Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm thương mại khách sạn BMC Hà Tĩnh và kết nối trực tuyến với 300 điểm cầu thông qua phần mềm VNPT Meeting và ZOOM Meeting đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tham gia hội nghị có các nhà vườn, các HTX, doanh nghiệp… có tham gia sản xuất và tiêu thụ cam tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà.
Thời gian qua, việc tiêu thụ cam chủ yếu là các thương lái đến thu mua trực tiếp tại vườn hoặc phân phối đến các điểm bán nhỏ lẻ. Việc xúc tiến để phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tạo đầu ra bền vững vẫn còn khá hạn chế.
Các nhà vườn, Công ty, HTX trồng cam đã mang những sản phẩm cam chất lượng tốt nhất tới hội nghị để giới thiệu đến nhà phân phối và người tiêu dùng cả nước, với mong muốn góp phần quảng bá và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cam Hà Tĩnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, có 5 gian hàng trưng bày cam, gồm của 4 huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc và Hội Nông dân tỉnh. Theo đó, mỗi huyện sẽ lựa chọn 2 cơ sở sản xuất, phân phối sản phẩm cam trên địa bàn tham gia hội nghị và trưng bày.
Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào hội nghị này. Đây là cầu nối quan trọng để quảng bá thương hiệu đặc sản cam Hà Tĩnh với người tiêu dùng toàn quốc.
Mùa cam năm nay, HTX có 70 ha cam cho thu hoạch với năng suất đạt hơn 10 tấn/ha. Đến nay, chúng tôi đã thu hoạch và bán gần 100 tấn cam. Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, quy trình chăm sóc theo đúng kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm cam của HTX luôn được khách hàng đánh giá cao”.
Bước vào đầu vụ cam, sở Công thương Hà Tĩnh đã kết nối với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), siêu thị Vinmart, Vinmart+ và siêu thị Co.opmart đi khảo sát trực tiếp các vườn cam trên địa bàn để kiểm tra tiêu chuẩn, kết nối vào hệ thống siêu thị trên cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Lan - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê cho biết: Sau khi Sở Công thương có văn bản đề nghị địa phương lựa chọn cơ sở tham gia hội nghị và trưng bày gian hàng, chúng tôi đã rà soát và chọn 2 đơn vị vừa sản xuất, vừa phân phối, có đủ điều kiện và sản phẩm đạt chất lượng tham gia hội nghị. Các cơ sở đã có sự chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo chất lượng, mẫu mã để trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích trồng cam đạt trên 7.700 ha, chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà. Diện tích cho sản phẩm thu hoạch đạt gần 5.600 ha với tổng sản lượng cam năm nay ước đạt 65.000 tấn. Trong đó, diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha.
Những năm trước, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được tổ chức thành công với quy mô 80 - 100 gian hàng trưng bày. Lễ hội diễn ra trong 3 - 4 ngày, không chỉ giúp các nhà vườn quảng bá, tiêu thụ cam mà còn tạo không gian cho người dân, du khách tham quan mua sắm.
Năm nay, do điều kiện dịch bệnh COVID-19, hội nghị xúc tiến tiêu thụ cam được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các doanh nghiệp, nhà vườn với các bộ, ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp phân phối lớn nhằm hỗ trợ quảng bá, mở rộng kênh phân phối cho bà con Nhân dân.
Đây là cơ hội lớn để truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm cam đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước; đồng thời cũng là dịp để cơ sở trồng cam Hà Tĩnh phát triển, cung ứng ra thị trường sản phẩm hàng hóa chất lượng cao./.