Đây là một trong những hoạt động lớn nhất của Dự án khảo sát hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với tên gọi “Dự án hỗ trợ ngăn ngừa người lái xe khi có nồng độ cồn nhằm mục tiêu phòng chống tai nạn” (Thông qua vận hành thiết bị và hỗ trợ giáo dục), đang được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Tokai Denshi Inc., triển khai từ tháng 12/2021. Tham dự hội thảo có 60 đại biểu từ các cơ quan liên quan phía Việt Nam và đại diện các công ty tư nhân Việt Nam và Nhật Bản.
Trong dự án khảo sát này, Công ty Tokai Denshi đã phổ biến hệ thống phát hiện nồng độ cồn để ngăn ngừa tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn cho các công ty vận tải, dựa trên kinh nghiệm đã có tại Nhật Bản, qua đó, hỗ trợ vận hành để ngăn ngừa tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, đồng thời hỗ trợ đào tạo về phòng ngừa việc người lái xe uống rượu, giúp thay đổi nhận thức của nhân viên lái xe thuộc các công ty vận tải về chống lái xe khi có nồng độ cồn.
Bên cạnh việc đề cập tới kết quả thử nghiệm sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn tại Việt Nam, hội thảo còn giới thiệu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại Việt Nam và các biện pháp ngăn chặn lái xe khi có nồng độ cồn tại Nhật Bản.
Cũng tại hội thảo, Viện Khoa học Cảnh sát (Bộ Công An) đã có bài trình bày về “Thực trạng lái xe khi say rượu và giải phải xử lý trong xã hội giao thông Việt Nam”. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam trình bày về “Chính sách an toàn giao thông của Việt Nam đến năm 2030”, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ về “Đánh giá dự án thử nghiệm về đào tạo phòng ngừa lái xe khi say rượu và áp dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tại các doanh nghiệp xe buýt”. Theo Transerco, đơn vị tiến hành cuộc thử nghiệm, hoạt động áp dụng máy phân tích nồng độ cồn và đào tạo trong dự án đã giúp thay đổi nhận thức của người lái xe, đưa số ca tai nạn khi lái xe có nồng độ cồn về không.
Ông Phạm Việt Công - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết: “Chúng tôi thấy rằng, hoạt động sử dụng máy đo nồng độ cồn trước và sau khi lái xe có hiệu quả trong việc thay đổi ý thức của người lái xe. Các biện pháp này giúp ngăn chặn tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, đồng thời cải thiện hình ảnh của các nhà điều hành doanh nghiệp. Hội thảo là cơ hội để thảo luận về các phương pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn”.
Cuộc khảo sát được kỳ vọng sau khi kết thúc vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa được các biện pháp cụ thể trong phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, đồng thời hướng tới loại bỏ vấn nạn tai nạn giao thông do người lái xe có nồng độ cồn ở Việt Nam trong tương lai.
Tại Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, số vụ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng cao. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là do lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Từ năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia và các Ủy ban An toàn Giao thông ở mỗi tỉnh, thành phố nhằm kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vẫn liên tục xảy ra những vụ tai nạn có người tử vong do lái xe có nồng độ cồn. Tình trạng này đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Từ năm 2020, người điểu khiển phương tiện giao thông lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn bị xử phạt nặng hơn, tuy nhiên vẫn cần có những nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn trong tương lai.