Tóm tắt: Những năm gần đây, hình ảnh của Đà Nẵng được phát triển mạnh mẽ và được biết đến rộng rãi hơn trên toàn thế giới thông qua sự xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế. Nghiên cứu này nhằm làm rõ những hình ảnh, vấn đề xoay quanh Đà Nẵng trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Hình ảnh của Đà Nẵng được phân tích bằng phương pháp nội dung, thang đo mức độ từ ngữ và mô hình SOR. Kết quả cho thấy hình ảnh Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế bao gồm cả những hình ảnh tích cực và tiêu cực. Các hình ảnh của Đà Nẵng đều có sự ảnh hưởng nhất định tới suy nghĩ, hành vi, thái độ, … của khán giả. Nghiên cứu này sẽ đóng góp những giải pháp, chính sách phát triển hình ảnh của Đà Nẵng tốt đẹp hơn nữa trên báo chí, truyền hình của các quốc gia trong những năm tới. Nghiên cứu sẽ là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác xây dựng, phát triển hình ảnh của Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế, tạo nên những hình ảnh đẹp về Đà Nẵng và thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới đối với Đà Nẵng.
Từ khoá: Đà Nẵng; Hình ảnh thành phố; Báo chí truyền hình
1. Đặt vấn đề
Truyền thông nói chung và báo chí, truyền hình nói riêng luôn gắn liền với những hiện tượng đời sống, xã hội trong quá trình hình thành nền văn hoá của mỗi quốc gia. Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam là địa điểm lý tưởng, được du khách quốc tế quan tâm rất nhiều trong những năm qua. Năm 2018, sau khi công trình “Cầu Vàng” ở Bà Nà Hills ra mắt thì nhiều thông tin về Đà Nẵng được xuất hiện trên các trang báo nổi tiếng của thế giới như CNN, BBC, ... Tuy nhiên, một vài hình ảnh không tốt đẹp của Đà Nẵng cũng xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu sâu sắc hơn về hình ảnh Đà Nẵng đối với truyền thông thế giới trong thời gian qua cũng như đưa ra phân tích về những thông tin liên quan.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, phương pháp phân tích nội dung được sử dụng để kiểm tra đặc điểm hình ảnh Đà Nẵng đã được thể hiện như thế nào trước các môi trường truyền thông khác nhau các quốc gia. Để xác định thái độ, quan điểm của người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin đối với các vấn đề thì có các mức độ: tích cực, tiêu cực và trung lập. Dựa vào thang đo tích cực, tiêu cực và trung lập thì bài nghiên cứu sẽ đánh giá các hình ảnh của Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế. Bài nghiên cứu này sẽ dùng mô hình SOR để phân tích hành vi của du khách đối với thành phố Đà Nẵng. Mô hình này dựa trên mối liên kết giữa sự kích thích S (chính là những hình ảnh của Đà Nẵng đã xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế), đối tượng O (là những sự nhận thức, cảm xúc, tình cảm của khán giả quốc tế đón đọc báo chí, truyền hình về mức độ ấn tượng mang tính tích cực hay tiêu cực của họ về Đà Nẵng) và sự phản hồi R (gồm thái độ, phản ứng và mong muốn tham quan Đà Nẵng) sau quá trình tác động của hình ảnh Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế đối với khán giả.
3. Kết quả
3.1. Sơ lược về các tờ báo và kênh truyền hình khảo sát
3.1.1. Kênh truyền hình YTN Hàn Quốc
Kênh truyền hình tin tức YTN, tên đầy đủ là Yonhap Television News (Truyền hình tin tức Yonhap), thuộc sở hữu của tập đoàn YTN Group, thành lập năm 1993. YTN phát sóng tin tức từ ngày 1 tháng 3 năm 1995, là kênh truyền hình cáp 24 giờ độc quyền duy nhất tại Hàn Quốc với rất nhiều bản tin, chương trình về nhiều lĩnh vực như đời sống, văn hoá, kinh tế, chính trị, du lịch, sức khỏe, … Các kênh kinh doanh của YTN bao gồm: YTN World, YTN Science, YTN2, YTN radio, YTN dmc, YTN plus.
