Quảng cáo #128

IoT tăng hiệu quả quản lý trang trại rau thuỷ canh

Ứng dụng IoT trong mô hình này giúp tiền điện chỉ còn 1,2 triệu đồng/ tháng và chỉ cần 1 nhân công có thể quản lý toàn bộ. HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc tiên phong áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và IoT vào quản lý trang trại trồng rau thuỷ canh ở TP. HCM từ đó lan toả các tỉnh thành khác.
a01-1730884301.png
HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc tiên phong đưa xà lách thủy tinh (giống Hà Lan) về trồng thủy canh tại TP.HCM.

Anh Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (Thành phố Thủ Đức) là người tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, tìm tòi thử nghiệm trồng những giống cây mới. Xuất phát từ những trăn trở khi thấy bà con nông dân tại TP. HCM và các tỉnh thấp thỏm với thời tiết, anh Tuấn cùng các cộng sự của mình đã bắt tay vào tìm tòi và nghiên cứu, đưa ra giải pháp trồng rau thuỷ canh hồi lưu (tuần hoàn) theo tiêu chuẩn Israel, ít phụ thuộc vào thời tiết, đất đai, tạo ra sản phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn. Với hệ thống này, ưu điểm chính là có thể trồng được rau củ quả trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn,...

Không những thế, anh Tuấn đồng hành cùng cộng sự tiếp tục nghiên cứu các mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) vào sản xuất rau thủy canh giúp giảm chi phí 10 - 20% so với trồng thủy canh thông thường trên cùng diện tích.

Đặc biệt hơn hẳn, nhờ áp dụng mô hình này, HTX đã trồng được rau xà lách thủy tinh, đây là loại rau ôn đới thích nghi, phát triển tốt ở xứ lạnh nhưng nay có thể trồng ở xứ nóng.

Hướng đến chất lượng hiệu quả, trong sản xuất dưới mô hình này, HTX không sử dụng thuốc BVTV, hạt giống không biến đổi gen, sản phẩm cũng đảm bảo không nhiễm kim loại nặng, không nhiễm khuẩn. Đồng thời, các hệ thống tưới tiêu tự động cũng như các thiết bị điều hoà nhiệt độ sẽ giúp thuận lợi trong việc điều chỉnh lượng nước, chất dinh dưỡng và hệ thống chiếu điều chỉnh tự động, duy trì trong điều kiện hợp lý nhất phù hợp với tiến trình phát triển của cây trồng.

Điển hình, tại HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, hệ thống cảm biến tự động được đặt trong nhà màng, nhà kính để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, ánh áng của môi trường. Cùng với đó, những dữ liệu được gửi liên tục đến hệ thống trung tâm và phát huy công lực cảm biến dinh dưỡng được đặt trong hệ thống thuỷ canh này. Điều này, giúp mô hình đo được nồng độ các chất dinh dưỡng trong dung dịch và có thể dễ dàng điều chỉnh lượng dinh dưỡng phù hợp để cung cấp cho cây hợp lý và đảm bảo được cho cây đầy đủ chất với sự phát triển vượt trội.

Anh Tuấn cho biết, ưu điểm dễ nhìn thấy nhất ở mô hình này chính là giúp tối ưu hoá quản lý môi trường, tiết kiệm nguồn nước, chất dịnh dưỡng cũng nguồn nhân công làm việc. Ngoài ra, còn giúp phát hiện sớm sâu bệnh, thu nhập dữ liệu chính xác, thông minh, giúp tăng năng suất và cả chất lượng rau tốt.

Tất cả hoạt động của mô hình này được diễn ra một cách tự động theo phần mềm đã được thiết lập riêng. Nhờ vậy, điều kiện tối ưu chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính có kết nối với internet, anh Tuấn đã hoàn toàn có thể quản lý vườn rau của mình một cách chu đáo dù ở bất cứ nơi đâu.

a02-1730884328.png
Ứng dụng IoT vào trong quản lý trang trại trồng rau thuỷ canh.

Hơn 5 năm khởi nghiệp với mô hình trồng rau thuỷ canh công nghệ cao, đến hiện tại, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Bắt đầu từ diện tích chỉ 1.000m2 sau đó tiếp tục nâng diện tích lên 7.000m2, rồi chạm ngưỡng 10.000m2, tất cả chuyên trồng các loại rau ăn lá như bó xôi, tần ô, rau muống, cải xanh, cải nhúng, cải ngọt, cải ngồng, cải thìa, xà lách, đặc biệt là xà lách thuỷ tinh,...

Anh Tuấn chia sẻ: “Trên cùng diện tích 1.000m2, trước đây tôi phải trả 2,7 triệu đồng/tháng tiền điện nhưng khi ứng dụng IoT trong mô hình này, tiền điện chỉ còn 1,2 triệu đồng/tháng và chỉ cần 1 nhân công có thể quản lý toàn bộ”.

Tuy nhiên, mô hình này vẫn có điểm hạn chế. Đó là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, bởi yêu cầu cao về kỹ thuật quản lý, rủi ro sự cố công nghệ và phụ thuộc vào hạ tầng mạng. Cùng với đó, sẽ là những rủi ro cao về tính bảo mật, tốn chi phí bảo trì cũng nâng cấp hệ thống.

Nhìn chung, với mô hình áp dụng IoT vào quản lý trồng rau thuỷ sản của HTX là bước đột phá lớn, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, đô thị. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đưa ra thị trường khoảng 1 tấn rau các loại. Bên cạnh đó, anh còn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Ninh Thuận. Đồng thời, phát triển tại các kênh tiêu thụ truyền thống tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, HTX còn đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, khách hàng mới qua các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Tiktok, Facebook, Zalo./.

Võ Nga