Cây Hông - Cây xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang?

Xóa đói, giảm nghèo luôn là đề tài thường trực trong ý nghĩ và hành động của các ngành, các cấp ở tỉnh Hà Giang. Nhưng suốt một thời gian dài, đây vẫn là bài toán khó đối với các thế hệ lãnh đạo tỉnh nghèo bậc nhất, nhì nước này.
cayhong-phantrunque1-1660203943.jpg
Cây Hông phát triển tốt ở vùng đồi thấp

Cây Cải dầu, cây Cà phê, Táo Israen, cây Cao su rồi trồng cỏ nhập ngoại để chăn nuôi đại gia súc… Tất cả đều phập phù, hiệu quả không cao, khó xóa được đói, giảm được nghèo. Vừa rồi có dịp đi Hà Giang công tác, Tôi thấy nhiều nơi trồng Hông nhưng hình như chưa có dự án nào được phê duyệt bởi thời gian được khai thác hơi lâu. Mặc dù nó là một trong những loại cây có khả năng che phủ đất trống, đồi núi trọc.

Mà loài cây này tôi không lạ, mọc tản mác ở nhiều vùng quê, nhưng chẳng ai biết giá trị của nó, chúng tôi chỉ chặt làm củi, lấy lá cho ngựa ăn, nhưng củi cũng không đắt vì nó khó cháy và chẳng ai nghĩ nó là gỗ tốt bởi nó lớn rất nhanh. Qua tìm hiểu tôi mới rõ hơn về loại cây này. Chi Hông hay chi Phao đồng (bao đồng, bào đồng) (tên khoa học: Paulownia) là một chi của khoảng 6-7 loài (phụ thuộc vào tác giả phân loại) thực vật trong họ một chi là họ Hông (Paulowniaceae), có họ hàng gần và trước đây từng được đặt trong họ Huyền sâm (Scrophulariaceae).

Hông là loài cây bản địa của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc (tên gọi trong tiếng Trung là 泡桐/pào tóng), kéo dài về phía nam tới Bangladesh, Myanmar, miền bắc Lào và Việt Nam, nhưng đã từ lâu được gieo trồng tại các khu vực khác của Đông Á, đáng chú ý là Nhật Bản, Triều Tiên, cũng như tại châu Âu (Pháp, Anh, Áo, Italia, Czech, Slovakia), đông nam và tây bắc Hoa Kỳ và Trung Á (Turkmenistan, Uzbekistan). Hông là các cây thân gỗ có lá sớm rụng, cao 10-25 m, với các lá to, bản rộng tới 15-40 cm, mọc thành cặp đối xứng trên cành. Chúng ra hoa vào đầu mùa xuân, thành các chùy hoa dài 10-30 cm, với tràng hoa hình ống màu tía, tương tự như hoa của mao địa hoàng (Digitalis).

img-1733-1660204208.JPG
Một vườn ươm giống Hông ở TP Hà Giang

Quả là loại quả nang khô, chứa hàng nghìn hạt nhỏ. Tên gọi khoa học của chi này được đặt theo tên của Hoàng hậu Anna Pavlovna của Hà Lan (1795 - 1865), con gái của Nga hoàng Pavel I, ban đầu viết là Pavlovnia, nhưng hiện nay thường viết là Paulownia. Cây hông hoa trắng là loài cây gỗ lớn, cao tới 30 m, lá rộng. Hông hoa trắng sinh trưởng nhanh, tán lá hình nón; cành non, cụm hoa và quả có lông măng hình sao màu nâu ánh vàng. Thân cây thẳng, đường kính ngang ngực tới 2 m; vỏ cây màu nâu xám. Cuống lá khoảng 12 cm, nhẵn nhụi; phiến lá hình trứng, hình tim hẹp, đôi khi hình trứng, hình tim, dài đến 20 cm.

Mọc hoang hay được gieo trồng. Môi trường sống là vách núi, rừng, thung lũng núi, đất bỏ hoang; ở cao độ dưới 2.000 m. Loài này phân bố tự nhiên ở Trung Quốc (An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Chiết Giang), Đài Loan, Lào và một số tỉnh ở miền núi Việt Nam. Tại Trung Quốc nó mới được du nhập vào Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây và Sơn Đông trong thời gian gần đây.