3.1.2. Kênh truyền hình KBS Hàn Quốc
Đài truyền hình KBS Hàn Quốc (Korean Broadcasting system - Hệ thống phát thanh truyền hình Hàn Quốc) được ra mắt với tên gọi ban đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình GyeongSeong vào năm 1927, sau đó đổi tên thành Đài phát sóng trung ương Seoul vào năm 1947 và bắt đầu dịch vụ phát sóng truyền hình của mình vào năm 1961. Các dịch vụ của Đài KBS bao gồm các kênh truyền hình mặt đất như HD1TV, HD2TV, UHD1TV, UHD2TV; các kênh truyền hình vệ tinh như KBS World, KBS World 24, KBS radio 1, KBS radio 2, KBS radio world, …
3.1.3. Báo CNN Mỹ
Ted Turner đã thành lập ra kênh truyền hình CNN (Cable News Network - mạng truyền hình cáp tin tức) với mục đích phát tin tức liên tục trong 24 giờ. Tháng 8 năm 1985, CNN cho ra mắt trang báo điện tử CNN online và trở thành trang tin tức hàng đầu thế giới. Báo điện tử CNN gồm có 10 chuyên mục, luôn đưa tin về những lĩnh vực như kinh doanh, thể thao, chính trị, du lịch, …
3.1.4. Báo Bangkok Post Thái Lan
Bangkok Post (Bưu điện Bangkok) được thành lập bởi biên tập viên Alexander McDonald và cộng sự Prasit Lulitanond. Thuộc công ty Post Publishing Public, lần đầu được xuất bản vào tháng 8 năm 1946, Bangkok Post là tờ báo in gồm 4 trang với lượng phát hành hơn 100 nghìn bản mỗi ngày, chiếm 55% thị trường tính đến năm 2005. Tờ báo Bangkok Post đưa tin về những lĩnh vực như: thể thao, du lịch, con người, đời sống, xã hội, thời trang, … Số lượng các bài báo về văn hoá xã hội trên báo Bangkok Post được đẩy mạnh nhiều hơn về các thông tin có sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đến kinh tế xã hội, lịch sử, …
3.1.5. Báo The Guardian Anh Quốc
The Guardian (Người bảo vệ) là tờ báo in được phát hành vào thứ bảy mỗi tuần của Anh, xuất bản lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1821, sau này thì báo đã được xuất bản mỗi ngày để đưa thông tin đến nhanh hơn với khán giả. Hiện The Guardian tiếp cận đến độc giả thông qua báo in, báo điện tử, podcast và tạp chí Guardian hàng tuần ở cả nước Úc và Mỹ. Vài năm gần đây, The Guardian phải trải qua khoảng thời gian khủng hoảng báo chí Anh nên số lượng phát hành không còn nhiều như trước. Tuy nhiên điều này không làm ảnh hưởng đến lượng khán giả của The Guardian.
3.2. Hình ảnh của Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế
3.2.1. Kênh truyền hình YTN Hàn Quốc
Năm 2020, bản tin đặc biệt của đài truyền hình YTN đã có đưa tin về Đà Nẵng. Năm 2020 là năm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 ở Hàn Quốc và Việt Nam, vì vậy Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra chính sách cách ly những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Bản tin đầu tiên có tựa đề là “20 kiều bào bị cách ly tại Đà Nẵng … Bị giam giữ, khóa trái cửa ở khu vực bệnh viện”. Tựa đề này cũng đã thấy được sự chào đón của Đà Nẵng đối với những người Hàn Quốc không có sự hoan nghênh. Những người du khách Hàn Quốc đã cung cấp với đài truyền hình YTN rằng họ bị đối xử bất công khi sử dụng tính từ “부당하다 - bất công”. Bản tin này còn nói rằng: cơ sở vật chất ở bệnh viện Đà Nẵng không thể sử dụng hay làm được gì vì hơi bẩn. Một trong những món ăn nhanh ngon nhất thế giới đã được công nhận là bánh mì Việt Nam đã bị đài truyền hình YTN đã đưa ra thông tin rằng những người Hàn Quốc chỉ được cung cấp vài mẩu “조각 – mẩu” bánh mì để ăn. Điều này khiến cho hình ảnh của món ăn tinh túy dân tộc bánh mì lại giống như một thứ đồ ăn tạm bợ. Thông qua trường hợp trên thì ta có thể thấy rằng hình ảnh của Đà Nẵng về cuộc sống cách ly vô cùng xấu trong mắt bạn bè Hàn Quốc. Ngày 26 tháng 2 năm 2020, sau khi 20 du khách Hàn Quốc được đưa trở lại Hàn Quốc thì YTN đã có một bài phỏng vấn với vài du khách ở sân bay. Người Hàn Quốc đầu tiên trả lời rằng họ cảm thấy tồi tệ, bị áp lực tâm lý và đồ ăn không được đưa đúng giờ. Người thứ hai được phỏng vấn thì nói họ phải huỷ vé máy bay và hơi bối rối vì bị cách ly dù chưa đi đâu. Có thể thấy được du khách Hàn Quốc khá bất mãn với những gì Việt Nam đã thực hiện trong bối cảnh cách ly. Qua đó, hình ảnh của Đà Nẵng trên đài truyền hình Hàn Quốc YTN là những hình ảnh xấu đối với người dân nước này.
