Hội đồng Nhân dân toàn quốc tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024

Sáng 25/3, Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã được tổ chức tại TP Hà Nội.
hoi-nghi-1711342540.jpeg
Các đại biểu chủ trì hội nghị.

Hội đồng nhân dân giữ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Năm 2023 vừa qua, các hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) đã khẳng định HĐND các tỉnh, thành phố luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn. Ngoài ra, HĐND luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm qua với sự nỗ lực không ngừng, HĐND đã đóng góp trong nhiều đổi mới tích cực, nhiều tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách rất cao. Nhìn lại năm 2023, có thể thấy, đã có sự gắn kết, hành động, lan tỏa mạnh mẽ giữa một Quốc hội đổi mới, hiệu lực, hiệu quả với HĐND các tỉnh, thành phố, tạo thành sức mạnh to lớn, vững chắc mang tính hệ thống của cơ quan dân cử.

Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, HĐND các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, của từng địa phương.

Công tác phối hợp, giữ mối liên hệ công tác giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương được tăng cường; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức thành công các kỳ họp, trong đó có việc kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động giám sát, tái giám sát của địa phương.

Các cơ quan đã phối hợp tốt trong công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân… đã tạo sự chủ động linh hoạt, khơi thông và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tạo bước đột phá, góp phần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường... Nhiều phương thức hoạt động mới được HĐND triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi, đánh giá cao.

hn-hdnd4-1711331768665-1711342540.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Hội nghị (ảnh: ĐBND)

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã được đề ra.

Với phương châm: lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, để từng bước nâng cao chất lượng công tác thẩm tra và việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm; chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 06 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, các nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và các quy định của pháp luật đảm bảo đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả. Quan tâm sớm kiện toàn nhân sự Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số địa phương hiện còn khuyết thiếu.

Ngoài ra, cần bám sát chương trình xây dựng luật của Quốc hội để định hướng hoạt động của HĐND; tham gia đầy đủ các khảo sát, giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội; tham gia tích cực, hiệu quả vào việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật ở địa phương; thực hiện tốt vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhất là đối với các thành phố đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị./.

Hương Lan