Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cung cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Hầu hết cán bộ được bồi dưỡng, học tập, rèn luyện tại trường đều phát huy được khả năng trên các cương vị công tác. Quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: 1962 - 1968, 1969 - 1975 và 1976 đến nay.
Giai đoạn thứ nhất, từ khi thành lập đến 1968, nhà trường chủ yếu tập trung bồi dưỡng kiến thức, năng lực làm công tác tư tưởng, văn hóa cho đội ngũ cán bộ đang công tác tại các cơ quan Đảng và Nhà nước - những người đã được rèn luyện trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Nhiều cán bộ tuyên giáo, cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương đến địa phương đều được bồi dưỡng tại đây. Thời kỳ này, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, cán bộ, giáo viên thiếu, tài liệu, giáo trình chưa hoàn chỉnh, song là giai đoạn tích lũy kinh nghiệm, vừa nghiên cứu lý luận vừa áp dụng vào thực tiễn, từng bước củng cố và xây dựng nhà trường thành một cơ sở đào tạo chính quy.
Giai đoạn thứ hai, từ 1969 đến 1975, nhà trường đã đi vào thế ổn định, bắt đầu đào tạo cử nhân hệ chính quy dài hạn với chương trình học tập được xây dựng bài bản. Tuy vậy, thời gian này nhà trường đã phải trải qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh. Toàn trường phải sơ tán, di chuyển liên tục, cán bộ, giảng viên, học viên vừa giảng dạy, học tập, vừa tăng gia lao động sản xuất để ổn định đời sống. Sau mỗi khóa đào tạo, học viên vừa tốt nghiệp lại trở về cơ quan, đơn vị cũ công tác. Đặc biệt nhà trường đã bổ sung hàng trăm lượt cán bộ cho chiến trường miền
Giai đoạn thứ ba, từ năm 1976 đến nay, qua nhiều lần đổi tên, từ trường “Tuyên huấn Trung ương” thành “Đại học Tuyên giáo”, “Phân viện Báo chí và Tuyên truyền”, rồi “Học viện Báo chí và Tuyên truyền”, song nhiệm vụ chính trị của trường không thay đổi, nhưng phương thức đào tạo được cải tiến, đổi mới hiện đại hơn, quy mô lớn hơn, yêu cầu và mục tiêu cũng cao hơn. Đây là thời kỳ nhà trường đi vào thế ổn định và phát triển để trở thành một cơ sở đào tạo uy tín, cung cấp đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hóa có năng lực cho các cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường được xây dựng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chung về công tác đào tạo cán bộ của Đảng, Nhà nước, năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 406 - HĐBT ngày 20/11/1990 công nhận Học viện là trường đại học. Từ thời điểm này, Học viện vừa là một trường Đảng trực thuộc Ban Bí thư Trung ương, đồng thời là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các hoạt động chuyên môn của nhà trường đều thực hiện theo quy chế thống nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo và chịu sự chi phối của luật Giáo dục.
Năm 1993, theo quyết định số 61 QĐ/TW ngày 10/03/1993 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sắp xếp lại các Trường Đảng trực thuộc Trung ương, nhà trường trở thành trường đại học trực thuộc cơ quan chủ quản là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Theo quyết định này, trường có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các ngành lý luận chính trị Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ Tư tưởng - Văn hoá, Báo chí và Truyền thông đại chúng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
Được sự quan tâm của các Ban của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cơ bản xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời hoàn thành quy hoạch tổng thể của Học viện, được Ban Tài chính quản trị Trung ương phê duyệt. Thư viện, giảng đường được xây dựng, trang bị hiện đại; ký túc xá sinh viên được xây dựng khang trang; hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh, đường đi lối lại trong khuôn viên luôn được sửa sang, bảo đảm sinh hoạt thuận tiện cho hơn 1.000 sinh viên nội trú. Học viện đã từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống quy chế về sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng phục vụ nhiệm vụ đào tạo.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của Học viện, lãnh đạo nhà trường đã tập trung làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đến nay, Học viện có 31 đơn vị Ban, Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm trực thuộc Ban Giám đốc. Tổng số đội ngũ cán bộ 365 người, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy chiếm 75%, trong đó có: 1 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư, 62 Tiến sỹ, 90 Thạc sỹ, 9 Giảng viên cao cấp, 94 Giảng viên chính, Nghiên cứu viên chính.