3.2.2. Kênh truyền hình KBS Hàn Quốc
Kênh KBS World đã phát sóng một chương trình trải nghiệm về du lịch có nhắc đến Đà Nẵng là Battle trip (chuyến đi chiến đấu). Tập thứ nhất của Battle Trip có nhắc đến Đà Nẵng đã phát sóng chuyến trải nghiệm 1 tuần của diễn viên Hàn Quốc Jeong Si Ah và hoa hậu Hàn Quốc Oh Hyun Kyung. Hình ảnh Bà Nà Hills ở Đà Nẵng đối với họ giống như một châu Âu thu nhỏ và họ như đang được ở trên những đám mây. “Phi thường”, “tuyệt vời” và “rất vui” là cảm giác của 2 nhân vật trải nghiệm đối với Bà Nà Hills. Hình ảnh Bà Nà Hills đối với họ là một ngôi làng huyền diệu, rất đẹp trên những đám mây. Hình ảnh của Ngũ Hành Sơn rất tuyệt vời, rất đẹp giống như đài quan sát Namsan ở Hàn Quốc, không khí ở Ngũ Hành Sơn rất trong lành khác hẳn với không khí ở thủ đô Seoul Hàn Quốc. Hình ảnh về Đà Nẵng cũng được tái hiện trên kênh KBS World, trong chương trình Battle Trip, phát hành vào ngày 14 tháng 4 năm 2019. Nhân vật trải nghiệm trong tập này là diễn viên Kim Seung Su và diễn viên Kang Kyung Jun cho rằng những món ăn như bánh mì chảo, sữa ngô, … của Đà Nẵng đều ngon và tuyệt vời. Trải nghiệm đi bè phao khiến nhân vật trải nghiệm thấy rất thú vị và tuyệt vời. Hình ảnh Bà Nà Hills được nhận xét rằng là một địa điểm thu hút, Đà Nẵng cũng đẹp hơn về đêm khi nhân vật trải nghiệm đi tham quan chợ đêm Helio. Qua 2 tập của chương trình Battle Trip trên kênh truyền hình internet KBS World với những trải nghiệm du lịch thực tế tại Đà Nẵng của những người nổi tiếng đã cho khán giả thấy rõ nét, chân thực với cuộc sống ở Đà Nẵng. Hình ảnh Đà Nẵng đẹp cả ngoài đời thực và ở trong truyền hình đã đem lại những cảm nhận tốt của người Hàn Quốc về Đà Nẵng thông qua đài truyền hình KBS World.
3.2.3. Báo CNN Mỹ
Bài báo đầu tiên trên CNN nói về Đà Nẵng được viết vào ngày 2 tháng 8 năm 2018, xuất hiện với chủ đề là “Bàn tay khổng lồ nâng cây cầu Vàng Việt Nam” rất đáng chú ý. Bài báo này nói rằng cây Cầu Vàng là một công trình rất lung linh được hiện ra từ hàng cây của vườn thiên thai ở Bà Nà Hills. Đặc biệt hình ảnh chiếc bàn tay nâng đỡ cây cầu, bàn tay ấy đã hóa xanh như thể chúng đã ở đó hàng thế kỷ, tuy nhiên đây không phải ảnh do CNN cung cấp mà lại là ảnh được lấy từ một hãng báo truyền thông của Pháp. CNN đã miêu tả những hình ảnh của Bà Nà Hills rất chân thực và chi tiết với những sự liên tưởng không giới hạn. Bài báo này viết theo ngôn ngữ báo chí với những từ khóa đặc biệt như “Giant - khổng lồ”, “Architecture - kiến trúc. Một bài báo nữa nói về Đà Nẵng đó là “10 khách sạn bên cạnh biển tốt nhất tại Đà Nẵng”, đây là một trong những điều mà những du khách quốc tế đến Đà Nẵng sẽ rất quan tâm. Mở đầu cho bài báo là việc CNN khẳng định rằng Đà Nẵng là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam và có hàng chục khu nghỉ dưỡng bên bờ biển với tính từ như “the most beautiful beaches - những bãi biển đẹp nhất”. CNN đã liệt kê ra mười khu nghỉ dưỡng, khách sạn tốt ở Đà Nẵng mà du khách có thể lựa chọn với những bức ảnh chụp các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đó rất đẹp và rực rỡ cùng những sự miêu tả khác nhau cùng các từ ngữ như “beautiful - đẹp”, “great - tuyệt vời”, “impressive - ấn tượng”, … CNN đã đưa ra rất nhiều những từ ngữ, tính từ tích cực để miêu tả về các khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Đà Nẵng, khiến hình ảnh Đà Nẵng trở nên đẹp và rất ấn tượng trên báo CNN. Qua đó ta thấy được CNN đã khai thác ra những điểm mạnh và sự nổi bật của khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Đà Nẵng để truyền đạt thông tin đến người đọc một cách chính xác và sinh động nhất.
3.2.4. Báo Bangkok Post Thái Lan
