Hàng loạt 'ông lớn' bất động sản cam kết tham gia xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Hàng loạt “ông lớn” bất động sản như: Vingroup, Sun Group, Novaland, Bitexco... cam kết đồng hành cùng Chính phủ thực hiện đề án hoàn thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Tính đến nay, cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Qua đó giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp “an cư”.

Tuy nhiên đứng trước tình trạng nhu cầu quá lớn, trong khi nguồn cung quá ít đang không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở. 

nha-1659664845.jpg
Nhà ở xã hội nguồn cung quá ít trong khi nhu cầu lại rất lớn (Ảnh: Internet)

Để giải quyết bài toàn này, mới đây tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết đang tiếp tục triển khai 401 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích 22,718 triệu m2. Bộ sẽ chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030.

bo-1659664845.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại hội nghị

Trước đề xuất của Bộ xây dựng, hàng loạt “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco, Becamex Bình Dương đã nhiệt tình ủng hộ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng đồng hành, tham gia cùng với Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ này. 

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết: “Tập đoàn phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội”.

Đại diện Tập đoàn Novaland cũng cho biết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là TP.HCM.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cũng sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cùng với Chủ tịch Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội…cho biết cũng đều sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Để giúp gỡ các nút thắt đối với việc xây nhà ở xã hội hiện nay, các lãnh đạo của các tập đoàn cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes – Phạm Thiếu Hoa đề xuất gỡ bỏ cơ chế đấu thầu và chuyển sang cơ chế chỉ định thầu đối với các chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội, còn các chỉ tiêu sẽ do cơ quan nhà nước phê duyệt. Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Hoa đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở nhà hội để đẩy nhanh tiến độ, còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số và hạ tầng sẽ do các cơ quan nhà nước phê duyệt, doanh nghiệp sẽ không tham gia vào việc này. 

vin-1659664845.jpg
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes – Phạm Thiếu Hoa đề xuất gỡ bỏ cơ chế đấu thầu và chuyển sang cơ chế chỉ định thầu đối với các chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội, còn các chỉ tiêu sẽ do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Ngoài ra, thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội hiện đang rất lâu, tối thiểu khoảng 600 ngày hoặc dài hơn, nên ông Hoa cũng đề nghị rút ngắn xuống còn từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội, chính quyền cũng cần thực hiện việc phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cũng đặt ra vấn đề quy định của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.

Do vậy, đại diện Sun Group kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

sun-2-1659665068.jpg
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Mặt khác, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Còn chủ tịch Tập đoàn Bitexco – Vũ Quang Hội đề xuất nhà nước cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể thực thi một cách dễ dàng, cần nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, 1 cơ quan đưa ra quyết định chứ không nên để quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan, … Đồng thời, thời điểm hiện nay nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều nên đối tượng được thuê mua nhà không chỉ cho công nhân, người thu nhập thấp mà còn mở rộng cho các trí thức, kỹ sư, chuyên gia cấp cao, chuyên gia kỹ thuật, … cần mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn để các chuyên gia có thể thuê mua hoặc thuê dài hạn. Cũng theo ông Hội, chỉ trong vòng 2 năm sẽ giải quyết được cơ bản về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp nếu có các chính sách hữu hiệu.

Trong khi đó, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cho rằng nên quy hoạch các khu vực nhà ở xã hội tập trung, các dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, manh mún và nhỏ lẻ. Các địa phương cần có quy hoạch riêng cho nhà ở công nhân và nhà ở xã hội. Các đối tượng khác không phải công nhân làm việc trong khu công nghiệp cũng phải được tính toán, quy hoạch trong đó. Ngoài ra, để các dự án nhà ở xã hội có thể phát triển nhanh, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đáp ứng được nhu cầu của đại đa số thì quan trọng nhất là trong mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách để hỗ trợ người dân.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án và hoàn thành ngay trong tháng 8/2022. Đồng thời để xây dựng và triển khai đề án này, Thủ tướng cũng yêu cầu các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương để Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp và giao kế hoạch cụ thể. Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin.

 


 

Mai An