Là cây thay lá vào mùa đông, rễ phân bố sâu 30-40 cm dưới mặt đất nên ít cạnh tranh các loài cây ngắn ngày, thích hợp trồng xen với các cây nông nghiệp, cây ăn quả. Gỗ Hông sáng màu, mềm mịn, ít cong vênh là nguyên liệu tốt trong công nghệ ván nhân tạo và các đồ dùng thông thường trong gia đình. Khó mà kể cho hết những ứng dụng của cây Hông trong đời sống hiện nay bởi nó tổng hợp được nhiều tính năng đặc biệt. Kể từ khi nó được biết đến với giá trị cao, lĩnh vực sử dụng mới đối với gỗ hông không ngừng được phát hiện.
Gỗ Hông đã được sử dụng trong công nghệ đúc, tủ bàn, veneers, hay nội thất và đặc biệt dùng trong chế tác nhạc cụ. Cho đến nay gỗ hông được người ta chọn dùng ở những nơi mà tính trọng lượng nhẹ là một yếu tố vô cùng quan trọng như các công trình trên biển, nội thất máy bay, xe tải, tàu hoả, tàu tốc độ cao, xe bus .v.v.

Do có nhiều đặc tính ưu việt nên Hông đã được chú ý nghiên cứu, phát triển ở nhiều nước như ở Trung Quốc đã được trồng khoảng gần 1 triệu ha. Một số nước khác như Hoa Kỳ, Australia gần đây cũng đã chú ý nghiên cứu phát triển loài cây này. Tại Việt Nam, Hông hoa trắng mới được thử nghiệm gây trồng mấy năm gần đây. Cây sinh trưởng khá nhanh trong những năm đầu và cho thấy có tiềm năng phát triển rộng cho mục đích trồng rừng nguyên liệu và tạo cảnh quan môi trường.

Hông cũng là một cây sống lâu năm nên cũng được sử dụng trong mục đích trồng rừng phòng hộ. Trong tự nhiên nó thường phân bố xen với một số loài cây tiên phong và trồng với một số loài cây khác như tre, mỡ, cây ăn quả, cây nông nghiệp, trồng làm cây che bóng cho chè, cà phê... Ngoài ra còn có thể trồng Hông như là một loài cây lá rộng bản địa khác.

Hông hoa trắng (Paulownia fortunei) là cây gỗ lớn nhanh, có thể trồng ở quy mô thương mại để sản xuất các loại gỗ nặng. Hông lông (Paulownia tomentosa) được liệt kê như là loài xâm hại tại khu vực đông nam Hoa Kỳ, trước đó đã được đưa vào đây như là một loại cây cảnh vì có hoa đẹp. Chúng là loài cây phổ biến tại quê hương bản địa của nó - Trung Quốc - để tái trồng rừng, trồng ven đường và làm cây cảnh. Chúng sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, đáng chú ý là cả trên đất nghèo dinh dưỡng, nhưng cần nhiều ánh sáng và không ưa ẩm. Gỗ của chi Paulownia là dạng gỗ màu hơi trắng nhạt với các thớ thẳng.

Các đặc trưng như kháng mục nát và khó cháy đảm bảo cho sự phổ biến của gỗ Hông trên thị trường thế giới. Các loại Hông trồng trong các đồn điền nói chung có các vòng tăng trưởng cách quãng lớn và vì thế ít có giá trị hơn. Gỗ Hông là loài cây quan trọng tại Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản dùng làm các miếng gỗ tăng âm cho các loại nhạc cụ bộ dây, chẳng hạn như thất huyền cầm, cổ tranh, tỳ bà, koto và kayagum (가야금). 

Gỗ cây Hông cũng đã có mặt trong lĩnh vực chế tạo thuyền đua công thức 1 và 2, đó là lĩnh vực mà trọng lượng nhẹ và sức bền vật liệu được nhà sản xuất chế tạo đưa lên hàng đầu, nó đòi hỏi thân thuyền đua có sức bền như thân máy bay hay thân thuyền lớn như trước đây người ta đã dùng với loại gỗ Balsa nhưng không như gỗ Balsa gỗ cây Hông không bị ngấm nước làm nặng thêm thân tàu thuyền và đặc biệt dễ dàng đóng đinh hay bắt vis mà không bị nứt nẻ.

Các loài Hông được biết đến tại Nhật Bản như là kiri (桐), nó còn được gọi là "cây công chúa". Trước đây, tại Nhật Bản có tập quán trồng một cây Hông khi một đứa trẻ gái ra đời, và sau này người ta dùng gỗ của nó để đóng chạn bát đĩa để làm quà cưới cho người con gái đó khi cô ta đi lấy chồng.

Nó cũng là biểu tượng cho chính phủ Nhật Bản (so với hoa cúc (Chrysanthemum spp) là biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản). Nó là một trong các hoa của hanafuda (một kiểu bài lá Nhật Bản), gắn liền với tháng 12. Japan: An Illustrated Encyclopedia (trang 1189; Tokyo: Kodansha, 1993. ISBN 4069310983) viết rằng: “Gỗ Hông rất nhẹ, thớ đẹp, mềm, không cong vênh và được sử dụng để làm tủ, hộp và guốc (geta). Gỗ cũng được đốt để sản xuất than củi cho nghề vẽ và bột cho pháo bông, vỏ được làm thành thuốc nhuộm, còn lá được sử dụng để điều chế thuốc trừ sâu”.

Cây Hông (PauLownia) - Triển vọng làm giàu bền vững?

Nếu những ai mới nhìn cây Hông khi cây còn non tuổi và biết được tốc độ sinh trưởng của nó thường cho rằng gỗ cây Hông giống như cây đa, không có giá trị kinh tế. Nhưng kỳ thực cây Hông có nhiều ưu điểm mà các cây khác không sánh được.

Cây Hông (Paulownia) là loài cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây Hông đã chọn cây Hông làm cây chủ lực trong ngành lâm nghiệp và chú ý phát triển. Ở Việt Nam cây Hông phân bổ trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc giáp với biên giới Trung Quốc.

Đồng bào các tỉnh này đã từng dùng gỗ cây này làm chõ đồ xôi nên có tên là cây Hông. Tuy nhiên, trước đây cây Hông ít được ngành lâm nghiệp và bà con chú ý đến. Những năm gần đây khi có những công trình nghiên cứu cây Hông của các nhà khoa học thì loài cây này mới bắt đầu được quan tâm và trồng thử nghiệm ở một số địa phương nhưng cũng chưa thành hàng hóa.

Theo TS Thái Xuân Du (Viện Sinh thái nhiệt đới), người có nhiều năm nghiên cứu cây Hông cho rằng, cây Hông là “vua” của loài cây lâm nghiệp. Theo ông, cây Hông có nhiều ưu điểm: dễ trồng, thích nghi ở nhiều loại đất, lớn rất nhanh (sau 6-7 năm trồng, cây cao hơn 10m, đường kính 35-40cm), gỗ nhẹ, không bị mối mọt, ít bị biến dạng khi thời tiết thay đổi, khó cháy…

Còn theo tài liệu của Trung Quốc, cây Hông được mệnh danh là “nhà vô địch về mọc nhanh”, kết quả được công bố: Cây 5 tuổi có đường kính bình quân 19,9 cm, cao 7-8m, thể tích cây đứng 0,117 m3/cây; cây 8 tuổi D1,3=29,5 cm, H=10,35m, 11 tuổi D1,3=38,38 cm, H=12,46 m, Đường kính có thể đạt 90-100cm trong vòng 30 năm và 200 cm trong vòng 80 năm. Cây Hông sống lâu năm, cho sinh khối lớn: Cây 31 năm tuổi D1,3=100,5 cm, H=21,7 m, 75 tuổi D1,3=134,4 cm, H=44 m, cây 80 năm tuổi ở Quý Châu- Trung Quốc, đường kính 202 cm, chiều cao 49,5m, thể tích 34m3/cây.

image001-1660204922.jpg
Nhiều nơi gọi đây là loài cây cứu rừng

Gỗ Hông: Có tỷ trọng nhẹ (0,26-0,27g/cm3), độ cứng tương đương gỗ nhóm 5. Không bị mối mọt và ít bị mục (tại Hồ Bắc - Trung Quốc khai quật quan tài gỗ Hông sau 200 năm gỗ vẫn tốt. Trung Quốc có những ngôi nhà làm bằng gỗ Hông đã tồn tại hàng trăm năm). Gỗ có tỷ lệ co rút nhỏ dưới 0,45%, ít bị biến dạng và không bị cong vênh nứt nẻ, cách điện và cách nhiệt tốt. Hàm lượng xenlulô trong gỗ trung bình 48-51%.

Chính vì những ưu điểm đó, gỗ Hông được dùng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống như làm đồ gia dụng, ván dán, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, thùng đựng hàng, bao bì và các vật dụng khác. Gỗ Hông còn được dùng làm nhạc cụ, đóng tàu lượn, lót vỏ máy bay, toa xe, du thuyền, ván lướt và sản xuất bột giấy cao cấp (giấy in tiền). Giá gỗ Paulownia dao động khoảng 1,5 triệu đồng/m3 và hơn 400 triệu đồng/ha cho một chu kỳ thu hoạch. Từ đó sẽ góp phần tạo sinh kế từ rừng cho người dân trồng rừng, giúp xóa đói, giảm nghèo…

Đặc biệt, giống cây này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phủ xanh đồi trọc, hạn chế được tác hại do lũ lụt. Đây là loại cây gỗ cứng, nhẹ, không cong vênh, nứt nẻ và có khả năng chịu nhiệt ở mức cao nên hạn chế tình trạng cháy rừng. Ngoài ra, lá và hoa còn có khả năng được dùng làm thức ăn cho gia súc, tăng độ phì nhiêu cho đất. Vì vậy, loài cây này còn được trồng xen kẽ với các loại hoa màu khác như: cây chè, đậu, ngô, đinh lăng; hoa của cây chứa nhiều mật, có thể phát triển nghề nuôi ong.

