Hà Tĩnh ban hành “Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2030”

Với mục tiêu tạo giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 – 2030”. Thể hiện quyết tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và nhiệm vụ, giải pháp then chốt để đưa ngành nông nghiệp trở thành 01 trong 04 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.
441353638-2173614992988143-3743562273470708608-n-1717756139.jpg
Ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn Hà Tĩnh tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND Phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030”.

Đề án với mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn; Đồng thời nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản của Tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp; đồng thời, phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại để kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm. 

Theo đó, tỉnh đã định hướng đến năm 2030: Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,0 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,0% tổng diện tích trồng trọt với các cây trồng chủ lực lúa, rau các loại, cây ăn quả,... với quy mô 2.500ha; Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế: mật ong, nhung hươu, thịt các loại (lợn, bò, dê, gia cầm,…); Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ: nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng diện tích nuôi tôm với sản phẩm chủ yếu là tôm sú; nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1,0ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,7 - 2 lần so với phi hữu cơ.

anh15566-1717756112.jpg
Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo về thực hiện đề án.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau: Có 6 nhóm nhiệm vụ, đó là: Lựa chọn vùng, đối tượng để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng; Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Xây dựng hệ thống kiểm soát chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; Chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đối với từng lĩnh vực Tỉnh đã định hướng vùng, đối tượng và xác định xây dựng mô hình trình diễn để nhân rộng. Cụ thể:

Về lựa chọn vùng ưu tiên lựa chọn các vùng đã có sản phẩm đạt chứng nhận như hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP,…; vùng đã và đang thực hiện các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP,…), hữu cơ, theo hướng hữu cơ,… Các vùng, các địa phương có lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác thuận lợi, phù hợp với đối tượng lựa chọn. Ưu tiên phát triển ở các vùng sản xuất để tạo tuần hoàn trong sản xuất như vùng chăn nuôi hữu cơ gắn với vùng vùng trồng trọt hữu cơ để đảm bảo nguồn thức ăn hữu cơ cho vật nuôi (rau xanh, cỏ, lúa, ngô,…) và tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt. Về lựa chọn đối tượng thì ưu tiên lựa chọn các đối tượng cây trồng, vât nuôi chủ lực của tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đối tượng ưu tiên lựa chọn gồm: trồng trọt (lúa gạo, rau các loại, cây ăn quả, chè,…), chăn nuôi (lợn, bò, gia cầm, hươu, ong, dê,...), thủy sản (tôm, chủ yếu là tôm sú,…).

z5492028119000-fa458d7a1acaa8359096c53bf6ef143a-1717756098.jpg
Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đã tổ chức sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hữu cơ.

Đối với trồng trọt: Phấn đấy đến năm 2030, có 2.500ha canh tác hữu cơ, trong đó: lúa 1.350ha; rau, quả 100ha; cây ăn quả 800ha và cây chè 250ha. Xây dựng 20 mô hình sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng: gồm 5 mô hình trồng lúa (10 - 20ha/mô hình), 04 mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, nuôi rươi (trên 2ha/mô hình); 4 mô hình trồng rau, củ, quả quy mô mỗi mô hình 0,5 - 1ha; 4 mô hình cây ăn quả (05 - 10ha/mô hình) và 3 mô hình trồng chè (3 - 5 ha/mô hình).

Đối với chăn nuôi: Xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi theo tiêu chuẩn quy chuẩn, chăn nuôi an toàn với các loại vật nuôi, với 35 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, gồm: 20 mô hình chăn nuôi lợn (10 - 100 con/mô hình); 05 mô hình chăn nuôi bò (10 - 50 con/mô hình); 10 mô hình chăn nuôi gia cầm (100 - 1000 con/mô hình); 05 mô hình chăn nuôi hươu (quy mô 10-50 con/mô hình); 05 mô hình chăn nuôi dê (quy mô 10-50 con/mô hình) và 05 mô hình nuôi ong mật (quy mô 10 - 100 đàn/mô hình).

z5503324184638-50a126b362b186268fbc15149858e10a-1717756112.jpg
Cán bộ Sở NN&PHNT Hà Tĩnh kiểm tra kết quả sản xuất lúa Hữu cơ vụ Xuân năm 2024.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi tôm hữu cơ đến năm 2030 đạt khoảng 75 ha, chủ yếu tôm sú, tập trung tại các vùng nuôi ao đất trên địa bàn các huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh. Xây dựng, thực hiện các mô hình tôm sú quảng canh cải tiến hữu cơ, thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ (05 mô hình, 01ha/mô hình).

Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ trên, 5 nhóm giải pháp được đưa ra phải triển khai thực hiện, đó là: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống về nông nghiệp hữu cơ; Đầu tư hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp; Tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ; Giải pháp về cơ chế chính sách.

buoi-1717756463.jpg
Nhiều hộ trồng bưởi Phúc Trạch được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ.

Theo đó, “Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030” được ban hành vừa là căn cứ vừa là động lực để các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo sản phẩm và môi trường an toàn thân thiện với con người, giúp con người, vật nuôi và hệ sinh thái phát triển khỏe mạnh, bền vững./.

Nguyễn Duyên