Huyện Lương Tài (Bắc Ninh): Có 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu

Huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh vừa có thêm 2 sản phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực của địa phương là Cà rốt Lương Tài và Mỳ gạo Tử Nê.
bao-ho-nhan-hieu-1716541487.png
 Sở Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận cho UBND huyện Lương Tài. Ảnh minh họa

Cà rốt là cây nông nghiệp chủ lực, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện Lương Tài với diện tích canh tác khoảng 700 ha/năm, tập trung ở các xã: Minh Tân, Lai Hạ, Trung Kênh, An Thịnh. Cà rốt Lương Tài có những đặc điểm nổi bật như củ có màu đỏ cam, trọng lượng từ 200 - 350g, có hình trụ, chiều dài từ 14 - 22cm, có vẻ ngoài nhẵn bóng, không phân nhánh. Khi sử dụng cho cảm giác có vị ngọt đặc trưng, vỏ mỏng và giòn tan trong miệng.

Thời gian qua, địa phương đã có kế hoạch gieo trồng chi tiết, hướng dẫn, đôn đốc và chỉ đạo các cơ sở sản xuất gieo trồng cây vụ đông đúng kỹ thuật đảm bảo hoàn thành diện tích kế hoạch và trong khung thời vụ tốt nhất. Năm 2023, giá trị sản xuất cà rốt là 191,35 triệu đồng/ ha, năng suất đạt 44,5 tạ/ha, sản lượng 30.500 tấn. 

ca-rot-luong-tai-1-1715819973-1716541486.jpg
Cà rốt Lương Tài có hương vị, màu sắc đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh minh họa

Mỳ gạo Tử Nê là sản phẩm làng nghề truyền thống của thôn Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài với hơn 30 năm tuổi nghề. Hiện có hơn 200 hộ của thôn Tử Nê sản xuất mỳ gạo, sản lượng cung ứng gần 20 tấn/ngày. Sản phẩm hiện đang được tiêu thụ rộng khắp cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Mỳ gạo Tử Nê là một trong những sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020 của tỉnh Bắc Ninh. Nét đặc trưng của Mỳ gạo Tử Nê là sợi mỳ nhỏ, trắng đục tự nhiên, độ dai vừa phải, không cứng, có mùi thơm, vị ngọt tự nhiên của gạo, không có tạp chất hay chất bảo quản, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hiện nay khi mà thực phẩm bẩn và thực phẩm không rõ nguồn gốc đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội thì một sản phẩm mì gạo sạch được đăng ký thương hiệu bảo hộ như mì gạo Tử Nê là một tín hiệu vui và là niềm tự hào của người dân Tử Nê.

mi-gao-tu-ne-1716541486.jpg
Mì gạo Tử Nê đã trở thành thức quà quen thuộc mà ai có dịp đến với Bắc Ninh. Ảnh minh họa

Việc cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận là công cụ pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm Cà rốt Lương Tài và Mỳ gạo Tử Nê. Đồng thời góp phần quảng bá danh tiếng và nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để tránh việc giả mạo sản phẩm; tạo cơ sở vững chắc để tăng cường hoạt động quảng bá, phát triển giá trị sản phẩm tương xứng với tiềm năng mà sản phẩm mang lại.

Chính vì vậy, UBND huyện Lương Tài cần hoàn thiện mô hình quản lý, ban hành các văn bản hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận trong tương lai. Đồng thời, tổ chức để các hộ sản xuất cam kết duy trì chất lượng sản phẩm. Thực hiện tốt công tác quản lý để ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, đảm bảo giữ gìn giá trị và uy tín của sản phẩm. Phối hợp tiến hành quảng bá, tiếp thị và bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận "Cà rốt Lương Tài" và Mỳ gạo Tử Nê trên thị trường trong và ngoài nước, tận dụng lợi thế độc quyền của sản phẩm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ” cho UBND thị xã Quế Võ; Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng cho huyện Lương Tài; Tỏi một nhánh Gia Bình cho huyện Gia Bình.../.

Trần Quỳnh