Khi người lính trở về

“Trong chiến tranh đối mặt, đương đầu với cái chết thì sống. Còn trong cuộc sống thương trường hôm nay đối mặt đương đầu là chết...”
nguyen-ngoc-dat-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-9-1714371464.jpg
Doanh nhân, CCB Nguyễn Ngọc Đạt cả đời đau đáu với đồng đội đã hy sinh

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Đạt, nguyên Bí thư Đảng bộ, Uỷ viên thường trực tỉnh Đoàn Hà Nam Ninh, Phó Bí thư Đảng bộ Sở Xây dựng Hà Nam Ninh, Bí thư Đảng bộ – Trưởng Ban tổ chức Sở Xây dựng Hà Nam Ninh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Nam Định, Chủ tịch Hội Cấp Thoát Nước miền Bắc, thành viên Hiệp hội nước Châu Á - Thái Bình Dương mở đầu câu chuyện.

Dù đã về hưu, nhưng ngôi nhà của CCB Nguyễn Ngọc Đạt trở thành điểm đến cho những người đồng đội năm xưa ôn lại những kỷ niệm đã qua. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những tháng ngày vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng. Điều gì đã khiến ông từ một người lính, từng trải qua những sinh tử nơi trận mạc, vượt qua những biến cố của cuộc đời để cống hiến và khẳng định mình trước xã hội!

Ông thừa nhận, phía sau sự thành công của mình luôn có sự hy sinh của người vợ, cô giáo Lan Phương. Không những vậy còn có cả vong hồn của những người đồng đội đã hy sinh, luôn luôn đi theo giúp đỡ mình.

CCB – doanh nhân Nguyễn Ngọc Đạt, dáng người gầy như thể chẳng thể gầy hơn, nhưng sở hữu một đôi mắt sáng cùng với nụ cười chân thành và nhân hậu vô cùng, có cảm giác nụ cười và đôi mắt ấy đủ sức níu kéo gần mọi khoảng cách. “Nụ cười ấy đưa anh qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, hàng trăm lần đối mặt cùng cái chết ở chiến trường! Giờ đây nhìn mái tóc muối tiêu của anh, ta thấy phảng phất mùi bom đạn…”, đoạn miêu tả của Nguyễn Thế Kiên trong sách “Đôi điều của Bạn bè – đồng đội – văn nghệ sĩ nói về Nguyễn Ngọc Đạt”.

nguyen-ngoc-dat-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-5-1714371689.jpg
Những người một thời từng là thuộc cấp của ông, không bao giờ quên được tấm lòng vị Tổng giám đốc tài năng, đức độ.

Nghe theo tiếng gọi của tổ quốc

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Ý Yên, Nam Định. Năm 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mặc dù không đủ cân nặng nhưng ông tình nguyện lên đường nhập ngũ đi B, phiên chế Trung đoàn 6, đơn vị Bộ binh chủ lực trên chiến trường Quân khu Bình Trị Thiên Huế, trực tiếp đánh trận Mậu Thân năm 1968 lịch sử. Những năm chống Mỹ, ông đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa ròng rã suốt 7 năm liền, được kết nạp Đảng năm 21 tuổi, thưởng Huân chương Chiến công, tuyên dương là Dũng sĩ diệt giặc, Dũng sĩ diệt cơ giới.

Và rồi, khi chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, ông phải khóc, thốt lên: “Ai vô xứ Huế cho tôi gửi/ Nỗi nhớ thành đô - nỗi nhớ nhà/ Huế ơi, khói lửa thời xa ấy/ Vẫn cứ cay xè năm tháng qua” (Với Huế). Trong gia đình ông có 4 anh em, thì cả 4 người đều xung phong ra chiến trường. Ông có một người em trai út, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đát đã hy sinh anh dũng trong trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị, năm 1972 .

Cuộc đời ông đã từng chứng kiến và trải qua nhiều bước thăng trầm. Nhưng dường như, chính những biến cố ấy đã tạo nên một sức sống mãnh liệt, sự khát khao vươn lên chính mình để CCB Nguyễn Ngọc Đạt khẳng định với xã hội. Từ một người thương binh, trở về với cuộc sống đời thường ông đã nỗ lực, không ngừng phấn đấu để đảm nhiệm những cương vị quan trọng: Bí thư Đảng bộ, Uỷ viên thường trực tỉnh Đoàn Hà Nam Ninh, Phó Bí thư Đảng bộ Sở Xây dựng Hà Nam Ninh, Bí thư Đảng bộ – Trưởng Ban tổ chức Sở Xây dựng Hà Nam Ninh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Nam Định, Chủ tịch Hội Cấp Thoát Nước miền Bắc, thành viên Hiệp hội nước Châu Á- Thái Bình Dương.

nguyen-ngoc-dat-doanh-nghiepkinh-te-xanh-10-1714371443.jpg
Cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Ngọc Đạt trong chuyến đi tìm mộ liệt sĩ tại Huế, năm 2013. (Anh Trần Minh Tuấn)

Dù ở đơn vị công tác nào, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao cho. Ông tâm sự với chúng tôi: “Những người lính chúng tôi vào sinh ra tử không sợ cái chết. Trong chiến tranh, dũng cảm đối mặt, đương đầu với cái chết thì sống, còn trong cuộc sống hôm nay đối mặt, đương đầu là “chết”.

