Hạn chế thiệt hại trong khai thác khoáng sản mùa mưa bão

Mùa mưa bão, tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do sự cố sạt lở đất, đá, sạt trượt bãi đổ thải. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Công văn số 4172/UBND-NNTNMT chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản trong mùa mưa lũ.

UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản khẩn trương rà soát, kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ sạt lở của hồ chứa thải, hồ chứa thải quặng đuôi trong khai thác, chế biến khoáng sản; các bãi chứa thải; các đường lò vận chuyển, lò khai thác, moong khai thác...

Chủ động chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư và chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố khẩn cấp do thiên tai gây ra, nhất là sự cố về sụt lún, sạt lở đất, tràn, vỡ đập, hồ chứa thải... Khai thác khoáng sản đúng theo thiết kế đã lập, phê duyệt, đảm bảo quy trình, kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ, an toàn điện, an toàn hồ đập; phải có biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động; thường xuyên thực hiện việc kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các khu vực khác có liên quan, đảm bảo an toàn, trật tự mỏ.

khai-thac-mo-da-1656733077.jpg
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản mùa mưa bão

Trường hợp công trình khai thác, chế biến khoáng sản có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản, các phương tiện liên lạc khẩn cấp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện để xử lý, khắc phục kịp thời theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong quá trình xử lý các sự cố về sụt lún, sạt lở đất, tràn, vỡ đập, hồ chứa thải... để đảm bảo an toàn cho người, tài sản, môi trường.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; các Sở Công Thương, NN&PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, TN&MT và UBND các huyện, thành phố thường xuyên bám sát tình hình, chủ động cử lực lượng và hỗ trợ các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản về kỹ thuật, thiết bị để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố về sạt lở, sập, sụt lún…

Đồng thời, chủ động rà soát, cập nhật và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn, cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt khi có mưa, mưa to, mưa kéo dài nhiều ngày.

Theo kết quả công tác điều tra địa chất, tỉnh Bắc Kạn có trên 270 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm: Khoáng sản nhiên liệu; khoáng sản kim loại có khoáng chất công nghiệp (đá vôi xi măng, sét xi măng, đá vôi trắng, dolomit, pyrit, barit, graphit và thạch anh tinh thể, đá ốp lát); vật liệu xây dựng thông thường khá phổ biến như đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét làm gạch, ngói; cát, sỏi.

Tính đến tháng 10/2021, Bắc Kạn có 50 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, trong đó, có 35 mỏ đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân xung quanh.

Nhằm bảo đảm an toàn tại các điểm khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc chủ động ứng phó đối với sự cố môi trường, lũ quét và sạt lở đất. Các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất an toàn phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế người dân qua lại, đồng thời có phương án thiết kế, gia cố, bảo đảm an toàn…