Năm 2018 và đầu năm 2019, báo Bangkok Post của Thái Lan đã đưa rất nhiều tin tức về Đà Nẵng với số lượng 4 bài báo. “Cầu Vàng thu hút khách du lịch đến với Bà Nà Hills của Việt Nam” là bài báo đầu tiên của trang báo điện tử Bangkok Post viết vào tháng 8 năm 2018 trong chuyên mục “thế giới” sau khi Cầu Vàng đã được ra mắt khoảng 2 tháng, như một sự khẳng định tích cực rằng Cầu Vàng nói riêng và Bà Nà Hills nói chung chính là những điều thú vị có thể thu hút khách du lịch đến tham quan. Bangkok Post đã dùng những từ khóa như “attracted - thu hút”, “eager - háo hức”, “famed - nổi tiếng” để gợi tả thêm cho việc Cầu Vàng ở Bà Nà Hills của Việt Nam đã thu hút rất nhiều khách du lịch kể từ khi khai trương vào tháng 6. Bài báo thứ hai về Đà Nẵng được xuất bản vào tháng 9 năm 2018 với tựa đề “Đà Nẵng: Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” trong chuyên mục “du lịch”. Bà Nà Hills chính là một nơi tuyệt vời, giống như một châu Á thu nhỏ, đính kèm với hình ảnh cây Cầu Vàng rất đẹp, góc ảnh đẹp này của Cầu Vàng mà Bangkok Post đưa ra đã thu hút được sự chú ý khán giả. Hình ảnh của cây Cầu Vàng ở bài viết này được thể hiện rằng là một địa điểm tham quan với từ “hot - nổi tiếng” và trải nghiệm đi bộ trên mây vô cùng tuyệt vời “wonderful”. Một bài báo khác của Bangkok Post trong chuyên mục “du lịch” đó là “Du lịch bụi ở Đà Nẵng: Cuộc phiêu lưu “châu Âu” ở châu Á”. Tác giả bài báo này đã sử dụng ngôn ngữ mang tính văn và phép nhân hóa để tạo sự tò mò, kích thích đối với người đọc về khung cảnh bí ẩn này ở Đà Nẵng. Bài báo đề cập đến Bà Nà Hills - một thành phố giống châu Âu đã trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam trong thời gian qua. “Nổi tiếng - famous”, “great place - nơi tuyệt vời” và “astonishing - đáng kinh ngạc” hay “renown - có tiếng” là những từ được bài báo này nói về biển Mỹ Khê và Vịnh Đà Nẵng. Bài báo tiếp theo với tựa đề “Ngày xửa ngày xưa, tại Đà Nẵng có 3 chuyến bay thẳng mỗi ngày thuận tiện” được xuất hiện trên Bangkok Post vào ngày 29 tháng 5 năm 2019. Hình ảnh mở đầu của Đà Nẵng trong bài báo này là sự khẳng định rằng Đà Nẵng trở thành điểm đến yêu thích và nổi tiếng của người Thái, đạt được mức tăng trưởng tốt, là một thành phố vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, quê hương của những bãi biển đẹp, một trong những thành phố sạch sẽ và đáng sống nhất thế giới.. Các tính từ như “magical - kỳ diệu”, “beautiful - đẹp” và “picturesque - mỹ lệ” là những tính từ hay mà Bangkok Post tổng kết lại về du lịch Đà Nẵng. Thông qua các bài báo trên thì có thể thấy Đà Nẵng là một trong những địa điểm đượcxuất hiện trên báo Bangkok Post rất nhiều.
3.2.5. Báo The Guardian Anh Quốc
Sau hiệu ứng tốt của cây Cầu Vàng ở Đà Nẵng, báo The Guardian của Anh Quốc cũng đã có đưa tin về hình ảnh của Đà Nẵng. Bài báo với tựa đề “Ấn tượng đầu tốt đẹp: những cây cầu dành cho người đi bộ nổi bật nhất thế giới” phát hành vào ngày 30 tháng 7 năm 2018 trên trang báo điện tử của The Guardian. “Weird - kỳ lạ” và “wonderful - tuyệt vời” là hai tính từ mà bài báo nói về cây Cầu Vàng mới khánh thành ở Đà Nẵng. Cầu Vàng được nhìn thấy và nhận định giống như một kiến trúc riêng chứ không phải là một phần nhỏ của một địa điểm phổ biến. Điểm đặc biệt đáng tự hào đó là tờ báo này đã so sánh Cầu Vàng với các cây cầu khác nổi tiếng trên thế giới như Lucky Knot ở Trung Quốc, Helix ở Singapore, … Điều này có thể thấy rằng hình ảnh Cầu Vàng đẹp, hùng vĩ, ấn tượng không kém so với những cây cầu khác trên thế giới. Tuy nhiên thì The Guardian đã là một tờ báo có tiếng nên thông tin về Đà Nẵng đều là những điều được kiểm chứng, do vậy bài báo này cũng giúp cho người đọc nhận ra được vẻ đẹp của hình ảnh Cầu Vàng dù chưa trực tiếp đến xem. Hình ảnh Đà Nẵng được thể hiện rất đẹp cả về mặt hình ảnh và ý nghĩa đối với tờ báo Anh Quốc này.
3.3. Đánh giá những ảnh hưởng của báo chí, truyền hình quốc tế đối với thành phố Đà Nẵng
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, Đà Nẵng đã nhiều lần được xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế. Các bài viết về Đà Nẵng chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực du lịch vì ngành du lịch là một trong những điểm thu hút mọi người đến với Đà Nẵng và đây cũng là mối quan tâm lớn nhất của thế giới về Đà Nẵng. Từ những giả thuyết và phần phân tích trên, ta có thể chia làm 2 loại là những tin tức tích cực và tiêu cực về hình ảnh Đà Nẵng theo phương pháp đánh giá mức độ theo thang đo. Thông qua phân tích thì có thể thấy báo chí, truyền hình Mỹ (CNN), Thái Lan (Bangkok Post), Anh Quốc (The Guardian), Hàn Quốc (KBS World) đều là những thông tin tích cực về hình ảnh của Đà Nẵng vì những từ khóa như: đẹp, ấn tượng, hùng vĩ, tuyệt vời, kỳ diệu, độc đáo, … trên những bài báo, kênh truyền hình này đều thể hiện những điều tốt đẹp, những sự đồng thuận về những đặc điểm nổi bật của Đà Nẵng. Còn trên kênh truyền hình YTN của Hàn Quốc thì thông tin là những thông tin tiêu cực vì có những thông tin, hình ảnh không mang tính xây dựng, không đem lại những cái nhìn tốt đẹp về Đà Nẵng như: giam cầm, tồi tệ, bất công, … và gây tranh cãi nhiều. Thước đo cho sự tích cực, tiêu cực về hình ảnh của Đà Nẵng đều dựa vào những từ khóa xuất hiện trong bài như đã phân tích ở trên và những kết luận, ta có bảng tổng kết như sau:
