Dự án Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM nằm trong diện kiểm toán giai đoạn 2023-2025

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn mới đây đã ký và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án có tính chất liên vùng, trong đó có 2 đại dự án Tuyến đường Vành đai 3, TP Hồ Chí Minh và Tuyến đường Vành Đai 4, Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội

Dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Có 58,2km đi qua thành phố Hà Nội, 19,3km đi qua tỉnh Hưng Yên, 25,6km đường vành đai 4 và tuyến nối 9,7km đi qua tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha.

Điểm đầu đường vành đai 4 tại km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối tại km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó đầu tư 9,7km đường nối từ cuối đường vành đai 4, từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo quy hoạch đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang khép kín dự án.

vd4-1-16650441347732116088319-1675222438.jpg
Bản đồ dự án đường vành đai 4, Hà Nội

Tuyến đường vành đai 4 được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với bề rộng từ 90 đến 135m.

Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h, bề rộng đường 17m (bề rộng cầu 17,5m); các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. 

Đầu tư đường song hành 2 bên qua khu đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12m. Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Riêng dự án thành phần 3: đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP, hợp đồng BOT) do UBND TP Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền, được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công do các địa phương quyết định đầu tư. Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 28.200 tỉ đồng; ngân sách địa phương 28.203 tỉ đồng (Hà Nội 23.594 tỉ đồng, Hưng Yên 1.509 tỉ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỉ đồng); vốn BOT của nhà đầu tư PPP 29.410 tỉ đồng.

Về tiến độ, Chính phủ dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2021 - 2023. Bồi thường, tái định cư triển khai từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2024. Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị đường song hành từ 2022-2026, đầu tư xây dựng phần đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km từ 2022-2025.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Đường Vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013. Dự án hạ tầng giao thông xây dựng tuyến đường do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Thực hiện dự án là Tổng công ty ĐT PT và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng cty Cửu Long).

Tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 tại thời điểm công bố phê duyệt dự án năm 2011 là 55.805 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây cầu vượt). Dự án xây dựng thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ và vốn ODA.

ban-do-duong-vanh-dai-3-1675222468.jpg
Bản đổ dự án đường vành đai 4, TP Hồ Chí Minh

Quy hoạch tuyến đường Vành đai 3 là cao tốc tại đô thị, cho xe lưu thông với vận tốc 100 km/h. Quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp hai bên.

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM với chiều dài 47,51km, qua 4 địa phương là thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.

Vành đai 3 sẽ tạo điều kiện để khai thác tốt giao thông liên kết trong và ngoài TP Thủ Đức, giúp TP sử dụng quỹ đất có hiệu quả nhất.

Tuyến đường này giúp việc kết nối từ TP Thủ Đức đến sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, TP Vũng Tàu cũng như kết nối với cửa khẩu Mộc Bài đi quốc tế và từ TP đi về miền Tây một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Các chuyên gia khẳng định đường vành đai 3 TP.HCM làm thay đổi cả tám tỉnh trong vùng, ảnh hưởng đến 30 đô thị mới và cũ, tác động lên mạng lưới giao thông và cả thị trường bất động sản, nhà ở.

Khánh Ngân