Lâm Đồng đẩy mạnh canh tác nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng và trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh canh tác nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông minh và chuyển đổi số vào lĩnh vực này.
images1612033-t3a-1639628682.jpg
Những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng Đà Lạt đang khẳng định danh tiếng và chất lượng cạnh tranh
trên thương trường

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm được cả khách hàng quốc tế và trong nước quan tâm. Để tăng cường hiệu quả kinh tế, Lâm Đồng xây dựng nhiều hợp tác xã nông nghiệp và các chuỗi liên kết, trong đó có nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tính từ đầu năm 2015 đến thời điểm tháng 7/2016, UBND thành phố Đà Lạt đã phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận 3 sản phẩm mới gồm: cà phê chè Cầu Đất, hồng ăn trái và dâu tây Đà Lạt. Giai đoạn bước sang năm 2017 đến năm 2020, tiếp tục xác lập mới về quyền quản lý, sử dụng trên 2 sản phẩm đặc trưng thế mạnh của Đà Lạt như nấm và chè Cầu Đất, góp phần nâng giá trị sản xuất trên mỗi hecta lên 300 triệu đồng/năm. Mục tiêu hướng đến ở đây nhằm tăng cường nhận thức của người dân và các tổ chức sản xuất - kinh doanh về định hướng phát triển thương hiệu gắn với nâng cao giá trị và sức cạnh tranh đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh. Bởi đây đều là những sản phẩm được pháp luật bảo hộ về nhãn hiệu độc quyền của thành phố Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước...

Để phát huy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm đặc trưng thế mạnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nói trên, chính quyền thành phố Đà Lạt đã và đang triển khai những giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Đó là lồng ghép việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh vào các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương; khuyến khích thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của các hiệp hội nghề nghiệp.

Đồng thời, đa dạng hóa nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nói riêng. Đặc biệt chú trọng phát triển số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia sử dụng, quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc trưng thế mạnh được chứng nhận nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cùng tăng cường phối hợp, vận dụng các cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình có thêm điều kiện cần thiết mở rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nhằm không ngừng nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên mỗi loại sản phẩm gắn với biện pháp bảo vệ nhãn hiệu đặc trưng thế mạnh của mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua địa phương đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, qua đó thuyết phục được người dân chuyển đổi sang hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh./.