Hà Tĩnh: Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Với phương châm giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí tăng hiệu quả trong sản xuất, thời gian qua, nông dân Hà Tĩnh đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng máy cấy, sử dụng "máy bay" để phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ cho đồng ruộng.
z5269464174879-6663f36191ca362fdab0dfb8d12c2aee-1712669602.jpg
Đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất Nông nghiệp tại Hà Tĩnh.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Tại Hà Tĩnh cùng với cuộc cách mạng ruộng đất đang được thực hiện quy mô ở các huyện trọng điểm sản xuất lúa như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ… Là công cuộc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian này, người nông dân trên các địa phương tại Hà Tĩnh đang tập trung chăm sóc bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa cho lúa Xuân.

z5269464179777-c84065dd92005702dfc909422629d31e-1712669711.jpg
Người dân tại xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc tròng trừ sâu bệnh.

Vào thời điểm này, trên những cánh đồng rộng mênh mông sau chuyển đổi ruộng đất, không còn thấy hình ảnh bà con nông dân vất vả thực hiện công đoạn bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh này. Mà thay vào đó là hình ảnh chiếc máy bay không người lái bay lượn trên cánh đồng lúa “nhả” thuốc, “nhả” phân. Vụ lúa Xuân năm nay, người dân xã Tân Lộc huyện Lộc Hà đã sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc lúa.

Theo bà con nông dân, đây là năm đầu tiên người dân thuê máy phun thuốc, chăm sóc lúa. Việc phun thuốc, bón phân cho lúa được thực hiện bằng máy bay nên người nông dân nhàn nhã hơn, vừa nhanh lại vừa kinh tế.

Xã Tân Lộc là địa phương đầu tiên của huyện Lộc Hà cũng như của tỉnh Hà Tĩnh sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật đại trà cho đồng ruộng.

Anh Nguyễn Đình Vệ (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà), chủ nhân chiếc máy bay không người lái cho biết: Tôi từng làm công nhân của một công ty chuyên phun hóa chất và phân bón bằng máy bay không người lái quy mô lớn cho sầu riêng, cao su, lúa... ở các tỉnh Nam Bộ. Vừa rồi, nghe tin ở quê và các xã lân cận đã chuyển đổi ruộng đất thành ô thửa lớn nên tôi đã mạnh dạn mua một bộ thiết bị gồm: máy bay, pin, bảng điều khiển, máy phát điện dự phòng.... Ban đầu, tôi phục vụ ruộng của gia đình, người thân, các hộ già cả trong thôn. Khi thấy hiệu quả tốt thì nhiều người đã đặt lịch thuê liên tục và máy đã phát huy tốt hiệu quả.

z5269464182163-c80454ea5bb098f00ed4937db3c69f5d-1712669638.jpg
Chuẩn bị máy để phun thuốc tròng trừ sâu bệnh cho lúa Xuân 2024 tại Hà Tĩnh.

Bước vào vụ sản xuất lúa Xuân năm 2024, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã áp dụng sản xuất mạ khay để cấy máy. Trung bình mỗi huyện đã thực hiện cấy máy khoảng 10 ha.

Anh Nguyễn Đình Bình (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc) chia sẻ: Sau chuyển đổi ruộng đất, gia đình tôi nhận 2 ha ruộng sản xuất lúa. Vì gia đình khá neo người, không có nhiều thời gian chăm sóc đồng ruộng nên vừa rồi tôi đã thuê anh Vệ dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu và diệt ốc bươu vàng.

Bà Võ Thị Thanh Hòa - Gám đốc HTX Trung Hòa, đơn vị hiện liên kết để gieo và cấy lúa bằng máy cho bà con tại Hà Tĩnh cho biết: Năm nay, các địa phương đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, nên tạo thuận lợi cho việc áp dụng máy cấy vào sản xuất. Chính vì vậy, diện tích đăng ký sản xuất mạ khay cũng tăng lên. Đến vụ sản xuất lúa Xuân năm 2024, HTX đã sản xuất được gần 10.000 khay mạ, để cung cấp cho các địa phương cấy trên diện tích khoảng 40 ha. Con số này dự kiến sẽ tăng lên nhiều trong những vụ sản xuất tới.

z5269464190403-b605782e46f96cfd16d408c0c0ac81a6-1712669638.jpg
Lân đầu tiên tại Hà Tĩnh, người dân sử dụng máy bay không người lái phục vụ sản xuất.

