Thông tin này được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Phiên tư vấn GlobalGAP - Hộ chiếu tiếp cận thị trường nông phẩm EU do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh vừa tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Lê Hoàng Tài, tuy được ví như hộ chiếu cho nông phẩm (sản phẩm nông nghiệp) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU nhưng nếu chỉ coi GlobalGAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) như một tờ giấy chứng nhận mà không đi kèm thực hành nông nghiệp tốt thì nông phẩm Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững tại thị trường tiềm năng này.
EU hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Dù đã đạt thành công nhất định song việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên do chính là việc phát triển vùng trồng đạt chuẩn GlobalGAP còn chậm dẫn tới việc thiếu nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu.
Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường EU là đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đối tác EU có tổ chức nghiên cứu, thống kê về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững do vậy rất quan tâm và yêu cầu cao với quy trình sản xuất nông phẩm của Việt Nam.
“Có một thực tiễn, doanh nghiệp Việt Nam khi không đủ số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng thu gom hàng hoá từ nhà sản xuất khác để đáp ứng đủ đơn hàng. Điều này gây e ngại và khiến nhà nhập khẩu muốn phối hợp kiểm soát chất lượng đơn hàng”, ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ. Trên thực tế, GlobalGAP đã trở thành tiêu chuẩn nhập khẩu rất phổ biến tại các thị trường cao cấp như EU. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhận thức của doanh nghiệp về tiêu chuẩn này chưa thực sự đúng với bản chất.
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi GlobalGAP chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng. Quan niệm này chưa chính xác và nếu có được chứng nhận GlobalGAP thì không có ý nghĩa, bởi GlobalGAP là một quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt, duy trì các quy trình sản xuất này giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Theo TS. Hán Quang Hạnh, Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, GlobalGAP đem lại rất nhiều lợi ích. Xét về sản xuất, GlobalGAP giúp nâng cao lợi nhuận do giảm chi phí, giảm lãng phí; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hơn nữa, về thương mại, GlobalGAP giúp doanh nghiệp khẳng định được chất lượng; tạo sự tin tưởng và tiếp cận được thị trường cho dù là khó tính bởi những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…
TS. Hán Quang Hạnh cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn GlobalGAP; tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến; có thể thuê chuyên gia tư vấn. Với trở ngại hầu hết quy mô trang trại nhỏ gây tốn kém khi đánh giá và thực hành tiêu chuẩn GlobalGAP, phương án liên kết các doanh nghiệp thành một hợp tác xã có quy mô lớn, có hệ thống quản lý là phù hợp.
Khi đó, chuyên gia tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ đỡ tốn kém chi phí, đồng thời đảm bảo đủ sản lượng cho đơn hàng xuất khẩu lớn. Ngoài ra, các trang trại phải có thời gian thành lập tối thiểu 3 tháng trước khi tiến hành đánh giá. Nhận định từ các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đã được thế giới thừa nhận là kỳ tích của châu Á khi từ một nước đói nghèo vươn lên thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nông dân giàu kinh nghiệm và rất giỏi.
Tuy nhiên, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chuyển từ giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn thông thường, tiêu chuẩn của thị trường trung bình sang giai đoạn sản xuất cho thị trường cao cấp để đạt giá trị gia tăng lớn hơn, phát triển bền vững./.