Bảng 3.1 Tổng kết những bài báo, tin tức trên báo chí, truyền hình quốc tế
Cơ quan báo chí, truyền hình |
Tên bài báo, tin tức |
Đánh giá |
Báo CNN |
Bàn tay khổng lồ nâng cây cầu Vàng Việt Nam |
Tích cực |
Báo CNN |
10 khách sạn bên cạnh biển tốt nhất tại Đà Nẵng |
Tích cực |
Báo Bangkok Post |
Cầu Vàng thu hút khách du lịch đến với Bà Nà Hills của Việt Nam. |
Tích cực |
Báo Bangkok Post |
Đà Nẵng: Thành phố đáng sống nhất Việt Nam |
Tích cực |
Báo Bangkok Post |
Du lịch bụi ở Đà Nẵng: Cuộc phiêu lưu “châu Âu” ở châu Á |
Tích cực |
Báo Bangkok Post |
Ngày xửa ngày xưa, tại Đà Nẵng có 3 chuyến bay thẳng mỗi ngày thuận tiện |
Tích cực |
Báo The Guardian |
Ấn tượng đầu tốt đẹp: những cây cầu dành cho người đi bộ nổi bật nhất thế giới |
Tích cực |
Truyền hình YTN |
20 kiều bào bị cách ly tại Đà Nẵng … Bị giam giữ, khóa trái cửa ở khu vực bệnh viện |
Tiêu cực |
Truyền hình YTN |
Phỏng vấn người Hàn Quốc trở về từ Đà Nẵng |
Tiêu cực |
Truyền hình KBS |
Chương trình trải nghiệm Battle Trip 2017 |
Tích cực |
Truyền hình KBS |
Chương trình trải nghiệm Battle Trip 2019 |
Tích cực |
(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)
Nhìn chung trong tổng số 11 bài báo, tin tức được khảo sát về hình ảnh Đà Nẵng thì chỉ có 2 bài tin tức mang lại hình ảnh Đà Nẵng tiêu cực, còn lại là những bài báo mang hình ảnh tích cực cho Đà Nẵng. Điều này có thể thấy được hình ảnh Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế vẫn luôn có sự thiện cảm, gây ấn tượng nhiều hơn là những điều xấu, tiêu cực.
3.3.1. Ảnh hưởng tích cực
Dựa theo mô hình SOR thì với phần tác nhân kích thích là những hình ảnh được thể hiện về cuộc sống tại Đà Nẵng đã mang lại cho người đọc những cảm nhận, suy nghĩ, thái độ khác nhau về những địa danh, khu du lịch, vui chơi giải trí, … ở Đà Nẵng. Từ đó sẽ tác động đến hành vi của người đọc báo, xem truyền hình đó là đi du lịch, tham quan Đà Nẵng. Theo Tổng cục Du lịch cho biết trong những năm vừa qua, lượng khách du lịch cả nội địa lẫn quốc tế đều liên tục tăng trưởng tốt, nhất là du khách quốc tế. Khách quốc tế đến với Đà Nẵng đã tăng lên đến khoảng 2,875 triệu lượt khách, hơn 23,3% so với năm 2017. Hơn nữa, số lượng khách quốc tế khác đến Đà Nẵng cũng có sự tăng lên như Thái Lan (khoảng 213 nghìn lượt khách), Mỹ (Khoảng 95 nghìn lượt khách), Đài Loan (Khoảng 81 nghìn lượt khách), … Nhờ có công viên Khủng Long mà khu du lịch Núi Thần Tài được lọt top 10 điểm đáng đến nhất Việt Nam trong giải thưởng “Travelers’ Best choice 2019”. Theo Sở du lịch Đà Nẵng, đến năm 2019 thì Đà Nẵng đón số khách nội địa đạt khoảng 5.169.493 lượt, tăng 8% so với 2018. Có thể thấy hình ảnh Cầu Vàng và Bà Nà Hills đã mang lại sự thu hút cho các du khách quốc tế đến tham quan đúng theo mô hình SOR đã phân tích ở trên. Kênh truyền hình Mỹ BBC World News đã phát hành một đoạn phim ngắn về du lịch Đà Nẵng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người Đà Nẵng thân thiện, hiếu khách, … cùng độ dài 30 giây ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, xuất hiện trên 200 quốc gia. Sau khi Đà Nẵng được khắc họa với những hình ảnh đẹp trên kênh truyền hình CNN thì CNN đã cùng với Tổng cục Du lịch phát sóng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN trong vòng 6 tuần. Nhờ hiệu ứng tốt về Đà Nẵng mà du lịch Việt Nam lại tiếp tục được xuất hiện trên CNN. Đầu năm 2022 thì những nét đẹp của Việt Nam, những hình ảnh ấn tượng và thu hút về du lịch ở Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, … cũng được tái hiện trên kênh truyền hình CNBC. Những điều này là một sự ảnh hưởng tích cực đối với du lịch Đà Nẵng khi được xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình quốc tế.
