Bảo vật vua ban
Với người dân xã Phú Gia, mỗi năm họ lại mong chờ đến ngày Khai Hạ để tham dự lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi ban.
Đây là lễ hội truyền thống của người dân trên địa bàn xã Phú Gia nói riêng và người dân huyện Hương Khê nói chung trong những ngày đầu năm mới. Lễ hội diễn ra hằng năm, được tổ chức vào sáng mồng 7 tháng Giêng. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm cung kính, phần hội tổ chức vui vẻ náo nhiệt.
Vào ngày này, từ người già đến người trẻ, đều dậy từ rất sớm để đến nhà cố đạo chủ, giúp gia chủ cùng chính quyền địa phương để tổ chức lễ hội rước sắc.
Theo các cố đạo (người được dân làng tin tưởng giao trông coi và bảo vệ bảo vật) tại đây truyền lại rằng: Năm 1885, sau khi thất thủ tại kinh thành Huế, vua Hàm Nghi được tướng quân Tôn Thất Thuyết và các đại thần “hộ giá” Bắc tiến ra vùng đất Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh để xây dựng phòng tuyến, củng cố lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau gần 2 tháng trèo đèo, lội suối, đoàn xa giá của vua đã đặt chân đến Thành Sơn Phòng, dưới chân núi Giăng Màn, thuộc xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Biết tin vua về vùng đất Hương Khê, các tướng Phan Đình Phùng (ở huyện Đức Thọ) và Cao Thắng (ở huyện Hương Sơn) đã kéo quân đến gia nhập, giúp vua chống giặc.
Tương truyền, trong khoảng thời gian hơn 3 tháng đóng quân tại thành Sơn Phòng, đêm 20/9/1885, khi vua Hàm Nghi vừa chợp mắt thì có một nữ tiên từ trên trời giáng xuống báo mộng cho vua là quân giặc đang kéo đến vây bắt. Bừng tỉnh dậy, vua đã rung chuông, tập hợp quần thần lại thông báo giấc mơ của mình với nội dung: "Quân bạch quỷ (giặc Pháp) đang theo kịp chân Trẫm.
Việc này do Trẫm định liệu. Nhưng nếu Trẫm còn trú ngụ nơi đây thì muôn dân lành sẽ bị bọn phiến loạn sát hại". Sau đó, vua đã ban sắc chỉ để ghi công nữ tiên và từ đó đền Trầm Lâm (cách thành Sơn Phòng - nơi vua đóng quân khoảng 1km) trở thành đền Muội Thiên Hiện (người con gái trời giáng xuống trần) - đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm như ngày nay.
Mong đến ngày để được tận mắt chứng kiến bảo vật
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: “Bảo vật vua Hàm Nghi đã ban tặng cho người dân xã Phú Gia chúng tôi là: 2 con voi bằng vàng ròng, 1 con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, áo hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen. Tất cả những món đồ do vua ban tặng được nhân dân xã Phú Gia coi như báu vật và từ đo đến nay họ thay nhau giữ bảo vật”.
Vào ngày Khai Hạ (mồng 7 tết), các báu vật vua ban sẽ được rước từ ngôi nhà của cố đạo chủ ra di tích để làm lễ, rồi được rước tới nhà bàn giao cho cố đạo chủ mới. Lễ hội rước sắc phong của vua Hàm Nghi hàng năm là để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu …
Cứ 2 năm một lần, ban quản lý khu di tích và chính quyền địa phương lại họp bàn để tuyển chọn tân cố đạo chủ. Tiêu chuẩn của tân cố đạo phải là những người trên 65 tuổi, có học thức, am hiểu về lễ tế, lịch sử hình thành của di tích, có uy tín với bà con nhân dân, đạo đức, gia phong phải nề nếp.
Đặc biệt, người được chọn làm tân cố đạo chủ phải song tuyền (có đầy đủ cả ông, bà). Trước khi tiếp nhận, tân cố đạo chủ phải làm lễ xin các bề trên (dùng đồng tiền xu 2 mặt sấp và ngửa để gieo quẻ) và khi được “bề trên” chấp nhận mới được phép tiếp nhận.
Hằng năm, đến ngày tổ chức lễ hội, có hàng ngàn người, là người dân địa bàn xã Phú Gia và một số xã lân cận…tham gia lễ hội rất đông vui náo nhiệt. Sau khi làm lễ xong. 3 chiếc kiệu được rước đi khắp làng, mỗi chiếc kiệu được 08 thanh niên trai tráng trong làng rước trên vai đi khắp làng, sau đó đến nhà cố đạo chủ mới.
Anh Lê Xuân Sang - cán bộ văn hóa xã Phú Gia cho biết: “Trong xã, già trẻ, gái trai ai ai cũng rất tự hào về báu vật vua ban. Các thế hệ con cháu lớn lên đều được nghe câu chuyện về những đạo sắc của Vua Hàm Nghi, coi đó là bài học giáo dục sâu sắc. Không chỉ những người được giao trọng trách làm Cố đạo chủ, thế hệ trẻ trong làng đều trân trọng và góp sức gìn giữ, phát huy các giá trị của đạo sắc trong đời sống”.
Cố đạo chủ đương nhiệm là ông Trần Văn Nhung. Ông Nhung chia sẻ: “Được chọn làm Cố đạo chủ là một vinh dự lớn đối với tôi và gia đình. Trong nhà, cả vợ và các con tôi đều lo chu tất việc thờ phụng nhà vua và báu vật vua ban. Tôi nghĩ, nếu mình chăm lo chu tất thì sẽ được nhà vua phù hộ, độ trì cho quốc thái dân an, đất nước, tỉnh nhà phồn vinh, xã nhà ngày càng phát triển. Mình làm tốt thì Cố đạo chủ kế tiếp cũng sẽ nỗ lực làm tốt”.
Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm, xã Phú Gia được bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia./.