Còn ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp từ thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa, huyện Cẩm Xuyên đã tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương ngoài áp dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm rạ sau thu hoạch, gần đây, huyện đang triển khai xây dựng mô hình sản xuất mạ khay, sử dụng máy cấy sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tạo sự liên kết và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp.

Giải phóng sức lao động, giảm chi phí

Với thiết bị máy bay không người lái, mỗi ngày, anh Nguyễn Đình Vệ phun được 10 ha cho người dân. Với chi phí dịch vụ 350 nghìn đồng/mẫu, sau khi trừ khấu hao máy móc, nhân công, nhiên liệu... anh Vệ lãi khoảng 180 nghìn đồng/mẫu.

Anh Nguyễn Đình Vệ chia sẻ thêm: Hiện nay, tôi đã nỗ lực để phục vụ tối đa nhu cầu của bà con, dự định xong vụ Xuân này sẽ thành lập một đội bay (khoảng 2 - 3 máy) và liên kết với Công ty Máy bay nông nghiệp Việt Nam (Nicotex Fly) chi nhánh Bình Dương để hỗ trợ kỹ thuật, máy móc. Ngoài làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, tôi sẽ mua thêm thiết bị để phục vụ gieo lúa và bón phân để đáp ứng nhu cầu của bà con trong xã và có thể mở rộng ra các xã lân cận đã chuyển đổi ruộng thành ô thửa lớn.

z5178487991722-1ff5cd1cbc919ef32d490c172664ceff-1712669875.jpg
Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu.

Nguyễn Đình Bình (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) so sánh: Với 2 ha ruộng sản xuất lúa của gia đình tôi khi dùng máy này, tôi thấy rất nhiều tiện ích như: người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nên không ảnh hưởng sức khỏe. Không đi lại trên ruộng lúa nên không gây hư hại, làm đổ gãy cây trồng. Thuốc trừ sâu được phun đều khắp mặt ruộng. Thời gian phun rất nhanh, chi phí sản xuất giảm khoảng 1/3 so với làm thủ công...

Theo tính toán của các hộ dân, đối với một nông dân khỏe mạnh, đồng ruộng thuận lợi thì 1 mẫu ruộng phải phun thuốc trừ sâu mất một ngày (tương đương với 10 bình thuốc trừ sâu), 1 ha lúa thì phải phun liên tục trong 2 ngày. Khi sử dụng máy bay không người lái, công suất đã tăng gấp 20 lần so với làm thủ công (mỗi ngày phun 10 ha). Về kinh tế, nếu thuê người phun thì mỗi ngày người nông dân phải thuê gần 1 triệu đồng/mẫu ruộng/ngày, trong khi đó thuê máy thì chỉ 350 nghìn đồng nên nhà nông được lợi rất nhiều.

z5066780631777-3f5ee3dd2a1fc175e4045f702fd6b733-1712669689.jpg
Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đã sử dụng máy cấy để cấy vụ lúa Xuân 2024.

Ông Nguyễn Duy Đoàn - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc chia sẻ: Tại địa phương chúng tôi, sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất lần 3, chúng tôi luôn ưu tiên, khuyến khích bà con nông dân, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác, giảm sức lao động và bảo vệ sức khỏe cho người nông dân. Vì vậy, việc anh Vệ đưa máy bay không người lái về phục vụ sản xuất chúng tôi rất hoan nghênh, ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện để anh vừa phục vụ tốt cho bà con, vừa làm ăn hiệu quả.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ năm 2022, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn có nhiều bước đột phá, phát triển theo hướng chuyển đổi, quy hoạch bài bản vùng trồng gắn với cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giảm số thửa trên diện tích và đảm bảo mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa lớn, tiến tới tập trung, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó là việc áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng được người dân áp dụng rộng rãi hơn./.

Nguyễn Duyên