CCB Nguyễn Ngọc Đạt trải lòng: “Ngày xưa chúng tôi chiến đấu và nhận diện được kẻ thù, còn hôm nay chúng tôi chiến đấu với kẻ thù giấu mặt, cuộc sống không tiếng súng này khó khăn hơn nhiều, rất nhiều đồng đội của tôi đã bị cơ chế thị trường quật ngã tơi bời. Là một người lính tôi chấp hành bất cứ vị trí công tác nào mà tổ chức phân công, nhưng nếu như tôi không có nghị lực, không phải là một nhà tổ chức, không có gia đình, bạn bè thì tôi cũng bị đánh ngã gục từ lâu rồi”.

Vốn là người hoài cổ, khi có điều kiện kinh tế, ông đã cất công đi tìm, mua, chuộc lại những kỷ vật của gia đình và đồng đội. Không những vậy, trong ông luôn đau đáu nỗi niềm với những người đồng đội đã mất. Ông bàn với vợ, lập bàn thờ riêng để tưởng niệm những người đồng đội đã hy sinh. Ngày nào ông cũng thắp nhang, nghiêng mình kính cẩn trước những vong linh của đồng đội đã hy sinh.

Chiến tranh dù đã qua gần 50 năm nhưng nó vẫn hiện diện, chập chờn hàng đêm trong giấc ngủ của CCB Nguyễn Ngọc Đạt. Nhiều đêm liền, ông mơ thấy mình đối diện với quân địch. Vậy là ông đấm, đạp vào tường, vào vợ rối hét toáng lên. Có những giấc mơ ám ảnh, hình ảnh mình đang chôn cất đồng đội, ông đã khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm gối... Với những kỷ vật của một thời chưa xa được ông bảo quản, nâng niu kỹ lưỡng, trân trọng từng đồ vật. Ngôi nhà cổ của ông trở thành một bảo tàng thu nhỏ trưng bày những kỷ vật của một thời chiến tranh.

nguyen-ngoc-dat-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-7-1714371954.jpg
Gặp mặt lãnh đạo, cán bộ nhân viên Tổng công ty nước sạch Nam Định qua các thời kỷ, tết 2024.

“Tôi thấy lòng mình thanh thản, khi rời bỏ chức vụ”

Thời còn đảm nhiệm Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Nam Định, ông đã chủ động đề xuất với lãnh đạo tỉnh miễn thu tiền nước sinh hoạt với những gia đình có công với cách mạng. Ông xác định đây là việc làm tri ân thiết thực. Để việc làm hiệu quả, ông đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh lập danh sách, cử nhân viên đến từng hộ gia đình để xác minh cụ thể.

Ròng rã hơn 2 năm kiên trì thuyết phục, UBND tỉnh mới đồng ý để ông thực hiện dự án. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn với các gia đình có công với cách mạng đã dấy lên sự ủng hộ của người dân địa phương. Bản thân những gia đình được thụ hưởng dự án đó cảm thấy ấm lòng, vơi đi nỗi đau của một thời chiến chưa xa, nhen lên niềm tin yêu cuộc sống. Còn ông, ông thấy lòng mình vô cùng thanh thản.

Thời gian cứ vùn vụt trôi, chiến tranh đã lùi xa, ông trở về với đời thường, có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình và cho những đồng đội của mình. Tranh thủ những lúc rảnh ông lại làm thơ, thú vui điền viên của tuổi già. Mỗi khi sáng tác được bài thơ mới, ông lại đọc cho bà nghe. Hai vợ chồng dù đã con đàn, cháu đống vẫn nhìn nhau âu yếm.

Trong “Tự Bạch”, ông ngẫm lại cuộc đời của mình, khái quát: “Ngày ấy bị thương nơi chiến trận/ Nay ngã văng xe bởi thương trường/ Một cảnh hai thời xương máu chảy/ Thương trường chiến trận khác gì nhau/ Có phải đâu đây hồn đồng đội/ Phù giúp cho ta thoát nạn này/ Hay chăng phúc đức cao - dầy- rộng/ Đã độ cho con khỏi nguy nan/ Sáu chục xuân tròn ta vừa chạm/ Mỗi lần ba bận xẻ thịt da/ Bạn bè thân hữu bao người ngóng/ Phúc đức nghĩa tình giúp nạn qua/ Ngẫm ra đời đạo vai mang nặng/ Dẫu có phong ba cũng vượt qua (2008).

nguyen-ngoc-dat-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-3-1714372204.jpg
Tấm lòng của doanh nhân, CCB Nguyễn Ngọc Đạt luôn sống vì mọi người.

Cả đời CCB Nguyễn Ngọc Đạt đã sống, chiến đấu và không ngừng nỗ lực cống hiến. Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2008, ông may mắn và vinh dự được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen tặng danh hiệu “Doanh nhân cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời kỳ đổi mới”. Đối với ông, đây là một phần thưởng cao quý và thiêng liêng nhất của một cựu binh đã từng cầm súng để bảo vệ biên cương đất nước.

“Với tôi, sống và làm việc không chỉ cho gia đình, cho những người đang sống mà cho cả những người đã khuất. Tôi có được thành công là mang ơn những đồng đội đã ngã xuống để tôi may mắn được trở về”, CCB, doanh nhân Nguyễn Ngọc Đạt giãi bày.

“Tôi thấy ở Nguyễn Ngọc Đạt một tâm thế, cốt cách, nội lực vượt lên những cam go của cuộc đời, để tới đích, để thành đạt. Có được hôm qua, hôm nay, không thể không kể đến nguồn cội vô cùng vững chãi, xuấ phát điểm…. Ấy là quê hương thân thương và truyền thống dòng họ bao đời đã tạo nên một đại gia đình Nguyễn Ngọc Đạt xứng đáng, tự hào…”, nhà thơ Đào Vĩnh nhận định khi đọc tác phẩm Giông tố bình minh, NXB Hội Nhà văn”.
Trần Gia Anh Thư