Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Datxanh Services, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội vẫn duy trì tình trạng khan hiếm. Trong quý II/2022, thành phố ghi nhận khoảng 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28% so với quý trước.
Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, với 7.700 sản phẩm, chủ yếu đối với dự án đã bàn giao từ hơn 10 năm đến 5 năm trở lại đây.
Nguồn cung giảm nên giá dự án căn hộ chung cư mới đều ở ngưỡng cao. Thực tế, một số tòa chung cư tại khu vực Nam Từ Liêm, dọc trục đại lộ Thăng Long đang được chào bán với mức giá 45 - 60 triệu đồng/m2. Người mua phải bỏ ra khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho căn hộ diện tích 55 - 70 m2. Trong khi đó, muốn sở hữu căn 3 phòng ngủ, họ phải chi khoảng 3,5 - 4,5 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều người có xu thế tìm mua các căn hộ đã sử dụng, điều này góp phần đẩy giá lên.
Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II vừa qua, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, chỉ bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước. Miền Bắc dẫn đầu với 17 dự án gồm 3.763 căn; miền Trung có 9 dự án với 678 căn và miền Nam chỉ có 3 dự án nhưng chiếm tới 2.312 căn.
Như vậy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung mới các sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Bộ Xây dựng lý giải, nguyên nhân là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án BĐS.
Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu... cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.
Trong khi đó, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội thì nguồn cung cho phân khúc này lại tương đối ít - Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản thông tin.
Đơn cử, một số tòa chung cư tại Nam Từ Liêm, dọc trục đại lộ Thăng Long đang được chào bán với mức giá 45-60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dự án Hoàng Thành Pearl (thuộc khu vực Mỹ Đình) đang xây dựng và chào bán với mức giá trung bình 55 triệu đồng/m2.
Báo cáo thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, tại Hà Nội, những chung cư được quan tâm nhất trong quý I/2022 hầu như nằm ở phía Tây, đều là những dự án cũ từ lâu, không có nhiều nguồn cung nhưng vẫn duy trì được mức độ quan tâm cao.
Tương tự Hà Nội, nguồn cung chung cư mới ở TP.HCM cũng suy giảm mạnh, giá bán tăng cao nên phân khúc chung cư cũ được quan tâm hơn cả. Được quan tâm nhiều nhất là các dự án ở khu vực phía Đông.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nguồn cung BĐS sẽ không nhiều với bối cảnh xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá BĐS từ 20-30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, lạm phát...
Chuyên gia này phân tích, giá BĐS tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá BĐS không tăng nóng như các năm trước là tăng một lúc từ 10-15% mà giá sẽ tăng vài phần trăm mỗi tháng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì BĐS tăng giá tới 20-25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với những quý đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế và ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.