3.3.2. Ảnh hưởng tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực của việc Đà Nẵng được xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế thì cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Đà Nẵng ở một số quốc gia. Sau khi kênh truyền hình YTN của Hàn Quốc phát sóng về những sự khó khăn của du khách Hàn Quốc ở bệnh viện cách ly tại Đà Nẵng thì rất nhiều sự tranh cãi về vấn đề này phát sinh. Việc bị giam giữ trong khi cách ly, không được đi ra ngoài thì 20 người du khách Hàn Quốc đã cảm thấy bất công đối với cách hành xử của Việt Nam. Từ đó tác động lên hành vi là họ không muốn du lịch ở Việt Nam nữa và muốn quay về Hàn Quốc. Mô hình SOR cũng đúng với việc là khi tác nhân kích thích là việc những hình ảnh xấu về cuộc sống cách ly tại bệnh viện Đà Nẵng xuất hiện trên YTN, điều này đã ảnh hưởng đến hành vi của họ là tranh cãi, chỉ trích gay gắt về Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt là Hàn Quốc có nhiều người đã dùng những lời nói thiếu văn minh để chê xấu hình ảnh của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung về cuộc sống, con người, du lịch, ẩm thực và đặc biệt là bánh mì Việt Nam. Vì điều này mà quan hệ xã hội giữa 2 nước Hàn Quốc và Việt Nam đã trở nên xấu hơn, không giữ được sự hòa bình trong một thời gian trên mạng xã hội. Việc đưa tin không có tính tích cực của YTN cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh, đến ngành du lịch của Đà Nẵng trong thời gian đó.
Một điều nữa đó là trên báo chí quốc tế, có rất nhiều bài báo nhiều chữ, ít hình ảnh, điều này sẽ gây nên sự nhàm chán. Có những bài báo bố cục thiếu chặt chẽ, thiếu tính logic, sáng tạo khiến cho thông tin, tin tức về Đà Nẵng được đưa ra khó tiếp thu, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người đọc về hình ảnh của Đà Nẵng. Các bài báo còn ít số liệu minh chứng thực tế, thiếu nhiều sự nhận xét, ý kiến của những đối tượng phỏng vấn khác nhau. Nhiều bài báo còn khác nội dung nhưng lấy chung một nguồn ảnh, điều này thể hiện sự nghèo nàn trong công tác báo chí cũng như sự hấp dẫn của các bài báo, tin tức. Điều này sẽ cản trở, làm giảm đi một phần lượng khách du lịch quốc tế đến với Đà Nẵng, giảm đi số lượng người biết đến Đà Nẵng.
4. Một số gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu
Đà Nẵng cần tập trung khai thác các thế mạnh về du lịch như sáng tạo ra các loại hình du lịch mới ở Đà Nẵng. Nên đầu tư, tập trung khai thác, tu sửa những công trình đã bị cũ kỹ, những khu du lịch đã cổ, … để làm mới, thu hút nhiều người tham quan hơn. Những bệnh viện, khách sạn, những khu bảo tồn di tích, cả những hình thức du lịch như xích lô dạo quanh thành phố, xây dựng thêm tàu điện ở Đà Nẵng đi vòng quanh thành phố, … cũng nên được triển khai, cải thiện và được nâng cấp. Cần đưa ra các biện pháp xử lý nếu có đối tượng muốn phá hoại những danh lam thắng cảnh, những khu di tích, … Tập trung đầu tư vào: khai thác hoạt động đánh bắt cá ở Đà Nẵng, khai thác trải nghiệm lên núi cắm trại ở Đà Nẵng, hoặc là trải nghiệm lặn san hô hoặc sống dưới biển, …
Chính quyền Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phải xây dựng tốt mối quan hệ với các nước, thực hiện chiến dịch marketing, hợp tác đối với các cơ quan báo chí, truyền hình là đối tác ở Việt Nam. Như thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan truyền hình Mỹ như CNBC, CNN, BBC, … để quảng bá cả du lịch của Đà Nẵng. Chính phủ, chính quyền và các cơ quan báo chí Việt Nam cần xây dựng hợp tác chiến lược phát sóng các chương trình du lịch trên các kênh như CNN.
Tiếp theo, Việt Nam cũng cần phải ngăn chặn, làm rõ những thông tin xấu, sai sự thật về Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế. Việc hình ảnh Đà Nẵng nói chung và Việt Nam nói riêng xấu đi đối với người dân Hàn Quốc sau sự việc được phát sóng trên truyền hình YTN là một bài học lớn cho nước ta. Bộ Văn hoá thông tin cần phải nhanh chóng liên lạc với các cơ quan báo chí nếu có sai sót trong việc truyền bá thông tin; có biện pháp kiện tụng, lên án, phản bác và cung cấp những thông tin chính xác đến các cơ quan truyền thông thế giới, phải nhanh chóng liên hệ với các cơ quan, làm việc với các bộ, ngành của quốc gia đó để cùng đưa ra những thông tin mang tính đóng góp, hỗ trợ và bảo vệ hình ảnh cũng như quyền lợi của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói riêng.
