Quảng cáo #128

Hàng trăm ha tiêu ở Bình Phước bị bệnh gây hại

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bình Phước, thời điểm này cây tiêu đang bước vào giai đoạn nuôi trái, nhưng tại nhiều địa phương xuất hiện một số bệnh như: chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, thán thư gây hại..., gây hại hàng trăm ha tiêu của nông dân trên địa bàn.

Cụ thể, bệnh chết chậm đã lây lan cho 704 ha tiêu chủ yếu tại thị xã Bình Long, huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập. Bệnh tuyến trùng gây hại cho 661 ha tiêu tại thị xã Bình Long, huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Bệnh thán thư gây hại cho 158 ha tiêu tại các huyện Lộc Ninh, Phú Riềng và Bù Đăng. Bệnh chết nhanh gây hại cho 101 ha tiêu, tập trung chủ yếu ở thị xã Bình Long, huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng.

Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, bệnh chết nhanh trên cây tiêu nguyên nhân là do nấm phytophthora spp gây ra. Triệu chứng ban đầu là các chóp rễ bị biến màu nâu nhạt sau chuyển sang nâu đen, mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng, mạch dẫn dây thân tiêu bị thâm đen. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối.

Đối với bệnh chết chậm, nguyên nhân do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra. Tuyến trùng và nấm gây hại làm cho hệ rễ tơ và rễ chùm bị u sưng, thối rễ chỉ còn rễ cọc nên khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước bị giảm mạnh, từ đó gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc, quá trình này lặp lại trong 2 - 3 năm làm cho cây hồ tiêu tàn lụi.

ttxvn1810-hat-tieu-1635340706.jpeg
Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với vườn hồ tiêu trồng trong vườn cà phê tuân thủ theo quy trình trồng xen; trong đó, chú trọng một số biện pháp liên quan trực tiếp đến bệnh chết nhanh, chết chậm như chọn trồng các giống tiêu có năng suất cao, ít nhiễm bệnh như giống tiêu trung lá lớn, tiêu trung lá vừa, tiêu sẻ lá lớn; chỉ sử dụng hom giống khỏe từ những cây không bị bệnh; nguồn đất làm bầu lấy từ vườn không bị bệnh, phơi hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật có ích.

Khi vườn tiêu bị mắc bệnh, đối với tiêu bị bệnh ở mức độ nhẹ thì áp dụng các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để cây ra rễ mới, tăng sức đề kháng với bệnh. Đối với những trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết, cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh đồng ruộng; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại.

Bình Phước được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước với diện tích gần 16.000 ha, sản lượng đạt gần 30.000 tấn. Trong các niên vụ 2018 - 2019 và 2019 - 2020, nhiều diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn Bình Phước xảy ra tình trạng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Tại huyện Bù Gia Mập, trong niên vụ 2019 - 2020 bị thiệt hại nặng nhất với 1.100 ha diện tích cây tiêu bị chết, riêng xã Đăk Ơ của huyện này có 875 ha hồ tiêu chết do mắc bệnh.

Trước những thiệt hại của nông dân trồng tiêu, trước đó vào tháng 5/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chính sách hỗ trợ nông dân có tiêu trồng bị chết với tổng diện tích hỗ trợ 1.658 ha, kinh phí hỗ trợ 8,2 tỷ đồng./.