Nhân lực khoa học chất lượng cao không ngừng được bổ sung về số lượng nhằm đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Từ năm 1993 Học viện bắt đầu đào tạo Sau đại học chuyên ngành Triết học và Báo chí. Hiện nay, hàng năm, Học viện tuyển sinh trên phạm vi cả nước từ 800 - 1000 sinh viên, đào tạo 26 chuyên ngành bậc đại học; tuyển từ 500-1500 sinh viên và nghiên cứu sinh, đào tạo Thạc sỹ 12 chuyên ngành, 2 chuyên ngành đào tạo Tiến sỹ.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức hàng chục lớp đại học vừa học vừa làm với số lượng trên 3.000 học viên. Chương trình và chất lượng các lớp tại chức không ngừng được cải tiến và nâng cao. Điểm đáng chú ý là số sinh viên được đào tạo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền khi ra trường phần lớn được nhận vào các cơ quan nhà nước và phát huy được năng lực của mình. Các địa phương, đơn vị cử cán bộ đi học đều yên tâm với chất lượng đào tạo của trường.
Trong điều kiện kinh phí eo hẹp Học viện vẫn luôn chú trọng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở quy chế quản lý hoạt động khoa học đã được ban hành, nhà trường thường xuyên củng cố hội đồng khoa học cấp Học viện, duy trì hoạt động thường xuyên hội đồng khoa học cấp khoa và mạng lưới thư ký khoa học các đơn vị. Không chỉ giữ vững nền nếp hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường, Học viện còn mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan bên ngoài, huy động mọi nguồn lực nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Tổng kết 40 năm nghiên cứu khoa học, Học viện đã thực hiện thành công 683 đề tài nghiên cứu, có 14 đề tài trong khuôn khổ các dự án hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước; 57 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ; 407 đề tài cấp cơ sở, 115 đề tài sinh viên.
Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi, đó là các đề tài hợp tác với tổ chức phi chính phủ UNFPA, Ủy ban quốc gia về Dân số, Ủy ban quốc gia về phồng chống HIV/AIDS, xuất bản 150 bộ giáo khoa, in 155 bộ giáo trình…, nhiều đề tài ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý khoa học, quản lý sinh viên, công tác xây dựng Đảng của Học viện. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều đề tài đoạt giải cao "Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học" do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức hàng năm.
Trong 60 năm qua, Học viện đã tổ chức hàng trăm cuộc Hội thảo khoa học, thu hút hơn 2.000 lượt cán bộ khoa học tham gia. Nhiều cuộc Hội thảo cấp Quốc gia, Quốc tế đã được tổ chức thành công, đã in 87 Kỷ yếu khoa học với gần 2.000 bài tham luận. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức đưa hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên đi học tập, tham quan ở nước ngoài, tại Nga, Đức, Trung Quốc, Anh, Pháp và các nước Đông Nam Á. Hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ giảng dạy và học tập, Học viện đã xây dựng Trung tâm thông tin, tư liệu, thư viện 3 tầng trên mặt bằng 3.419m2 được trang bị hiện đại. Với hệ thống sách báo, tạp chí, tác phẩm kinh điển, giáo trình, thư viện điện tử... lên tới hàng trăm ngàn bản, Trung tâm thực sự trở thành cầu nối liên kết giữa những người sử dụng thông tin với các nguồn, giữa các hệ thống thông tin với các đơn vị, cá nhân tạo lập và cung cấp các sản phẩm thông tin đa dạng, phong phú.
60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn lượt cán bộ mà còn góp phần nghiên cứu lý luận và thực tiễn, khẳng định tính khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần tổng kết sự vận dụng sáng tạo lý luận đó vào thực tiễn cách mạng Việt
Dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ, Học viện luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự giúp đỡ thiết thực của các cơ quan, ban, ngành của Đảng và Nhà nước ở cấp Trung ương cũng như sự tín nhiệm, cộng tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng ở trình độ đại học và trên đại học ngày càng ổn định và đi vào thế phát triển từ quy mô, loại hình đến phương thức đào tạo. Hệ thống bộ máy tổ chức của Học viện ngày càng được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Phát huy truyền thống đoàn kết đã được thử thách trong nhiều năm, cán bộ, giảng viên, công nhân viên đang tích cực khắc phục khó khăn, hạn chế tác động của những khuyết tật của cơ chế thị trường, phấn đấu dạy tốt, học tốt, xây dựng Học viện thành cơ sở đào tạo mẫu mực.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, 3 huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, 8 huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, 37 huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Ba và hàng trăm huy chương các loại. Song phần thưởng lớn nhất của nhà trường đó là đào tạo được hàng vạn lượt cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hóa đang cống hiến sức lực và trí tuệ của mình trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu có phẩm chất tốt, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các cơ quan thông tin đại chúng, các Ban Tuyên giáo, các trường đại học, cao đẳng.
60 năm, nhiều lớp cán bộ đã nghỉ hưu nhưng các thế hệ kế tiếp đã và đang phát huy năng lực của một cơ sở đào tạo có uy tín. Danh xưng “Học viện Báo chí và Tuyên truyền” ngày càng thắm thêm truyền thống vẻ vang của một trường Đảng, trường Đại học./.