Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường ngách và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách.

Đây là thông tin được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022”.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, 10 tháng vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại nước ta đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Nổi bật là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD. An ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7,5-8,2%.

Những kết quả đạt được cho tới tháng 10 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp còn có sự nỗ lực cao độ của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

cuc-xuctieens-1667290794.jpg
“Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú đánh giá,, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước. Do đó, thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam.

Chia sẻ về chính sách thương mại mới tại Maroc – thị trường tiềm năng ở khu vực Tây Bắc Châu Phi, ông Nguyễn Quốc Chính, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc (kiêm nhiệm Ghi-nê, Bê-nanh, Cốt-đi-voa, Buốc-ki-na-pha-sô) - cho biết, ngày 19/10, do các lo ngại về tình trạng thiếu thịt đỏ tại thị trường trong nước, Hội đồng Chính phủ Ma rốc đã thông qua dự thảo Nghị định số 2.22.818 đình chỉ việc thu thuế nhập khẩu đối với gia súc nhập khẩu trong nước có trọng lượng từ 550 kg trở lên,với hạn ngạch 200.000 con. Để được hưởng lợi thế về thuế quan này, các nhà nhập khẩu phải xuất trình Giấy đề nghị miễn thuế hải quan (DFD) do Bộ Công Thương nước này cấp. Biện pháp này áp dụng cho giai đoạn từ ngày 21/10/2022 đến ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, có một số sửa đổi về thuế được đề xuất thực hiện trong năm 2023 như giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 2,5% đối với cà phê chưa rang; giảm thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm đầu vào để sản xuất bộ lọc cho xe ô tô…- ông Nguyễn Quốc Chính thông tin thêm.

Còn đối với thị trường ở khu vực châu Phi mà hàng Việt có nhiều cơ hội thúc đẩy hàng hóa là Bờ Biển Ngà, ông Nguyễn Quốc Chính cho hay, đây là một quốc gia thuộc Tây Châu Phi, với dân số gần 26,5 triệu người, đây là quốc gia có có sức tiêu thụ hàng hóa khá mạnh, trong khi tiêu chuẩn sản phẩm không quá khắt khe, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được Bờ Biển Ngà đánh giá là sản phẩm trung cấp, có nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhiều mặt hàng từ Việt Nam. “Mặc dù có nhiều tiềm năng và doanh nghiệp Bờ Biển Ngà cũng rất chủ động tìm kiếm cơ hội giao thương với Việt Nam, song do địa lý xa xôi, chưa có đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bờ Biển Ngà nên hai bên cảm thấy rủi ro trong thanh toán. Mặt khác, văn hóa kinh doanh tại Bờ Biển Ngà rất coi trọng giao tiếp trực tiếp, họ ngại ngần làm việc qua email”- ông Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cả ở hiện tại và trong tương lai, ông Phùng Văn Thành, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin, hiện nay, Philippines có Tổng thống mới rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong nước, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi Việt Nam xuất khẩu vào Philippnes chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên.

Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến các thị trường mới, thị trường ngách, các chuyên gia cho rằng, tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU – cho hay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường... Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch.

Mặc dù, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải, chanh leo…. Tuy nhiên, ông quân lưu ý vẫn còn nhiều lô hàng thực phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hoặc có vấn đề về xuất xứ. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU.

Đông Nghi