5. Kết luận
Từ năm 2017 cho đến năm 2020, hình ảnh của Đà Nẵng đã được xuất hiện rất nhiều trên các tờ báo, kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng như CNN, Bangkok Post, KBS, YTN và The Guardian. Những danh lam thắng cảnh, những khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, nét ẩm thực, … của Đà Nẵng đã tạo nên hình ảnh rất thân thiện, vui vẻ, gần gũi, tuyệt vời trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó thì một số những thông tin không tốt, tiêu cực, thông tin xấu đã làm ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn bè quốc tế đối với Đà Nẵng. Chính vì vậy hình ảnh Đà Nẵng xuất hiện trên báo chí, truyền hình quốc tế được khai thác đa chiều, sinh động nhưng cũng chân thực, có cả tích cực lẫn tiêu cực trong đó. Trên cơ sở phân tích về hình ảnh của Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế, những phân tích và đánh giá về các tin tức, thông tin của báo chí, truyền hình quốc tế về Đà Nẵng sẽ góp phần giúp cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có một bài học lớn, những phương pháp để có thể phát triển, định hướng cho hình ảnh Đà Nẵng trên báo chí, truyền hình quốc tế trong những năm tới có nhiều sự tích cực, thiện cảm hơn.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu trong nước:
Đức, H. M. (2000). Cơ sở lý luận báo chí - Đặc tính chung và phong cách. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Sơn, D. X. (2005). Giáo trình Báo chí truyền hình. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Dững, N. V. (2007). Cơ chế tác động của báo chí. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân Văn.
Đoá, N. T. (2012). Ảnh báo chí trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
Là, P. T. (2016). Thông điệp về doanh nhân trên báo in dưới góc nhìn văn hoá. Hà Nội: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Thảo, T. T., Liên, N. N., & Vương, N. M. (2014). Phân tích ý kiến của nhận xét tiếng anh dựa trên phương pháp học máy. Tạp chí Khoa học và Công nghệ.(52).
Hà, L. T. (2017). Vấn đề phát triển kinh tế biển đảo Hải Phòng trên sóng truyền hình. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
Hương, N. T., & Quân, T. T. (2017). Nhận thức của du khách về hình ảnh điểm đến du lịch Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, Tập 126. Số 5D. trang 81, 82.
Hương, T. T. (2017). Nghiên cứu các nhân tố tác động đến hành vi mua hàng ngẫu hứng của khách hàng Đà Nẵng khi mua sắm tại siêu thị. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Thiệp, N. V. (2017). Quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình đối ngoại . Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
Thiện, Đ. Đ. (2017). Biên tập viên, phóng viên hạng III. Hà Nội: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
Nhung, N. T. (2018). Hình ảnh doanh nhân Việt Nam trên báo in kinh tế. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.
Hồng, V. T. (2018). Thông điệp bằng ảnh báo chí trên báo Tuổi trẻ năm 2016. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
Bình, B. Q., & Đức, Đ. Đ. (2018). Phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, Tập 127. Số 5A. trang 112, 113.
Khôi, N. H., & Hạnh, L. N. (03,2019). Hành vi truyền miệng của du khách: Vai trò của chất lượng dịch vụ, tình cảm và hài lòng. Tạp chí Khoa học Kinh tế, Số 7.
Nguyên, N. H. (2019). Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt nam qua ký sự truyền hình. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội .
Thuỷ, B. T. (2020). Sản phẩm báo chí truyền thông số thu phí từ người sử dụng (subscriber) và khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn, Hà Nội.
Hướng, H. X., Hạnh, L. N., & Dung, L. T. (2020). Vai trò của thực tế ảo trong quảng cáo du lịch: Một cách tiếp cận từ mô hình SOR. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, Số 1. trang 52 - 54.
Lam, T. V. T. G. (03/2020). Xu hướng phát triển của báo mạng điện tử ở Việt Nam. Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Tập 9, số 6.
Tài liệu nước ngoài:
Stemler, S. (2000). An overview of content analysis (Tổng quát về phân tích nội dung). Practical Assessment, Research, and Evaluation, Vol.7. page 1.
Kotler, P., & Armstrong. (2001). Principles of Marketing (Nguyên lý marketing). New Jersey: Prentice Hall International, Inc.
Lowe, G. F., & Jauert, P. (2005). Cultural Dilemmas in Public Service Broadcasting (Tình huống khó xử về văn hóa trong phát thanh dịch vụ công). Sweden: Nordicom.
Yi, J. H. (2011). Comparison of the interactivity between CNN and YTN: A media analysis on 2 interacting programs "risk's list" and "topic news" (Một phân tích trung gian về 2 chương trình tương tác "danh sách rủi ro" và "tin tức chủ đề"). Ball State University, Muncie.
Indradat, A. (2015). A comparative analysis of the conflict coverage in Bangkok Post and The Nation (Phân tích so sánh về phạm vi xung đột trên Bangkok Post và The Nation). Bournemouth University.
Vincent, E. I. (2016). International Broadcasting as a Tool of International Diplomacy (Phát thanh truyền hình quốc tế như một công cụ của ngoại giao quốc tế). New Media and Mass Communication, Vol.46. page 48, 49.
Nien, H. F., & Ci, H. W. (2017). Application of S-O-R model on study of social media marketing for Taipei 2017 summer universiade (Ứng dụng mô hình S-O-R vào nghiên cứu tiếp thị truyền thông xã hội cho vũ trụ mùa hè 2017 Đài Bắc). National Taiwan University of Arts, Taiwan.
Vuong, N. D. (2019). A study of the decision of choosing Da Nang as a tourist destination for domestic tourists (Nghiên cứu quyết định chọn Đà Nẵng là điểm du lịch của du khách trong nước). Bangkok.
Enrique, M. A., & Karla, B. P. (August, 2021). A Cross-Destination Analysis of Country Image: A Key Factor of Tourism Marketing (Phân tích hình ảnh quốc gia xuyên điểm đến: Yếu tố chính của tiếp thị du lịch). Sustainability, Vol.13, (9529).
