Năm 2020, Quách Duy Thịnh phải nghỉ việc khi khu du lịch nơi Thịnh làm việc tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Về quê, với kinh nghiệm 7 năm trong ngành Du lịch, Thịnh quyết tâm vay vốn ngân hàng để mở “Homestay Maison du Bays de Ben Tre” ngay tại ngôi nhà mà Thịnh và bà nội đang sinh sống.
Thịnh kể: “Trong thời điểm dịch Covid – 19, mình nhận thấy nhu cầu khách du lịch có nhiều thay đổi, loại hình du lịch Homestay sẽ phù hợp. Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành Du lịch, mình mong muốn phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng và quyết tâm thực hiện. Thời điểm đó, vừa mở ra được 3 tháng, đón 119 khách du lịch thì gặp ngay tâm điểm dịch phải nghỉ ròng 8 tháng. Để duy trì, mình phải làm đủ thứ nghề để sinh sống và trả nợ ngân hàng. May mắn, sau dịch bệnh, du lịch bắt đầu phục hồi nên điểm du lịch này duy trì, phát triển cho tới nay”.
Con đường dẫn đến homestay của Thịnh mát mắt bởi màu đá xanh, hai bên là hai hàng dừa xanh mướt. Không gian từ những cây dừa, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân chính là điểm nhấn để Thịnh phát triển du lịch cộng đồng. Vừa vào cổng căn nhà cấp 4 là không gian mang đặc trưng của vùng quê Bến Tre được Thịnh tỉ mỉ thiết kế. Xung quanh là những bó lá dừa dùng để nhóm bếp, cối xay bột bằng đá, những dụng cụ bắt cá bằng tre cùng bàn ăn được sắp xếp hài hòa tạo không gian bình dị, gần gũi. Điều đặc biệt, khách du lịch đến đây sẽ được chăm chút từng chi tiết nhỏ với các món ăn, vật dụng sử dụng sao cho giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường. Ống hút uống nước dừa là cỏ bàng, thức ăn được lót bằng lá chuối…
Khách du lịch đến, Thịnh thiết kế tour hoàn toàn từ tài nguyên bản địa như: đạp xe trong vườn dừa, tham quan vườn ca cao, bơi xuồng, thăm nhà thờ La Mã tại địa phương… Đồng thời, thưởng thức những món ngon từ đồng quê cho chính tay bà nội và mấy cô của Thịnh chế biến. Năm 2022, Homestay của Thịnh đón hơn 1.000 khách du lịch, trong đó 80% là khách nội địa. 3 tháng đầu năm 2023, Thịnh đã đón 620 lượt khách du lịch với 469 khách lưu trú.
Một ngày đầu tháng 5/2023, sớm tinh sương, Thịnh cùng bà nội và 2 người hàng xóm đã tất bật chuẩn bị các món ăn để đón Đoàn 5 du khách Pháp đến đây trải nghiệm tour. Thịnh cho biết: “Khách đến đây sau khi trải nghiệm đạp xe, bơi xuồng, tham qua vườn dừa, ca cao… hết 1 buổi sẽ trở về đây ăn uống. Cơ sở mình sẽ chuẩn bị các món ăn dân dã của địa phương để du khách thưởng thức. Đặc biệt, bà nội mình (76 tuổi) trực tiếp làm món bánh khọt truyền thống cho du khách xem và thưởng thức tại chỗ”.
Nhờ có khách du lịch, Thịnh đã tạo việc làm cho 5 lao động là người dân địa phương. Ông Lê Thành Rum (Sinh năm 1974, ngụ ấp Hưng Hòa A, xã Thạnh Phú Đông) trước đây chăn nuôi bò và làm vườn tại địa phương. Hơn 1 năm nay, ông Rum trở thành hướng dẫn viên du lịch cùng đạp xe và chỉ dẫn cho du khách giúp ông có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.
Ông Rum tâm sự: “Bản thân tui chỉ học hết cấp 2, cuộc đời làm nông dân không bao giờ nghĩ một ngày mình trở thành hướng dẫn viên du lịch. Bây giờ, ngoài công việc làm nông, khi có khách du lịch là tôi cùng đạp xe dẫn khách tham quan cảnh đẹp ở quê. Tôi ăn nói không chuyên nghiệp do chưa được đào tạo bài bản nhưng chất giọng của nông dân biết gì nói nấy khách du lịch lại rất thích”.
Để phát triển du lịch cộng đồng, Thịnh cùng 4 hộ dân hộ dân kết nối, khai thác tối đa tài nguyên bản địa với những vườn cây ăn trái, cảnh đẹp sông nước vùng quê. Hợp tác với Thịnh, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) đưa 1,5ha dừa xen ca cao vào làm du lịch. Ông Cường cho biết: “Trước đây, gia đình trồng ca cao xen trong vườn dừa nhưng hiệu quả không cao, bán giá khá thấp. Năm 2016, do đợt hạn mặn kéo dài làm vườn ca cao bị chết rất nhiều, cả khu vườn chỉ còn gần 200 cây. Số lượng ít, thu hoạch khó tiêu thụ nên gia đình dự định đốn bỏ. Cách đây gần 2 năm, Thịnh đến đây đặt vấn đề liên kết đưa khách du lịch đến tham quan nên tôi mới giữ lại vườn ca cao cho tới nay”.
Hôm chúng tôi đến nhà ông Cường, có nhóm nước ngoài đến đây tham quan vườn dừa xen ca cao, trải nghiệm nghề nuôi ong, nuôi dê, thỏ của gia đình. Ông Cường dẫn khách du lịch tham quan, thông qua phiên dịch để giới thiệu nghề nuôi ong, quy trình canh tác dừa, ca cao theo hướng hữu cơ. Khách du lịch rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến những thùng nuôi ong mật, được tự tay hái trái ca cao, cho đàn dê ăn. Sau khi tham quan, khách du lịch sẽ thưởng thức món ca cao tươi ngay tại vườn. Ông Cường chia sẻ: “Nhờ có khách du lịch nên tôi bán ca cao tươi tại chỗ với giá 25.000 đồng/ly khỏi phải lo đầu ra như trước đây. Hai vợ chồng vừa chăm sóc vườn, chăn nuôi và có thu nhập từ khách du lịch nên cuộc sống rất ổn định”.
Được biết, mô hình du lịch của Thịnh là một trong những mô hình dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Dự án khởi nghiệp của Thịnh đã đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức và đạt giải Khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực.
Nói về dự định sắp tới, chàng trai trẻ chia sẻ, cậu dự định thuê 500 m2 đất cập bên nhà để thiết kế không gian đặc trưng của vùng đất Bến Tre như cây rơm, bó củi, tàu dừa… giúp cho du khách có cảm giác thoải mái khi đến đây tham quan, nghỉ ngơi. Đồng thời, tìm hiểu, liên kết với nhiều hộ dân khác nhằm giúp mô hình du lịch cộng đồng của mình ngày càng phong phú và phát triển bền vững.