Trước đó, Tối 18/9, tại Tam quan đền Kiếp Bạc, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 724 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Quốc Công Tiết Chế - Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn và Khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Tới dự Lễ tưởng niệm có đồng chí: Khăm Phăn Sit Thị Đăm, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn (nước CHDCND Lào). Đại biểu Trung ương có các đồng chí: Hoàng Đạo Cương, Thứ Trưởng Bộ VHTTDL; Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc Hội; Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại biểu đại diễn lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, sở VHTTDL các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định.
Diễn văn tại lễ tưởng niệm do đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vạn Kiếp là vùng địa quân sự, địa văn hóa, địa kinh tế của Chí Linh, của Hải Dương và cả nước. Nơi đây, mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, rồng chầu hổ phục, sông núi linh thiêng, trời bày đất dựng, hình thế hiểm yếu, đắc địa phong thủy.
Với vị thế chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc” của vùng đất này, bằng nhãn quan thiên tài quân sự của mình, sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất (1285), Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp để tập trung binh lực xây dựng quân doanh, đưa Vạn Kiếp trở thành trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn ra Biển Đông, tạo thế trận đánh giặc Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).
Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn sinh năm Mậu Tý (1228), thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Là tướng tài, lại biết giữ gìn rường cột nước nhà, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để lại tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, đời đời kính phụng. Dưới tài chỉ huy thao lược của Quốc Công Tiết Chế, quân dân Đại Việt đã bừng bừng khí thế “Sát Thát” đã ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông hung tàn, giành thắng lợi lẫy lừng, bão vệ toàn vẹn bờ cõi đất nước.
Trong các chiến thắng vang dội ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang đều ghi dấu công lao to lớn của Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương. Những chiến thắng đó, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về tài năng chỉ huy của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, của các Vua Trần và tinh thần hào khí của quân dân Đại Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đúng 22 giờ đêm 18/9, đại diện Ban Tổ chức lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, các chức sắc tôn giáo, bô lão tiến hành tại nhà Bạc trong khuôn viên đền Kiếp Bạc. Ban Tổ chức thành kính dâng hương, hoa, vật phẩm, thực hiện khóa lễ cúng Đức Thánh Trần và khai ấn theo nghi thức truyền thống. Mặc dù nghi lễ diễn ra vào ban đêm song có rất đông Nhân dân và du khách thập phương đã tề tựu kính lễ và mong muốn tận tay nhận được phù ấn của Đức Thánh Trần.
Hiện nay, đền Kiếp Bạc còn lưu giữ 4 phù ấn của Đức Thánh Trần bằng đồng. Ấn thứ nhất có hình vuông (kích thước 10 x 10 cm), trên khắc chữ "Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn" (được hiểu là ấn của Hưng Đạo vương triều Trần). Đây là ấn phù quan trọng nhất, nội dung thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho.
Ấn thứ hai hình vuông (kích thước 5,5 x 5,5 cm), trên khắc chữ "Quốc pháp Đại Vương" (được hiểu là ấn phù của Quốc pháp Đại vương hoặc Đại vương giữ phép nước), cầu Đức Thánh ban sức mạnh uy quyền, bắt mọi thế lực phải tuân theo luật pháp.
Ấn thứ ba cũng có hình vuông (kích thước 4,3 x 4,3cm), trên khắc chữ "Vạn Dược linh phù" (được hiểu là phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược). Dược là thuốc chữa bệnh. Đây là phù ấn linh thiêng cứu giúp mọi người được sống mạnh khỏe, không bệnh tật...
Ấn thứ tư là ấn duy nhất có hình chữ nhật (kích thước 5,2 x 7,8 cm), trên khắc chữ "Phi thiên thần kiếm linh phù" (được hiểu là phù ấn linh thiêng của Phi thiên thần kiếm), cầu bình an, sát quỷ trừ tà.
Sau lễ khai ấn, các bô lão và đại diện Ban Tổ chức đã tổ chức ban ấn cho Nhân dân và du khách thập phương. Mỗi người khi nhận được ấn đều bày tỏ niềm phấn khởi và hy vọng sẽ nhận được sự phù trợ của Đức Thánh Trần. Đây là một trong những nghi lễ đặc sắc cổ truyền và được người dân luôn mong chờ mỗi khi đến với Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Nghi Lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc là một trong những nội dung được phục dựng thành công trong Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010. Mỗi năm diễn ra Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, Lễ khai ấn, ban ấn luôn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia./.