Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Ngày 26/7/2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing (Bộ Tài chính), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội thảo nhằm tạo môi trường chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, các  sinh viên từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam và quốc tế. Qua đó, tìm kiếm đưa ra các đề xuất và giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực logistics của Việt Nam; thông qua đó tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế.

1-1690470683.jpg
Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức” 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing cho biết: “Với tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 16 - 20%, Logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 20% GDP năm 2022. Trong khi đó, đối với các nước phát triển thì chi phí này chỉ chiếm khoảng 10 - 14%. Chỉ số này càng cao thì thể hiện trình độ phát triển của ngành Logistics càng thấp”.

Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics Việt Nam cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực cũng như có nhu cầu khoảng 200 ngàn nhân lực logistics. Tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực hiện đạt khoảng 7,5% mỗi năm. Mức tăng trưởng nguồn nhân lực này được cho là thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics, từ 15 - 20% mỗi năm.

Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo và hiện đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực logistics đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. “Ban tổ chức đã nhận được 67 bài báo cáo của 137 tác giả trực tiếp tham dự và gửi về hội thảo. Nội dung chính tham luận tập trung liên quan đến các vấn đề dịch vụ logistics, kinh tế số, chuỗi cung ứng xanh. Trong đó, các tham luận đã nêu bật những cơ hội, thách thức của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ số để phát triển hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Một số tham luận đã đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hậu Covid-19”, TS. Lê Trung Đạo, cho biết.

“Hội thảo lần này tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng về ngành Logistics Việt Nam. Thông qua các nội dung tại hội thảo, chúng tôi hy vọng rằng sẽ góp phần nhận diện những cơ hội, đưa ra các đề xuất và giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực dịch vụ logistics của Việt Nam. Từ đó, tiếp tục tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế”, TS. Lê Trung Đạo cho biết thêm.

“Để phát triển dịch vụ logistics trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin liên kết và đồng nhất, áp dụng công nghệ tiên tiến và tận dụng thông tin thời gian thực, giao tiếp giữa các bên liên quan. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin Logistics thông minh, quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa trong suốt chặng đi, kết nối đồng bộ trong quản lý vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động của Logistics và cảng”, PGS.TS. Hà Thị Ngọc Oanh - Phó Trưởng Ban kiểm tra Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics VN (VALOMA) chia sẻ.

2-1690470719.jpg
Các tác giả nhận Giấy khen của Ban Tổ chức.

Bà Vũ Thị Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng nhận định: “Cần tạo được mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Nhà trường cần nâng cao chất lượng giảng viên chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng, tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng cho lao động ngành Logistics, lan tỏa tinh thần học tập, đổi mới trong cộng đồng. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò hiệp hội chuyên ngành về logistics”.

Trong khuôn khổ của hội thảo, đã diễn ra 2 phiên dự thi gồm: Phiên báo cáo Poster và phiên tham luận. Tại các phiên, mỗi tác giả có khoảng thời gian để trình bày về ý tưởng, nghiên cứu của mình. Sau đó, các bạn được lắng nghe những lời góp ý, nhận xét cũng như tiến hành phản biện các câu hỏi từ Ban Giám khảo để làm rõ đề tài của mình hơn. Kết quả, nhiều tác phẩm xuất sắc đã nhận được các phần thưởng giá trị từ hội thảo bao gồm tiền thưởng và Giấy khen từ Ban Tổ chức.

Theo Ban tổ chức, các bài báo gửi tham dự được Hội đồng khoa học phản biện đánh giá đạt chất lượng tốt sau khi chỉnh sửa sẽ được công bố trong trong kỷ yếu Hội thảo khoa học có chỉ số ISBN; các bài báo đạt giải tại hội thảo sẽ được hỗ trợ phản biện và ưu tiên chính sách công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing được tính điểm công trình khoa học theo danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Hoặc chuyên san Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và tất cả tác giả, nhóm tác giả có bài báo tham gia hội thảo đều được Ban Tổ chức cấp Giấy chứng nhận tham dự.

Đạm Quang Lê - Trương Bang