Khi cử nhân tài chính, kỹ sư robot rẽ ngang

Chiều cuối năm, chúng tôi mỗi người mỗi nơi, gác lại những bận rộn thường ngày, hẹn nhau cùng trò chuyện trong một phòng chat online. Đã lâu rồi, tôi chưa gặp lại hai chàng trai ấy - một từng là nhân viên ngân hàng, một là kỹ sư robot, nhưng cả hai đã chọn rẽ ngang về "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với nhà nông, đổi mới cách thức làm nông nghiệp, chắp cánh cho những sản phẩm Việt bay xa.

*Mang trang trại vào túi nhà nông

Bất ngờ từ bỏ công việc ổn định tại một ngân hàng thương mại để rẽ ngang về khởi nghiệp, nghiên cứu công nghệ hỗ trợ nhà nông trong chăn nuôi, khi đó "nhiều người bảo tôi là khùng", anh Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên) cười nói với chúng tôi.

Anh nhớ lại: "Chứng kiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay, điêu đứng vì dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2017, tôi thật sự rất sốc. Họ vừa mới đó là khách hàng của tôi, tìm đến ngân hàng để vay vốn, mà chỉ sau một thời gian ngắn đã phá sản, mất khả năng trả nợ, thậm chí có người còn tìm đến cái chết. Trước cảnh đấy, trong tôi thôi thúc ý nghĩ mình phải tìm bằng được ra cách để giúp họ".

Vốn là cử nhân tài chính, chưa từng học qua về nông nghiệp nhưng quyết là làm, anh Sơn kết nối nhóm bạn từ nhiều lĩnh vực như công nghệ, trang trại, chăn nuôi, nông nghiệp... Mỗi người sử dụng chuyên môn đặc thù của mình, chung tay nghiên cứu công nghệ để kết nối và hỗ trợ cho người nông dân.

Công ty cổ phần Công nghệ phát triển nông nghiệp Việt Nam (FAGO) ra đời kể từ đó và chàng thanh niên Phạm Hồng Sơn chính thức trở thành người nông dân thời đại 4.0.ưFAGO dựa trên nền tảng Intenet để thiết kế thiết bị kết nối với điện thoại, có thể theo dõi được môi trường trong trang trại như: độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng..., những yếu tố then chốt quyết định sức khỏe và sản lượng đàn vật nuôi. Các cảm biến trong sản phẩm của FAGO khi gắn vào chuồng trại chăn nuôi sẽ giúp thu thập dữ liệu trong chuồng trại và gửi cảnh báo về thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính.

Từ đó, người nông dân có thể điều chỉnh kịp thời các yếu tố môi trường phù hợp nhất với đàn vật nuôi mà không cần phải bước chân vào khu chăn nuôi. Hơn nữa, qua công nghệ, người nông dân có thể học hỏi, tương tác với các kỹ sư nông nghiệp đầu ngành hoặc các cơ sở thú y, chăn nuôi có uy tín... 

fago2-20220127102121-1643632557.jpeg
Thiết bị FAGO được lắp tại một trại chăn nuôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khảo sát hiệu quả của công nghệ này, anh Sơn cho biết các trang trại chăn nuôi đã giảm được 60% lượng vật nuôi bị chết, đột tử do thay đổi thời tiết, đồng thời tăng 5,3% trọng lượng khi xuất bán so với chăn nuôi thông thường. 

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, người dân cách ly y tế để phòng dịch bệnh, công nghệ của FAGO càng thể hiện rõ vai trò của mình. 

"Mùng 2 Tết, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một chủ trại chăn nuôi ở Hải Dương thông báo anh mắc COVID-19 và buộc phải đi cách ly tập trung để điều trị. Chưa kịp động viên thì ngay lập tức anh đã vui vẻ nói rằng dù đi cách ly nhưng may nhờ có hệ thống cảm biến vừa lắp đặt trước đó vài ngày và ứng dụng cài trên điện thoại nên anh vẫn quản lý được trang trại mọi lúc mọi nơi. Vô tình trở thành F1 phải đi cách ly nhưng tôi cảm thấy thật tuyệt vời vì đã thuyết phục được các chủ trại sử dụng công nghệ của mình và phát huy hiệu quả đặc biệt những lúc khó khăn như hiện nay", anh Sơn chia sẻ.

