nói đi hết tuổi 45, ta như được sinh ra lần nữa. Là khi ta đủ trưởng thành để rũ bỏ bộ lông cồng kềnh và già cỗi bằng một bộ lông mới mạnh mẽ hơn để tiếp tục hành trình mới.

- Tôi được sinh vào tháng 8-1975, gần 4 tháng sau ngày thống nhất đất nước, trong một gia đình công nhân bình thường ở Hà Nội, có 3 anh chị em. Thành phố của tôi những năm tháng đó nghèo khó nhưng vẫn có gì đó đẹp và thơ mộng. Trong ký ức của cô gái nhỏ Mỹ Linh ngày ấy, vẫn còn sót lại hình ảnh khu tập thể và căn hộ 10m² đi vào đi ra là đã hết của gia đình mình. Chẳng nhà nào có khu bếp và vệ sinh riêng.

Ở đó, mỗi tầng, mấy chục gia đình dùng chung một khu vực. Thời bao cấp, mọi thứ dù nhỏ nhất đều được phân phối bằng tem phiếu, phải chật vật mà sống, tằn tiện qua ngày. Người lớn vì đói khổ quá mà tiếng to tiếng nhỏ cũng là thường, rồi lâu dần thành những tiếng đời quen thuộc. Cũng chẳng ai dùng ái ngữ với ai mấy khi.

Chính trong khoảng thời gian xám ngắt mà người dân mơ một chiếc xe đạp Thống Nhất, một cái quạt tai voi, một đôi dép nhựa Tiền Phong, một bao gạo không có mùi mốc, một bánh xà phòng Camay... cũng khó ấy, lũ trẻ con chúng tôi lớn lên. Muốn lớn thế nào thì lớn, tự ăn, tự học, tự bày trò chơi với nhau vì cha mẹ hầu hết là công nhân đầu tắt mặt tối tăng ca 10 tiếng mỗi ngày ở nhà máy. Đám con trai chơi đá cầu, đánh quay; còn lũ con gái đánh bi, ô ăn quan, chơi chuyền...

278913846-505628871040633-8309822424086695046-n-1650932100.jpg
Ca sỹ Mỹ Linh

Trong khoảnh sân rộng bình yên hiếm có của những ngày đất nước sau chiến tranh và đi lên đổi mới ấy, chúng tôi - những đứa trẻ của đất nước “Việt Nam mới” - chơi mướt mát mồ hôi từ sáng đến chiều muộn, hôi rình. Chơi mà lớn. Tôi cất tiếng hát đầu tiên lúc 5 tuổi hoặc bé hơn - tôi không nhớ chính xác. Trí nhớ lõm bõm. Cuộc đời có nhiều phút giây đi qua rồi mất hút như thế. Mình cứ hát thôi. Vui cũng hát, buồn khổ cũng hát, đói no cũng hát.

Cứ hát váng lên cả những năm tuổi thơ tra tấn lỗ tai gia đình và hàng xóm. Rồi cuộc sống ở khu tập thể ấy cứ thế trôi đi, những năm bao cấp tem phiếu với sổ gạo cũng trôi đi, tôi bắt đầu chứng kiến Hà Nội chuyển mình từ chậm đến nhanh dần, giờ thì nhanh đến nỗi không kịp nhìn nữa. Giống như nhà văn Nguyễn Bình Phương viết trong một tiểu thuyết của anh: “Hà thành bây giờ khác xưa, gió thổi nhanh hơn, người đi vội hơn”. Mỗi ngày của tôi đều giống như mọi ngày. Tôi vốn chẳng thích những điều bất thường. Thật bình thường càng tốt.

Sinh ra đúng những năm sau chiến tranh đói khát và vất vả, như cái cây non được tôi luyện qua những ngày giông bão, tôi cứng cáp sớm và lì đòn. Số phận giúp tôi sớm hiểu và trân trọng những gì mình có được. Cũng giúp tôi kiên trì, bền bỉ, không từ bỏ, ngay cả những lúc khó khăn nhất vẫn nhìn đời lạc quan.

