Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đại diện UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cùng 100 đại biểu là các chuyên gia, đơn vị kinh doanh đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, đại diện các cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
Sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch từ đầu năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp trong hệ sinh thái du lịch, nghành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã sự chuyển biến tích cực.
Tại Diễn đàn du lịch Asean (ATF) 2016 Philippines, các Bộ trưởng Du lịch Asean đã công bố Chiến lược phát triển Du lịch Asean đến năm 2025. Đây là định hướng quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Asean trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế Asean đã chính thức được thành lập, sự liên kết giữa các nước trong khối nói chung, du lịch các nước nói riêng ngày càng chặt chẽ.
Chiến lược phát triển Du lịch Asean 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, Asean sẽ trở thành “điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong toàn khu vực”. Để hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Asean với tư cách là điểm đến chung và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện; Mười chương trình hành động đã được xác định cụ thể để hướng đến các mục tiêu đề ra.
Mục tiêu của chiến lược nhằm đóng góp GDP của nghành Du lịch Asean tăng từ 12% lên 15%; Đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; Thúc đẩy chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm; Số lượng đơn vị được nhận các giải thưởng theo các tiêu chuẩn Asean tăng từ 86 lên 300; Số lượng các dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị dựa trên cộng đồng tăng từ 43 lên trên 300.
Để trao đổi, chia sẻ tiêu chuẩn du lịch Asean, các giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nghành du lịch, các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm góp phần tối ưu hoá trong công tác quản lý và kinh doanh đến với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, 3 chuyên gia đã phát biểu tham luận ý nghĩa gồm: Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) với bài tham luận "Tiêu chuẩn Du lịch Asean"; Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh với bài tham luận về "Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi với khí hậu trong hoạt động du lịch"; Ông Nguyễn Bá Thiết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ VNLINK với bài tham luận về "Các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp".
Bên cạnh đó, tại Hội nghị còn các gian hàng trưng bày đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch như: Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ VNLINK (cung cấp các giải pháp quản lý và kinh doanh khách sạn, homestay) và đơn vị XYN (hoạt động lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp).
Đồng thời, qua Hội nghị này, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh muốn lắng nghe và cùng đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố, từ đó góp phần nâng cao vị thế và đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới...