Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tú (SN 1989) trú tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), anh là một trong những người khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim yến, từ đó chế biến thành nhiều sản phẩm chất lượng cao. Đến nay nhãn hiệu Yến sào xứ Thanh trở thành sản phẩm OCOP 4 sao vươn ra thị trường quốc tế.
Nguyễn Văn Tú vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ven biển nên sau khi học hết lớp 9 anh Tú đã phải vào Nam kiếm sống phụ giúp gia đình. Sau bao năm bôn ba, với số vốn dành dụm được cộng với những kinh nghiệm đã tích lũy được, anh đã trở về quê hương lập nghiệp bằng việc xây nhà nuôi yến.
Vốn là vùng ven bển, nơi những bầy chim yến tự nhiên tìm về. Tận dụng điều kiện thuận lợi đó, anh đã đầu tư cải tạo tầng 2 của căn nhà nơi gia đình sinh sống làm nhà yến. Trong quá trình xây dựng, anh đặc biệt chú trọng các thông số kĩ thuật phức tạp về kích thước, chất liệu, sao cho ánh sáng, nhiệt độ…phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của chim yến. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà yến của anh đã thu hút được lượng lớn chim yến về làm tổ.
Những ngày đầu nuôi chim yến, anh Tú gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ,… Đặc biệt nhất phải kể đến mùa đông năm 2015, toàn bộ 2.000 con chim yến của anh bị chết cóng. Không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Tú đã đầu tư lắp đặt hệ thống lò sưởi điện để phòng, chống rét cho yến, duy trì độ ẩm 80-90%; nhiệt độ trong nhà 24-25 độ C. Đồng thời, lắp đặt hệ thống âm thanh tạo ra tần số phù hợp để dụ chim yến về làm tổ. Hiện khu nhà yến của anh tạo nơi cư trú cho khoảng 4.000 - 5.000 con chim yến.
Anh Tú cho biết: “Bản thân tôi vốn học hành không đến nơi đến chốn, lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, nên rất khó khăn. Ngay từ lúc bắt tay vào làm đã bị bạn bè, người nhà ngăn cản vì họ cho rằng chỉ có người điên mới dám bỏ ra cả trăm triệu đồng để xây nhà cho chim ở”.
Bỏ qua những lời dị nghị của mọi người, anh Tú quyết tâm theo đuổi đam mê. Để hạn chế thiệt hại, anh đã đi học thêm kiến thức từ bạn bè, ngoài ra anh cũng đầu tư các hệ thống sưởi, âm thanh... để phù hợp với chim yến. Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi, những chú chim yến đã bắt đầu “trả ơn” anh bằng những tổ yến thơm ngon được nhiều người tin dùng.
Ngày đầu, cơ sở bán tổ yến thô giá rất cao từ 3-4 triệu 1 lạng không phải ai cũng có tiền mua, đặc biệt là ở nông thôn. Tú nghĩ mình nên chế biến để chia nhỏ sản phẩm ra sẽ hợp với túi tiền của nhiều người. Anh quyết định mở xưởng chế biến tổ yến. Năm 2017, khi nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, anh Tú đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh.
Từ đó, anh đã đầu tư mua trang thiết bị, máy móc để sản xuất các sản phẩm tổ yến thô thành các sản phẩm như yến sào và yến chưng... phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Quá trình hoạt động, anh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để mở rộng thị trường.
Năm 2018, sản phẩm Yến Sào xứ Thanh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó anh tích cực thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các nước để đưa sản phẩm của quê hương thành mặt hàng xuất khẩu.
Anh Tú cho biết: “chương trình OCOP đã đi vào tiềm thức của người dân quê nói chung và bản thân mình nói riêng. Bởi nó đã “đánh thức” nhiều sản phẩm bấy lâu đã “ngủ quên” trong làng xã. Đạt sản phẩm OCOP phải trải qua quá trình kiểm định khắt khe. Doanh nghiệp Yến sào xứ Thanh lớn lên cũng nhờ những lần kiểm định này. Văn hóa kinh doanh đổi mới, tư duy kinh doanh khác xưa, nhờ đó mà sản phẩm Yến Sào xứ Thanh trở thành mặt hàng xuất khẩu”.
Nhờ vào quá trình phấn đấu không mệt mỏi, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh do anh Tú làm giám đốc đã đưa ra thị trường 12 dòng sản phẩm mang thương hiệu Yến sào xứ Thanh. Hiện công ty đã có 16 đại lý, 3 nhà phân phối tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 16 đại lý này Tú là người chuyển giao công nghệ nuôi nhà yến và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Nếu tính cả nước có khoảng 400 căn nhà yến được anh xây dựng, bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, thương hiệu Yến sào xứ Thanh đã có mặt bằng trên thành phố Thanh Hóa. Tại quê hương Hậu Lộc, công ty đã mở rộng thêm 1 sở mới, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Đây cũng là lúc anh có những đơn hàng, đối tác lớn từ công ty dược Hà Nội, công ty dược Bắc Giang,…. Sắp tới Nguyễn Văn Tú sẽ có cuộc làm viêc với đối tác mới đến từ Trung Quốc.
Song song với quá trình gắn sao cho sản phầm Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh cũng áp dụng chuyển đổi số. Từ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các lớp đào tạo, tập huấn do Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức công ty đã áp dụng thành công chuyển đổi số để kinh doanh yến sào. Sản phẩm được đưa lên nhiều sàn thương mại điện tử. Tất cả hệ thống sản xuất đều tự động, theo dây chuyền khép kín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó doanh thu năm 2022 đạt 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với triết lý “cho và nhận”, hàng năm, Công ty TNHH Yến Sào xứ Thanh luôn tổ chức thăm hỏi, trao quà thiện nguyện cho các bệnh nhận có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ những nỗ lực không biết mệt mỏi theo đuổi đam mê, như những chú chim yến dành trọn tình yêu cho con, anh Nguyễn Văn Tú đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2023.