Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Để có được kết quả trên, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp như:
Thứ nhất, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và các dự án đường cao tốc nói riêng là các dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.
Với dự án đường Vành đai 4, để có thể giải phóng mặt bằng sớm, thành phố Hà Nội đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.
Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.
Thứ hai, Thành phố triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật bảo đảm phù hợp với dự án đầu tư được duyệt.
Bên cạnh đó, Hà Nội rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).
Thứ ba, căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013), thành phố Hà Nội ứng vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Thứ tư, để tăng tính chủ động của địa phương, thành phố đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.
Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công dự án (vượt kế hoạch 10%).
Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha, đạt 67,32% (huyện Sóc Sơn 46,00/48,23 ha; huyện Mê Linh 114,30/145,66 ha; huyện Đan Phương 30,73/74,80 ha; huyện Hoài Đức 138,30/239,63 ha; quận Hà Đông 51,14/68,25 ha; huyện Thanh Oai 59,31/86,94 ha; huyện Thường Tín 97,49/134,54 ha).
Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 4286,00 tỷ đồng (huyện Sóc Sơn 229,00 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569,0 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 1.436,1 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,15 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thưởng Tin 602,29 tỷ đồng).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng để khởi công dự án, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023; đối với dự án thành phần 2.1, sẽ tổ chức lựa chọn xong nhà thầu và khởi công 4 gói thầu trước 30/6/2023.
Về công tác thẩm định dự án thành phần 3, UBND Thành phố Hà Nội trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước ngày 05/6/2023.
Theo kế hoạch dự kiến, Hà Nội sẽ khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 vị trí: vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2 tại Km1+444 thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (gói thầu số 08/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng tại Km28+000 thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (gói thầu số 09/TP2-XL); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam tại Km45+700 thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km (gói thầu số 10/TP2-XL); tại vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín (gói thầu số 11/TP2-XL).