Đến nay, đã có hơn 1.000 trang trại tại 28 tỉnh, thành phố trong cả nước lắp đặt công nghệ của FAGO. Tuy vậy, con đường FAGO đang đi không phải chỉ trải hoa hồng.

Theo anh Sơn, khó khăn nhất là tìm ra được nhu cầu của người nông dân để thuyết phục họ đầu tư công nghệ, chuyển đổi số. Hiệu quả của công nghệ phải cần thời gian để chứng minh chứ không thể như thuốc tây tiêm vào khỏi ngay, nên quá trình tiếp cận với người nông dân không được dễ dàng. 

Mặt khác, để ứng dụng tốt công nghệ, thường là những người quản lý trẻ tuổi nhưng ít ai ngay từ đầu lựa chọn làm nông nghiệp. Do đó, anh Sơn đề xuất các cơ quan quản lý cần định hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó kích thích thế hệ trẻ tham gia vào nông nghiệp và được đào tạo bài bản để làm nông nghiệp.

*Chắp cánh nông sản Việt

Nếu như anh Phạm Hồng Sơn cùng FAGO giúp nhà nông nâng cao sản lượng thì với Foodmap, anh Phạm Ngọc Anh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và thương mại UFO lại giúp bà con giải bài toán tiêu thụ hiệu quả, nhất là giữa bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Vốn là “chàng trai robot” của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử - Tự động, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, học đến năm ba đại học, anh Tùng quyết định rời giảng đường, chọn nông trại Cầu Đất (Đà Lạt) để chắp cánh cho ước mơ công nghệ của mình.

Ba năm làm ở nông trại Cầu Đất, anh Tùng nhận thấy sự phong phú đa dạng của những sản vật nông nghiệp Việt Nam nhưng rất nhiều trong số đó do hạn chế kênh phân phối nên chưa đến được tay người tiêu dùng, hết năm này qua năm khác phải “giải cứu nông sản”... Điều này khiến chàng thanh niên “không thể ngồi yên”.

Từ một người học kĩ thuật, rẽ ngang, anh đi sâu vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2018, anh cho ra đời bản đồ nông sản FoodMap, sàn thương mại điện tử chuyên biệt dành cho nông sản, các đặc sản Việt Nam bằng cách kết nối người nông dân với nhà sản xuất vừa và nhỏ đưa hàng đến trực tiếp người tiêu dùng.

Lĩnh vực này còn khá mới, nên để thuyết phục được người nông dân "lên sàn", anh phải dành rất nhiều thời gian để giải đáp hàng loạt những hoài nghi về khả năng bán được hàng, được mùa không “rớt” giá… thậm chí còn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân để hiểu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc thù của địa phương.

Khó khăn là vậy nhưng Foodmap vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 20-30%/tháng. Đến nay công ty hợp tác với hơn 100 nông dân hoặc nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm từ hơn 20 tỉnh, thành cho hơn 5.000 người dùng cuối và nhà bán lẻ.

Ngay cả trong đại dịch COVID-19 khi nhiều nơi giãn cách khiến hàng hóa lưu thông khó khăn thì với Foodmap, mọi thứ vẫn vận hành trôi chảy nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, hàng hóa, kho bãi. "Chúng tôi xác định trước chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn, đứt gẫy nên lựa chọn hàng hóa có thể dự trữ. Do đó, Foodmap rất ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà trái lại còn tăng trưởng đột biến gấp đến 5 lần bình thường do sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng, lượng truy cập vào website cũng tăng đến 10 lần", anh Tùng chia sẻ.

Quy mô tuy chưa lớn nhưng trong năm qua, FoodMap đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản với giá trị cao đi Singapore, Malaysia; hợp tác cùng nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Grab, Vietjet Cargo...; đồng hành với Cục Thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội nông nghiệp... để cùng triển khai những dự án lớn, tiêu thụ và chắp cánh cho nông sản Việt.

Con đường khởi nghiệp mà hai chàng trai trẻ Sơn và Tùng đang đi tuy không trải thảm đỏ nhưng với sự đam mê, lòng sáng tạo và ý chí đưa nông nghiệp Việt Nam bắt kịp đà thế giới, hi vọng họ sẽ còn gặt hái nhiều thành công./.