Ngày 22/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Cây dưa gang đã được nông dân trên địa bàn thị xã Quế Võ trồng từ rất xa xưa, hiện, có hơn 100 hộ tham gia trồng, tập trung chủ yếu trên địa bàn các phường: Phù Lương, Bằng An, Phố Mới, Việt Hùng và Quế Tân với tổng diện tích khoảng 25 ha, cho doanh thu đạt khoảng 10 triệu đồng/sào (đối với dưa gang tươi) và 20 triệu đồng/sào (dưa gang muối), tăng gấp 5-6 lần so với thâm canh lúa và gấp từ 2-3 lần so với trồng cây khoai tây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Dưa gang được trồng chủ yếu vào tháng 5-6, xen giữa 2 vụ lúa, thời vụ ngắn, dưa cho năng suất cao nên khối lượng sản phẩm thu hoạch khá lớn, đã tạo ra một vùng nguyên liệu tiềm năng khá lớn. Cùng với kinh nhiệm sản xuất truyền thống lâu năm của người dân địa phương, sản phẩm Dưa gang muối có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, xúc tiến thương mại, tiến sâu vào thị trường.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025 do Sở KH&CN chủ trì, đến nay, sản phẩm “Dưa gang muối Quế Võ” đã đáp ứng được các tiêu chí, quy định và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận theo Quyết định số 4411/QĐ- SHTT. Chủ sở hữu là UBND thị xã Quế Võ, với 12 hộ sản xuất, kinh doanh dưa gang muối được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Dưa gang muối Quế Võ”.
Việc trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ” nhằm bảo tồn và phát huy các đặc sản địa phương, để mọi người được thưởng thức món ăn giản dị đậm đà hương vị quê nhà.
Qua đó, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp và người dân khai thác, sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm, đặc biệt là các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đã được cấp Văn bằng bảo hộ; đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh.../.