Khi rừng trồng “ăn mòn” rừng tự nhiên

Vài thập niên trở lại đây, nhiều cánh rừng tự nhiên ở Thanh Hoá đang dần thu hẹp và bị thay thế bằng rừng trồng và rừng sản xuất, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh.
rung2-1695814691.jpgLực lượng kiểm lâm, kiểm tra, xử lý vi phạm rừng

Thanh Hóa từng được xem là địa phương có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng với nhiều loại gỗ nằm trong nhóm quý hiếm cùng với hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên trong những thập niên gần đây, cánh rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp và dần bị thay thế bằng rừng trồng và rừng sản xuất, làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái xung quanh.

Rừng già hóa... đồi trọc

Theo tài liệu cũ, chúng tôi tìm đến xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa, nơi mà trước đây từng được xem là thủ phủ của những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý, chính bởi vậy, tên các bản cũng được đặt theo tên của những loài gỗ quý như chợ Rừng Lim, Bản Lim Hoành, bản Trẹo…

Chạy dọc theo tỉnh lộ 505, lâu lâu lại bắt gặp những gốc, rễ cây già to như cái giường được nghệ nhân đào lên, trang trí thành những bàn trà rất bắt mắt. Sau 2h chạy xe máy, chúng tôi có mặt tại nhà ông Hà Văn Ón (79 tuổi), trú tại khu rừng lim, nay là thôn Đồng Lấm xã Thanh Tân.

Căn nhà gỗ của ông là minh chứng còn xót lại của cánh rừng già cách đây gần 3 thập kỷ. Theo mạch cảm xúc, ông Ón bắt đầu hồi tưởng lại những buổi hoang sơ của địa phương cách đây gần 30 năm. Lời kể của ông như một ngòi bút chấm phá lại những bức tranh u buồn về cánh rừng từng bị con người chặt phá để lấy tiền đong gạo.

Theo ông Ón, từ xa xưa rừng đã trở thành bầu bạn của đồng bào người Thái. Họ sinh ra từ tán lá rừng, lớn lên kiếm ăn từ những cánh rừng, để rồi kết thúc đời mình lại chọn dưới những cây gỗ to làm chỗ yên nghỉ. Cũng chính vì vậy mà nạn đói lịch sử năm 1945 đa số những đồng bào sống cạnh rừng rất ít khi bị ảnh hưởng.

Đáp lại những tình cảm yêu thương của con người, rừng ban cho họ những mảnh đất phù nhiêu, màu mỡ để canh tác, rừng còn là nơi sinh trưởng và phát triển của muôn thú, tạo ra nguồn thức ăn vô tận đối với người dân sinh sống quanh vùng. Không chỉ có vậy, rừng còn tạo ra một hệ sinh thái ôn hòa, giúp cho những con suối nhỏ quanh năm không cạn.

Nhưng khi đời sống ngày một khó khăn, việc săn bắt thú cũng như canh tác thuần túy không giúp cho người dân đủ ăn, họ bắt đầu quanh lưng lại với mẹ thiên nhiên. Để có tiền đong gạo, hàng loạt những cây gỗ to đã bị chặt hạ không thương tiếc. Không chỉ dừng lại ở đấy, khi gỗ to đã cạn, rừng trở nên nghèo kiệt, người dân sẵn sàng chặt phá để lấy đất canh tác.

rung-1695814884.jpgRừng tự nhiên bị chặt phá, thay thế bằng rừng sản xuất ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Cũng từ đó, hàng loạt héc ta rừng tự nhiên đang sinh trưởng và phát triển tốt bỗng chốc trở nên nghèo kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái. Các loài chim, thú cũng biến mất theo rừng già, không còn xuất hiện tiếng kêu, những dòng suối nhỏ quanh năm chảy róc rách bỗng chốc khô hạn trơ đáy.

Do thời đấy chế tài xử lý vi phạm rừng chưa đủ mạnh, đồng thời lực lượng kiểm lâm bám rừng còn mỏng nên hàng loạt cánh rừng vô cùng giá trị đã bị chặt hạ để đổi lấy những bò gạo. Máu rừng chảy dẫn đến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt các con khe, suối bỗng chốc cạn sạch nước khiến cho đồng ruộng bị khô hạn, thiên tai, hạn hán bắt đầu xảy ra thường xuyên.

Ông Hà Văn Phương (75 tuổi) nguyên cán bộ thôn Thanh Quang cho biết: “Lúc đấy cả làng nghèo đói, lực lượng kiểm lâm thì ít nên dân vào rừng chặt gỗ bán rất nhiều. Chỉ vài năm sau rừng bắt đầu nghèo kiện, họ lại ngang nhiên phát rừng để lấy đất canh tác nên chẳng mấy chốc những cánh rừng nguyên sinh đã biến mất”.

Rừng tự nhiên dần thu hẹp, để giữ lại rừng và hệ sinh thái, chính quyền sở tại đã ban hành nhiều chính sách, khuyến khích bà con giữ rừng, trồng mới rừng để thay thế. Từ đó những quả đồi trọc đang dần được phủ lên những màu xanh của rừng trồng.

Biến đổi sắc xanh trên những cánh rừng

Đứng trước thực trạng đáng báo động nêu trên, chính quyền sở tại đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giữ lại rừng, thay đổi tư duy sản xuất du canh, du cư của người dân bản địa như giao khoán rừng. Bên cạnh đấy, việc trồng mới, tạo kế sinh nhai từ rừng cũng được khuyến khích tại nhiều địa phương.

Từ những chính sách đúng đắn, cộng với việc tăng cường kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng, hàng loạt cánh rừng đang bị dần “thoi thóp” đã được bảo vệ chờ ngày hồi sinh. Những quả đồi trọc cũng dần được “khoác lên” một màu xanh mới từ những tán cây keo, cây cao su.

Ông Hà Đức Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Sau khi nhà nước kêu gọi, khuyến khích người dân trồng rừng, vừa được tiền hỗ trợ chăm sóc cũng như đem lại kinh tế cao nên chẳng mấy chốc, những quả đồi trọc ở địa phương đã được người dân trồng cây hết”.

Khi đời sống người dân quanh vùng đang khốn khó, chưa có lời giải thì một thời gian ngắn, màu xanh của rừng đại ngàn đã bị người dân nhẫn tâm “lột sạch” áo để đong gạo, biến rừng già thành những quả đồi hoang hóa. Nhưng nhờ những chính sách hợp lý, quyết liệt của chính quyền các cấp, khoảng một thời gian ngắn, những quả đồi trọc kia đã được khoác lên mình một màu xanh mới mang nhiều kỳ vọng thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Sắc xanh đã được phủ khắp những quả đồi trọc, nhưng hệ sinh thái rừng đã mất thì rất khó khôi phục. Do rừng tự nhiên có hệ sinh thái đa dạng, nhiều tầng, điều mà rừng sản xuất không thể có được.