Còn không gian rất lớn để tạo ra giá trị cà phê

Doanh nghiệp ngành cà phê muốn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị thì phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng bởi cà phê không chỉ là một thức uống mà còn là một nét văn hóa.

Trong khuôn khổ Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức, chiều 4/3 đã diễn ra Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?". Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và một số hiệp hội nông sản, các địa phương có thế mạnh về cà phê, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, chuyên gia thức uống…

Tăng cường liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, theo thống kê, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỉ lệ thấp.

Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm và tăng khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững, chương trình tạo vùng cà phê trọng điểm gắn với liền các DN đầu tàu.

hinh1-16779315642141285790030-1677943597.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng thương hiệu cà phê

phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá - Ảnh: VGP/Anh Huy

Theo ông Hiệp, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu, bên cạnh việc đẩy mạnh chế biến sâu, việc  tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… là mấu chốt cho ngành cà phê phát triển.

Theo đó, cần sự chung tay liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng thì mới xây dựng được thương hiệu cà phê mạnh cho Việt Nam, hướng tới giá trị xuất khẩu ngành cà phê đạt 6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, vấn đề hiện nay là các DN nông nghiệp, trong đó có các DN ngành cà phê đang phải vay vốn với lãi suất cao, lên tới 12%/năm. Đối với DN trong ngành nông nghiệp thì rất khó làm, do đó, cần chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân…

Đồng quan điểm với ông Hiệp, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế cho rằng: "Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Thứ hai, chúng ta phải chế biến sâu. Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thứ ba, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này".

Lãnh đạo một trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, điểm yếu của ngành cà phê Đắk Nông là chưa chuyên sâu, còn manh mún nhỏ lẻ. Nếu không khắc phục được tình trạng này, rất khó nâng cao giá trị ngành cà phê. Nâng giá trị ngành cà phê phải bắt đầu từ nhận thức của nông dân, phải làm cà phê sạch mới bán được giá cao. Để có cà phê sạch phải bắt đầu sạch từ giống, phân, thuốc. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi sản xuất sạch, sản xuất lớn, liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác.

Ông Mười cho biết, tỉnh Đắk Nông đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao; phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất hàng nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê Đắk Nông.

Cần định vị cho thương hiệu cà phê Việt

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề "tăng giá trị cho cà phê Việt", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy. Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở vấn đề: Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới là điều chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta. Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Abarica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?

hinh2-1677931702497839807357-1677943614.jpg
Một DN trưng bày sản phẩm cà phê tại chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” - Ảnh: VGP/Lê Anh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là 1 loại thức uống. Rất nhiều ngành kinh tế phát triển từ cây cà phê như mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê hay thuốc nhộm vải, sợi, giày… Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Về xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là 1 nét văn hóa. 

"Tôi muốn nói với DN rằng muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên nhưng thành công hay không còn do chính quyền địa phương hợp sức cùng DN, tác động để bà con nông dân cùng làm, nếu nông dân không thay đổi thì rất khó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, chủ yếu đến từ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.