Hàng Tết dồi dào giá cả ổn định, các địa phương chủ động triển khai bình ổn giá

Sức mua dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với ngày bình thường, song nhờ phát huy hiệu quả các chương trình bình ổn, tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn cơ bản ổn định, giúp người dân yên tâm mua sắm.
thi-truong-hang-hoa-e-tet-03-1707277598.jpg
Các địa phương chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa dịp Tết. (Ảnh minh họa)

Xã hội hóa bình ổn giá không sử dụng vốn ngân sách

Trong các ngày 5 và 6-2, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa và các hoạt động triển khai phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.

Tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 10/7/2023 thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 để bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 5/2024.

Ngoài ra, Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 32 đơn vị tham gia Chương trình, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết), bao gồm: Gạo 292,95 nghìn tấn; thịt lợn 58,5 nghìn tấn; thịt gia cầm: 19,5 nghìn tấn; thịt bò: 16,2 nghìn tấn; trứng gia cầm 390 triệu quả; rau củ 325,5 nghìn tấn; trái cây 157 nghìn tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với thực hiện Tết 2023).

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết các siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu của người dân. Đáng chú ý, chủng loại, mẫu mã hàng Việt Nam rất tốt và xuất hiện nhiều trên các giá kệ của các siêu thị.

“Hàng Việt đang chiếm ưu thế trong dịp Tết Nguyên đán năm nay khi tại các siêu thị tỷ lệ hàng Việt đạt trên 90%. Mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, giá hợp lý hơn,” bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

thi-truong-hang-hoa-e-tet-02-1707277637.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (thứ ba từ trái sang) cùng Đoàn Công tác kiểm tra hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đà thực hiện hiệu quả của những năm trước, năm nay Thành phố thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Theo thống kê, tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.

Chủ động những mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu Tết

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, trong đó tập trung chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.

Bộ Công Thương cho biết thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa.

Đồng thời, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

thi-truong-hang-hoa-e-tet-04-1707277575.jpg
Các địa phương chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa dịp Tết. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của các địa phương (đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2024), công tác chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu... Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình. Một số địa phương như: Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Cũng theo báo cáo của các địa phương, nguồn cung hàng hoá dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.

Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đều có sự tham gia nhiệt tình, có hiệu quả nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Aeon…; Một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, C.P Việt Nam, Ba Huân…

“Với kinh nghiệm nhiều năm triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường cùng với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Công Thương và các doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết”, đại diện Bộ Công Thương cho hay./.

Bình Châu