Không để sông miền Tây thêm “méo mó, dị dạng”

Trong bối cảnh nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng phát triển như hiện nay, việc kết nối các bên liên quan và có cái nhìn đa chiều là vô cùng quan trọng để xây dựng những chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản (cát) toàn diện và hiệu quả.

Phần cuối của sông Mekong có trữ lượng cát rất lớn và hiện có khoảng trên 80 doanh nhiệp được cấp phép khai thác với sản lượng khoảng 28 triệu tấn cát mỗi năm. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó để kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Ngân hàng cát (là khoảng chênh lệch giữa khối lượng cát sông được vận chuyển về từ thượng nguồn với lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, cũng như lượng cát đổ ra biển) của ĐBSCL đã cho thấy hàng năm lượng trầm tích bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm sắp tới.

Tại miền Tây, hàng năm lượng trầm tích (cát, bùn, sét) bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng trên hệ thống sông Mekong. Con số này được dự đoán tăng trong các năm tới. Miền Tây hiện có hơn 620 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, gần 150 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; 137 điểm nguy hiểm, dài 193 km.

0000000000321-1653098470.jpg
Tình trạng khai thác cát không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến các dòng sông khu vực miền Tây thêm “méo mó” do sạt lở.

Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính gây nên sạt lở sông do dòng chảy đồng bằng, địa chất ven biển mềm yếu, hồ chứa thượng lưu, khai thác cát, xây dựng hạ tầng ven sông và ảnh hưởng giao thông thủy. Ở nhiều địa phương, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra do nhu cầu về xây dựng, san lấp rất lớn.

Việc khai thác cát quá mức tác động lớn đến cuộc sống, sản xuất của hàng triệu người dân miền Tây; làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông; gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao. Những áp lực môi trường này có thể phá huỷ khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của Đồng bằng sông Cửu Long.

Giới chuyên gia đề xuất thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng...

Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 3,9 triệu ha, gồm 13 tỉnh thành với khoảng 18 20 triệu dân. Đây là vùng kinh tế quan trọng, góp hơn 17 % GDP, 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước.

Cát được khai thác trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: xói mòn các nhánh sông, tiếp tục xói lở bờ gia tăng (khoảng 500ha/năm) đã làm Đồng bằng thay đổi hình dạng. Việc này được ghi nhận từ năm 2005. Hơn 70% cát khai thác được sử dụng để san lấp. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự và đại diện của khu vực tư nhân, thiếu kiến thức về tác động môi trường của việc khai thác với tốc độ như hiện tại và việc sử dụng cát sông không bền vững, ví dụ để san lấp. Các bên liên quan không biết rằng ngân hàng cát đã bị thâm hụt trong nhiều năm. Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới.

Hiện nay, cát sông vẫn được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường trong Luật Khoáng sản năm 2010 nên việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, sử dụng và khai thác cát lòng sông. Sở TNMT được phân công là đơn vị quản lý và cấp phép khai thác cát sông. Chỉ những mỏ cát liên quan đến hai tỉnh thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tuy nhiên, ở không ít địa phương vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn trong khi việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế. Các đối tượng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông sử dụng nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng (khai thác vào ban đêm, gần sáng, tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra) gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.

Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi xây dựng chưa tuân thủ quy định theo Giấy phép được cấp (thời hạn cấp phép, công suất khai thác, vị trí khai thác), không chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan, dẫn đến tình trạng sạt lở, biến đổi dòng chảy, mất an toàn giao thông đường thủy…
Chính phủ đã có động thái hạn chế và xác định hạn ngạch khai thác, tuy nhiên việc xác định chi tiết trữ lượng khai thác cát bền vững chưa có cơ sở tin cậy do thiếu dữ liệu khoa học về định lượng cát.

Năng suất sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ sinh thái của đồng bằng phụ thuộc nhiều vào sự lắng đọng trầm tích. Không có dòng trầm tích (cát, bùn, sét) từ thượng nguồn và các phụ lưu của sông Mekong, đất phù sa của đồng bằng - đã được bồi lắng qua hàng ngàn năm - sẽ biến mất vào biển. Từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích đến đồng bằng đã giảm 50%.

Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, tình trạng sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải sẽ ngày càng trầm trọng, khiến hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven sông Tiền và sông Hậu đứng trước nguy cơ mất nhà. Khai thác cát không bền vững cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây.