Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong tháng 6, Việt Nam xuất khẩu được 9.292 tấn quế; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28,5 triệu USD, so với tháng 5 lượng xuất khẩu tăng 0,8%, kim ngạch tăng 4,0%. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu quế trung bình 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.992 USD/tấn, giảm 737 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính, chiếm 67,1%, trong đó Ấn Độ đứng đầu đạt 17.380 tấn, tăng 35,4%; Hoa Kỳ đạt 5.000 tấn giảm 4,5%; Bangladesh đạt 4.271 tấn, tăng 60,7%. Xuất khẩu quế cũng tăng ở các thị trường Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan…
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ ở rộng khắc các thị trường như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ… Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD.
Vụ phát triển sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), hiện nay, tổng diện tích quế của Việt Nam đạt gần 170 nghìn ha, tập trung ở các tỉnh Lào Cai (53,3 nghìn ha), Yên Bái (81 nghìn ha),… Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000-1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Về tình hình chế biến, hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến vỏ quế mua trực tiếp từ người thu gom và thực hiện cả sơ chế thô (sàng lọc, phân loại, bóc vỏ và sấy khô) và chế biến tinh. Giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, dự kiến năm 2022 giá trị xuất khẩu quế đạt khoảng 276 triệu USD, tăng gần 2% so với năm 2021.
Các phân tích mới nhất cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành quế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là môi trường chính sách còn thiếu định hướng chiến lược phát triển quế bền vững ở cấp quốc gia; chưa có diễn đàn điều phối hợp tác công – tư, chia sẻ thông tin, tìm kiếm nguồn lực…; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu thị trường.
Về năng lực sản xuất và chế biến, ngành quế vẫn còn thiếu công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông – lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực thế, thiếu chuyên gia và tài liệu. Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường các - bon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế,…
Trước thực trạng trên, việc phải có tầm nhìn chiến lược và các giải pháp dài hạn cho ngành quế là yêu cầu cấp thiết. Tổng cục Lâm nghiệp đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, nhất là các giải pháp thúc đẩy việc kết nối chuỗi ngành hàng. Theo đó, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.
Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.