Trong album Chat với Mozart Vol.II mà tôi công bố cách đây vài năm, tôi thích nhất ca khúc Bài ca tự do. “Tận cùng hết những buồn đau/ Sẽ thấy sớm mai yên bình”. Bao nhiêu năm sống và hát, mới thấm thía hết ý nghĩa của nỗi đau, của sự bình yên, an nhiên trong cuộc sống và cả sự tự do trong tâm trí, điều gì cần giữ, điều gì cần buông trong cuộc đời này.

Bất kỳ ai lựa chọn theo con đường nghệ thuật cũng đều phải đối mặt với nỗi đau và sự cô đơn - những thách thức tinh thần rất lớn hoàn toàn có thể đánh gục một người nghệ sĩ. Đó cũng là cái giá phải trả cho hành trình chinh phục sự tự do trong tâm tưởng, được theo đuổi và cháy hết mình cùng ước mơ.

May mắn, trên con đường đó tôi đã không một mình. Người ta nói đi hết tuổi 47, ta như được sinh ra lần nữa. Là khi ta đủ trưởng thành để rũ bỏ bộ lông cồng kềnh và già cỗi bằng một bộ lông mới mạnh mẽ hơn để tiếp tục hành trình mới. Tôi từng xem một bộ phim tài liệu về loài chim đại bàng. Đó là một hành trình đau đớn nhưng cũng đầy quyết tâm rực rỡ.

- Đạo diễn Đức Mạnh: Tôi là con út trong một gia đình gồm 12 anh chị em, có cha mẹ đều là người gốc Bắc, cha làm thợ mộc, còn mẹ buôn bán rau ngoài chợ. Ai trong nhà cũng có máu nghệ thuật nhưng không thành viên nào theo đuổi con đường này ngoài tôi cả. Khi còn nhỏ, tôi hay tìm cách để đi xem những vở tuồng vở kịch hay cố gắng đọc những câu chuyện được nghe kể, hướng dẫn các bạn nhỏ trong xóm cùng tập.

Tuổi thơ tôi trải qua những năm tháng đất nước trong bối cảnh xây dựng và phục hồi. Tôi nhớ gánh rau của má ngoài chợ gói ghém những đồng tiền cắc cuộn tròn trong giấy. Nhớ những buổi ăn khoai mì trừ cơm, nhớ những trò chơi dân dã của đám con nít thời bấy giờ. Rồi tôi lớn lên khi đất nước bắt đầu mở cửa, có thêm những cơ hội phát triển, tiếp cận với thế giới.

278668030-505628927707294-5252117323937713872-n-1650932148.jpg
Đạo diễn Đức Mạnh

Tôi hiểu những khó khăn mà cả thế hệ mình phải trải qua, thiếu thốn cơ sở vật chất, không được học nhiều và có cơ hội như các bạn trẻ bây giờ. Nhưng tôi hài lòng rằng tôi vẫn luôn giữ được hoài bão và lý tưởng, đam mê để trụ được với nghề nghiệp mình chọn tới ngày nay.

Hôm nay tôi vẫn đang phải học rất nhiều, học hằng ngày. Thật may mắn là đất nước đang phát triển mạnh mẽ, tạo động lực và cơ hội cho tôi được học và làm nhiều thứ hơn. Chúng tôi vẫn hay nói với nhau: thế hệ mình vẫn là may mắn nhất khi được sinh ra vào thời điểm đất nước thống nhất. Tuy nhiên, thế hệ của chúng tôi cũng rất vất vả, phải đồng hành với khó khăn của đất nước thời kỳ hòa bình. Khi có cơ hội, tôi sẽ cùng anh em nghệ sĩ làm một bộ phim để chia sẻ về những câu chuyện này.

Điện ảnh Việt từng chìm nổi khi đất nước chuyển đổi mô hình kinh tế, hiện nay điện ảnh đã phát triển tốt hơn rất nhiều. Tôi luôn làm phim với cái tâm mang điều tích cực tới cho khán giả./.