Khơi dậy tinh thần doanh nhân

Nghị quyết số 41/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị (khóa XIII) là động lực khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân.
a1-1698890103.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân ngày 11/10/2023 nhân Kỉ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất hai triệu doanh nghiệp, với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 - 65%. Hướng tới mục tiêu này, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị (khóa XIII)  đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, từ đó huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. 

Điểm nhấn từ Nghị quyết số 09-NQ/TW

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam lên tầm vóc mới, đảm bảo tương ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo điều kiện cho cộng đồng DN, doanh nhân phát triển.

a4-1698890325.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân ngày 11/10/2023 nhân Kỉ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Số liệu của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW cho thấy, cả nước hiện có khoảng  900 nghìn DN đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn HTX và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Nếu chỉ tính các hộ kinh doanh có mã số thuế, cả nước có gần 4 triệu doanh nhân; còn nếu xét cả các hộ kinh doanh không có mã số thuế, cả nước có hơn 7 triệu doanh nhân. Việt Nam hiện có 124 DN, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới; có 7 doanh nhân lọt vào tốp tỷ phú USD toàn cầu.

Đánh giá về kết quả sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian vừa qua. Đội ngũ này đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước,  tạo ra công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ cho xoá đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Tiếp lửa tinh thần doanh nhân

Sự phát triển của DN, doanh nhân trong hơn một thập kỷ qua rất đáng ghi nhận, nhưng những tồn tại, hạn chế của DN, doanh nhân Việt cũng đã được chỉ ra. Trong đó, việc nhiều DN mới được thành song hành với nhiều DN tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể là thực trạng đáng quan ngại. Theo một báo cáo chuyên đề của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2011 - 2020, trung bình mỗi năm có 103.529 DN thành lập mới nhưng lại có 76.140 DN rút khỏi thị trường. 

a6-1698890372.jpeg
Hơn một thập kỷ qua, TH True MILK là thương hiệu Việt Nam trên thị trường sữa tươi sạch. (Trong ảnh: Cánh đồng cơ giới của TH true MILK ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An)

Còn trong 9 tháng năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có 116,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cả nước có tới 5,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%, 46,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể,.

PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng, nhìn vào bức tranh kinh tế thì phải nhìn vào DN, vì đó là chủ thể chính của nền kinh tế. Ông Thiên nhấn mạnh, 70% số DN phải rời bỏ thị trường với “tuổi thọ” trung bình chỉ khoảng 4 - 5 năm. Quá trình hoạt động đó gần như chưa có đóng góp gì, là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn trong xã hội. 30% số DN trụ lại phải cần 30 - 40 năm mới vươn ra được thị trường thế giới vì xuất phát điểm thấp, quy mô vốn và lao động nhỏ.

Nhưng mối lo nhất – theo các chuyên gia kinh tế, là nằm ở tinh thần của doanh nhân. Sự chững lại của cải cách môi trường kinh doanh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong các cơ quan quản lý và sự chồng chéo của quy định pháp luật đang làm giảm sút động lực của doanh nhân, DN. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 5 năm vừa qua, rất ít dự án, công trình mới của DN nhà nước được khởi công. Hầu như các DN chỉ thực hiện những dự án dở dang hoặc xử lý dự án tồn đọng từ giai đoạn trước.

a8-1698890397.jpg
Vingroup đã áp dụng thành công các mô hình kinh thế tuần hoàn, đáp ứng linh hoạt trước sự biến động của thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc những DN tỷ USD như Vietjet, TH True Milk khởi nghiệp; hay Vingroup, Thaco,... có bước đi mới để vươn mình. Khi cộng đồng DN vừa bước ra khỏi đại dịch COVID - 19, sẽ là một thế hệ DN kế tiếp được sinh ra, gồm những con sếu đầu đàn đã trưởng thành cùng đội ngũ doanh nhân mới khởi nghiệp từ sự đam mê, ý chí, khát vọng mang tầm thời đại. Đây là thế hệ doanh nhân phụng sự, những người đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên hết.

Để khơi dậy tinh thần doanh nhân, trước thời điểm Kỉ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2023), ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế Nghị quyết số 09-NQ/TW. Nghị quyết 41-NQ/TƯW đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết được ban hành đúng ngày “Tết Doanh nhân” là niềm động viên to lớn để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tiếp tục cống hiên, tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.


Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, các cơ quan quản lý đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành 12 đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (năm 2014 và 2020), Luật Đầu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo ra bước đột phá về cải cách thể chế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.”
Phúc Lâm