Một nguyên liệu, nhiều ứng dụng

Ngoài gỗ, lá cây có hàm lượng đạm cao và các nguyên tố vi lượng khác, được dùng làm thức ăn cho gia súc, cành rơi, lá rụng có tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì đất. Cây Hông mọc nhanh nên chóng phát huy tác dụng phòng hộ, lá to có nhiều lông hữu ích trong việc làm sạch bụi và khói giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hoa để nuôi ong và làm thuốc chữa bệnh, vỏ cây chế thuốc nhuộm. Than đốt từ gỗ Hông dùng làm than hoạt tính, sử dụng bột pháo hoa, bột chì màu.

cay-la-2-16196806290052007329214-1660205510.jpg
Cây Pawlonia 4 tháng tuổi to bằng bắp chân người trưởng thành

 Gỗ Hông còn có khả năng chống cháy, nhiệt độ cháy thông thường của gỗ từ 2230C đến 2570C, điểm cháy của gỗ Hông ở nhiệt độ 4250C. Đặc điểm này đáng chú ý, có thể trồng cây Hông để làm đường băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng. Giá thương phẩm của gỗ Hông tùy theo quy cách, phẩm chất và tuổi của cây gỗ. Gỗ khai thác ở tuổi thứ 6 có giá khoảng 120-150 USD/m3 gỗ tròn, giá gỗ Hông trên thị trường rất cao khoảng 700-1.000 USD/m3 gỗ.

Cây Paulownia là cây có sức sống mãnh liệt, phát triển nhanh và là cây gỗ quý. Chỉ trồng 6 - 7 năm, cây đã có thể cho khai thác, nếu đúng tiêu chuẩn khai thác sau 10 năm sẽ đạt hơn 2 tỷ đồng/ha, đường kính cây từ 50 - 60 cm. Cây Paulownia là loài cây lâm nghiệp dễ trồng, dễ sống, lớn nhanh, giá cây giống rẻ. Cây có nguồn gốc từ các nước châu Á: Trung Quốc, Lào, Australia... ở Việt Nam gọi là cây Hông, là cây gỗ cứng, nhẹ, chịu nhiệt ở mức cao, không cong, vênh, nứt, nẻ, được dùng làm nội thất trong gia đình như: ốp tường, sàn gỗ và nhiều tác dụng khác, cây còn có tác dụng ngăn cháy rừng...

Tiềm năng ở Việt Nam

Một số mô hình đã trồng công cây Hông được sự quan tâm chú ý như mô hình trồng xen canh cây hông với cà phê ở Tây Nguyên phát triển rất tốt Hay như mô hình trồng trồng thử nghiệm tại một số điểm thuộc huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy cây Hông có tỷ lệ sống trên 90%, khả năng sinh trưởng rất nhanh. Rừng trồng 18 tháng tuổi trên đất hơi nghèo đến trung bình ở xã Địch Quả đạt đường kính trung bình trên 5cm, cao 4-5m.

Trong đó, một số cây có đường kính trên 10cm, cao 7m. Cây trồng phân tán ở Ban quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn (đất tốt) đường kính đạt 16-20cm, cao 7-8m. Có thể nói cây hông là cây lâm nghiệp có triển vọng (vừa có giá trị kinh tế cao vừa có chức năng phòng hộ nhanh). Có thể trồng phân tán, trồng thành rừng tập trung hoặc trồng xen theo phương thức nông lâm kết hợp. Trong các khu rừng tự nhiên tại một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc.

Tuy nhiên, phải chọn điều kiện lập địa phù hợp và tùy mục đích sử dụng rừng mà chọn phương thức trồng mới đem lại kết quả. Vấn đề đang quan tâm là việc tìm đầu ra cho cây Hông phải được quan tâm đúng mức để người dân có thể yên tâm đưa vào sản xuất và làm giàu từ cây Hông. Cách đây hơn chục năm có một Việt kiều đến từ Hoa Kỳ đã muốn đầu tư trồng Hông ở Hà Giang vì ông biết giá trị của cây Hông ở bên Mỹ nhưng vì đường xá quá xa xôi, thủ tục lại rườm rà nên ông đành bỏ cuộc. Ông bảo đất vùng thấp Hà Giang trồng cây này là rất được.

Phải chăng các huyện vùng thấp của Hà Giang là nơi thích hợp với loại cây này? Có hai nhà đầu tư đã lập dự án ở Bắc Quang và Quang Bình và trồng được hơn 200ha, cây phát triển rất tốt. Nhưng để thành cây xóa đói, giảm nghèo cần được khảo sát, đánh giá, thử nghiệm, nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học về thổ nhưỡng, khí hâu... cây Paulownia không chỉ tác dụng bảo vệ môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế. Hy vọng bài viết nhỏ này được giới chuyên môn về nông lâm nghiệp Hà Giang lưu ý./.

 

Nguyễn Đỗ và Thu Lan