Kết hợp giữa truyền thống với nền tảng số nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ truyền thông trên mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội.

bao-chi-cach-mang-5-1731504199.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Chương trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống cách mạng?

Đưa ra vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre bày tỏ lo ngại, trong giai đoạn bùng nổ thông tin với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, có nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận. Cũng có nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, phản cảm, vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có những giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời có các giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, các tin tức giật gân thường thu hút sự chú ý, trong khi tác phẩm báo chí về các tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động đẹp lại ít được quan tâm dù có ý nghĩa rất tích cực trong xây dựng cộng đồng nhân ái, đoàn kết. Đại biểu Bộ trưởng cho biết những định hướng và giải pháp để báo chí phát huy vai trò kênh truyền tải hiệu quả những tấm gương người tốt, việc thiện, lan tỏa các giá trị nhân ái, kết nối cộng đồng, truyền cảm hứng tích cực trong xã hội?

bao-chi-cach-mang-1-1731504279.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đề cập đến yếu tố con người, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, có người làm báo giỏi thì mới có bài báo hay, có chuyên gia giỏi thì nội dung mới có chiều sâu. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí. Lực lượng làm báo chí chưa thích ứng kịp thời với môi trường truyền thông số.

Cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, nghèo nàn, một chiều và thụ động. Trong khi đó, nhu cầu tiếp nhận chủ động, chia sẻ, kết nối và tham gia sáng tạo của cộng đồng công chúng ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cách nhìn về vấn đề này và có những yêu cầu gì đối với đội ngũ người làm báo để nâng cao chất lượng của ngành báo chí trong bối cảnh thời đại số hiện nay?

bao-chi-cach-mang-2-1731504306.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin, tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến đó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí và thành hay bại là ở đây. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Theo Bộ trưởng, báo chí chính thống muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí. Đó là tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp, thay vì đưa tin, kể câu chuyện, dẫn dắt, định hướng xã hội thì phân tích, đánh giá và thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang hoàn thiện thể chế để xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả; xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp hiện nay.

Báo chí trong tình hình mới phải đáp ứng yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”

Bàn về nội dung này, TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới phải đáp ứng yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi nhà báo và cơ quan báo chí hành nghề trên cơ sở có tri thức văn hóa rộng, có kiến thức chuyên ngành sâu, có kỹ năng nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới và có đạo đức nghề nghiệp.

Một nền báo chí chuyên nghiệp, cần giải quyết một số vấn đề cơ bản: Lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí chuyên nghiệp; Tổ chức hoạt động cơ quan báo chí chuyên nghiệp; Xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp và, đào tạo báo chí một cách chuyên nghiệp. Nhà nước phải quản lý tốt hệ thống báo chí bằng văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống luật pháp về báo chí là để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo hoạt động chuyên nghiệp cao. Cần quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và xu hướng báo chí thế giới.

bao-chi-cach-mang-3-1731504341.jpg
TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Để tổ chức hoạt động cơ quan báo chí chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí cần xác định rõ những tiêu chí đánh giá tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí để làm cơ sở cho việc tổ chức tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp.

Ở nước ta, trong những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng quy chế hoạt động, sắp xếp cơ cấu tòa soạn và quy trình xuất bản báo phù hợp với xu hướng và công nghệ làm báo hiện đại, đồng thời xác định rõ các chức danh làm báo, để đảm bảo quản lý hoạt động của cơ quan báo chí một cách chuyên nghiệp.

Một nhà báo được coi là chuyên nghiệp phải là nhà báo phải được đào tạo chuyên nghiệp; hành nghề chuyên nghiệp và đội ngũ nhà báo phải được hưởng chế độ đãi ngộ theo tính chất chuyên nghiệp, chuyên ngành.

Theo TS. Trần Bá Dung, tính hiện đại của báo chí đòi hỏi trên các mặt: công nghệ - kỹ thuật làm báo và phong cách nhà báo, phong cách người quản lý báo chí. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí hiện đại phải cập nhật, bắt kịp và làm chủ được các thiết bị, công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, phương pháp tổ chức, quy trình tác nghiệp… trong kỉ nguyên số.

Phong cách tác nghiệp và quản lý báo chí hiện đại đòi hỏi cả tri thức hiện đại về nghề, các kỹ năng thao tác, sử dụng và làm chủ công nghệ, các phương thức quản lý tòa soạn theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí - truyền thông đa phương tiện.

Song song với đó, phải phát triển báo chí cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nền báo chí cách mạng Việt Nam cần tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng.

bao-chi-cach-mang-4-1731504380.jpg
GS. TS Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cũng đưa ra giải pháp để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí, GS. TS Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan báo chí cần nâng cao nhận thức trong việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội theo đúng chức năng của báo chí. Những vấn đề tập trung giám sát, phản biện phải mang tính thời sự, gắn liền, thiết thực và có tác động mạnh mẽ với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tăng cường tương tác, tiếp nhận những thông tin từ độc giả để kịp thời có những phản biện xác đáng và những tin tức “đắt giá”, xác thực cho báo chí.

Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của báo chí theo hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Tăng cường hiệu lực thi hành của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm Luật Báo chí, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Đồng thời, phải luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của đội ngũ nhà báo. Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế phát triển báo chí hiện đại vừa tạo cơ hội thuận lợi, vừa đặt ra những thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng, “báo chí 4.0”, truyền thông kỹ thuật số, đa phương tiện và hội tụ; thông tin “bùng nổ”, đa chiều, khó kiểm soát... thì việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết./.

Hồ Hương (Cổng thông tin điện tử Quốc hội)