(2016). Luật báo chí. Truy cập ngày 12/12/2021, từ: https://thukyluat.vn/vb/luat-bao-chi-2016-44845.html
KBS. (07, 2017). Ba Na Hills, a magical village on the clouds (Bà Nà Hills, một ngôi làng kỳ diệu trên mây). Truy cập từ: https://www.youtube.com/watch?v=V4pHQ58WXVE
Duy, A. (2018). Làm ăn thất bát, Guardian chuyển sang in báo khổ nhỏ để giảm chi phí. Truy cập ngày 04/01/2022, từ: https://congan.com.vn/quoc-te/lam-an-that-bat-guardian-chuyen-sang-in-bao-kho-nho-de-giam-chi-phi_49924.html
Khuyết danh. (2019). Phương pháp phân tích nội dung (content analysis). Truy cập ngày 03/01/2022, từ: https://phuongphapnghiencuu.com/phuong-phap-phan-tich-noi-dung-content-analysis/
Trà, S. (12/2019). Bản sắc văn hoá khác biệt trong hành trình phát triển của Đà Nẵng. Truy cập ngày 02/01/2022, từ: https://thoibaonganhang.vn/ban-sac-van-hoa-khac-biet-trong-hanh-trinh-phat-trien-cua-da-nang-96030.html
Toàn, L. T. (2019). Báo chí với công tác tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Truy cập ngày 13/01/2022, từ: http://mattran.org.vn/hoi-dong-tu-van/bao-chi-voi-cong-tac-tuyen-truyen-hinh-anh-viet-nam-ra-the-gioi-23307.html
Khuyết danh. (06, 2020). Đánh giá hiện trạng một số thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Truy cập ngày 01/10/2022, từ: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/danh-gia-hien-trang-mot-so-thi-truong-khach-du-lich-quoc-te-den-da-nang/
Hải, Q. (06/2020). Kênh truyền hình quốc tế BBC quảng bá du lịch Đà Nẵng. Truy cập ngày 10/01/2022, từ: https://kinhtedothi.vn/kenh-truyen-hinh-quoc-te-bbc-quang-ba-du-lich-da-nang.html
Khuyết danh (2020). Báo chí đối ngoại: Góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Truy cập ngày 16/01/2022, từ: https://www.vccinews.vn/news/29505/bao-chi-doi-ngoai-gop-phan-nang-cao-hinh-anh-vi-the-viet-nam-tren-truong-quoc-te.html
Linh, T. (2020). Tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh CNN. Truy cập ngày 31/12/2021, từ: https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/tiep-tuc-quang-ba-du-lich-viet-nam-tren-kenh-cnn-621052/
Khuyết danh. (03/2021). Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị lớn, thông minh, bản sắc, bền vững. Truy cập ngày 16/01/2022, từ: https://dafo.danang.gov.vn/view.aspx?ID=2740
Việt, T. (12/2021). Đà Nẵng cần làm thêm cầu qua Sông Hàn và hầm xuyên sân bay. Truy cập ngày 05/01/2022, từ: https://plo.vn/do-thi/da-nang-can-lam-them-cau-qua-song-han-va-ham-xuyen-san-bay-1035932.html
Đông, N. (2021). “Hình hài” Đà Nẵng trong 20 năm tới. Truy cập ngày 07/01/2022, từ: https://vnexpress.net/hinh-hai-da-nang-trong-20-nam-toi-4244557.html
VNPT. (2021). Truyền hình internet là gì?. Truy cập ngày 02/01/2022, từ: https://vnpt.com.vn/tu-van/truyen-hinh-internet-la-gi-.html
Thuỷ, P. X. (10/2021). Xu hướng phát triển của báo chí, xuất bản. Truy cập ngày 15/01/2022, từ: https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/xu-huong-phat-trien-cua-bao-chi-xuat-ban-136316
Chung, V. (2021). Xu hướng xã hội hoá truyền hình Việt Nam hiện nay. Truy cập ngày 03/02/2022, từ: https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/xu-huong-xa-hoi-hoa-truyen-hinh-viet-nam-hien-nay-p24564.html
Mai, H. (01/2022). Du lịch Việt Nam lên sóng truyền hình Mỹ. Truy cập ngày 20/01/2022, từ: https://thanhnien.vn/du-lich-viet-nam-len-song-truyen-hinh-my-post1422241.html
KBS. Truy cập ngày 22/12/2021, từ: https://about.kbs.co.kr/eng/index.html?sname=kbs&stype=broadcast
Sun World. Truy cập ngày 23/12/2021, từ: https://banahills.sunworld.vn/gioi-thieu
Bangkok Post. Truy cập ngày 10/01/2022, từ: https://www.bangkokpost.com/
The Guardian. Truy cập ngày 01/02/2022, từ: https://www.theguardian.com/international
KBS World TV. Truy cập ngày 20/01/2022, từ: https://www.youtube.com/channel/UC5BMQOsAB8hKUyHu9KI6yig
YTN News. Truy cập ngày 23/01/2022, từ: https://www.youtube.com/channel/UChlgI3UHCOnwUGzWzbJ3H5w
YTN. Truy cập ngày 08/01/2022, từ: https://www.ytn.co.kr