Michael Clark, chuyên gia lập mô hình hệ thống thực phẩm tại Đại học Oxford cùng các đồng nghiệp đã thống kê các loại khí gây hại thải ra trong sản xuất nông nghiệp từ năm 2020 đến năm 2100. Khí CO2 thải ra từ hoạt động nông nghiệp đến từ nhiều nguồn, chẳng hạn như chặt phá rừng nhiệt đới để lấy chỗ canh tác, vận hành máy móc nông trại và sản xuất hóa chất nông nghiệp. Phân bón cũng thải ra oxit nitơ, một loại khí nhà kính khác. Và loài bò thải ra khí methane, một loại khí nhà kính cực mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm mô phỏng: Chấm dứt tất cả các nguồn khí nhà kính khác ngoài nông nghiệp, có nghĩa là loài người đã hoàn thành chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, các tòa nhà được làm nóng bằng địa nhiệt, năng lượng tái tạo… “Ngay cả với điều kiện không tưởng như vậy nhưng không có sự thay đổi trong cách sản xuất thực phẩm thì tình hình vẫn rất xấu”, Clark nói. Mô phỏng cho thấy chỉ riêng hệ thống nông nghiệp sẽ tạo ra đủ lượng khí nhà kính làm cho Trái đất ấm lên thơn 1,5 độ C vào khoảng giữa năm 2051 và 2063. Kết quả mô phỏng được báo cáo trên tạp chí Science.
Xem xét tác động của các chiến lược liên quan đến nông nghiệp, trong đó có thúc đẩy năng suất cây trồng, giảm phá rừng; con người chuyển sang chế độ ăn ít sản phẩm động vật hơn và giảm một nửa lãng phí thực phẩm so với hiện nay, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng không có cách tiếp cận riêng lẻ nào trong số này đủ để giữ cho toàn cầu nóng lên dưới 1,5 độ C, ngay cả khi tất cả khí thải ngoài nông nghiệp đã bị loại bỏ. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu ngay lập tức và đạt được tiến bộ đáng kể trên tất cả các chiến lược giảm phát thải nông nghiệp thì có thể đạt được mục tiêu này.
“Giải pháp giảm phát thải không chỉ có xe điện và điện mặt trời. Chúng ta nhất thiết phải thay đổi chế độ ăn uống”, Tim Benton, chuyên gia về hệ thống thực phẩm tại Chatham House, một tổ chức tư vấn, cho biết./.