Gìn giữ và phát triển thương hiệu cho loại cây "vượt khó"

z3502492341344-b0c12a605fe27564afca60c215507a5c-1655563283.jpg
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cừ bên những cây vải lai chín sớm được ghép với vải trứng, mở ra hướng đi mới cho vải PC trong những năm tới.

“Thứ nhất Tam Đa, thứ nhì Lệ Xá, thứ ba Minh Hoàng” cũng là nhất, nhì, ba nhưng câu ca ấy không lấy gì làm vui vẻ cho những người dân của các xã được gọi tên của huyện Phù Cừ và huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thời điểm những năm mới tái lập tỉnh. Vì đó là thứ tự của các xã nghèo của tỉnh. Nhưng nay, ở nơi đây, đã có những sự thay đổi da đổi thịt, một diện mạo mới đã về với các vùng quê này. Đặc biệt, là với địa phương đứng đầu “bảng xếp hạng nghèo”, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ. Và một trong những cây trồng góp phần tạo nên sự thay đổi cho mảnh đất ấy chính là cây vải chín sớm. Đặc biệt mang đến hiệu quả kinh tế cao là vải trứng Hưng Yên. Vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên là hai loại đặc sản của vùng quê này. Bà con nơi đây luôn trăn trở và nỗ lực để phát triển thương hiệu cho loại cây trồng chủ lực này.

“Cây vải lai chín sớm và vải trứng Hưng Yên là thành quả vượt khó vươn lên của huyện chúng tôi”. Đó là lời chia sẻ của ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phù cừ khi đưa chúng tôi về thăm hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi tại xã Tam Đa khi bà con đang rộn ràng thu hoạch vụ vải lai chín sớm năm nay. Trước đây, ở vùng quê chiêm trũng, cái nghèo đeo đẳng người dân vì chiêm khê mùa thối nhưng nay về Tam Đa mọi người sẽ bị thu hút bởi những khu trồng vải rộng bạt ngàn. Con đường bê tông trải rộng dẫn đến tận nơi vườn vải. Bà con tấp nập thu hái vải, ô tô to đến tận đầu bờ thu mua. Cái cảnh mà có lẽ trong mơ những người dân tham gia cách đây gần 20 năm cũng không dám nghĩ tới ở vùng quê nghèo nhất tỉnh ấy.

Cây vải được trồng ở Tam Đa từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng được trồng đại trà ở các bờ vùng bờ thửa và tại các vườn từ những năm 90 của thế kỷ XX. Hiện nay, toàn xã Tam Đa có 226 ha trồng vải lai chín sớm, sản lượng hàng năm từ 3000 đến 4000 tấn. Nhờ tăng cường ứng dụng khoa học kĩ thuật trong trồng và chăm sóc cây vải. Đặc biệt, là việc áp dụng theo quy trình VietGAP, cây vải lai chín sớm đã thực sự là loại cây thoát nghèo của bà còn nơi đây. Không chỉ thoát nghèo mà loại cây này còn giúp nhiều gia đình vươn lên khá giả. Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi là một điển hình cho việc ứng dụng khoa học kĩ thuật giúp nâng cao giá trị cây vải lai chín sớm.

Ở đây đã được cấp Chứng nhận Otas tức Chứng nhận vùng vải xuất khẩu. Tất cả các thành viên trong hợp tác xã đều nghiêm chỉnh tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc cũng như thu hoạch và bảo quản quả vải lai. Phun thuốc gì, ở thời điểm nào, cách thời gian thu hoạch bao lâu, bón những loại dinh dưỡng gì... tất cả đều được ghi lại và có sự giám sát của các cán bộ bảo vệ thực vật và của chính hợp tác xã, các thành viên trong HTX cũng có sự giám sát chéo nhau. Tất cả đều nhằm tạo ra chất lượng và mẫu mã tốt nhất, từ đó bảo vệ và phát triển thương hiệu cây vải của quê hương.

Đồng thời, bà con rất tích cực thử nghiệm với các phương pháp trồng và chăm sóc mới. Năm 2019, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ triển khai Đề tài "Ứng dụng khoa học kỹ thuật để đẩy sớm vụ và dải vụ thu hoạch vải lai chín sớm" được bà con trong HTX hưởng ứng, tham gia nhiệt tình.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên đánh giá, vụ vải năm nay sau 3 năm triển khai, các hộ tham gia đề tài đều thấy rõ là cây vải ra hoa, đậu quả năng suất tốt hơn rất nhiều. Từ đó góp phần nâng cao giá trị cho cây vải nơi đây. Chất lượng cũng nâng lên rõ rệt. Vì vậy năm nay là một năm được mùa được cả giá với bà con trồng vải ở Tam Đa nói riêng và Phù Cừ nói chung. Giá thu mua ngay tại vườn là từ 20.000đ đến 25.000 đồng/kg. Thời điểm cao có thể là hơn 30.000đ/kg, cao hơn so với trước rất nhiều..

Bà Vũ Thị Lý, một thành viên của HTX Nông nghiệp Thắng Lợi chia sẻ: “Mừng nhất là bà con không lo bị thương lái ép giá, không phải mang vải đi bán lẻ mà các thương lái đã tìm đến tận vườn để mua vải, người dân trồng được quả vải vất vả thế nào cũng được miễn là cứ thu mua thuận lợi là thích nhất”. Theo đó, nhiều hộ gia đình đã thu được cả trăm triệu đồng từ trồng vải lai chín sớm ở đây.

Được mùa, được giá, được thương lái đến thu mua đó là cái vui không kể xiết của người trồng vải. Nhưng họ vẫn luôn trăn trở để làm sao giữ vững được thương hiệu đã dầy công gây dựng. Họ bảo ban nhau, giám sát lẫn nhau để luôn tạo ra những quả vải sạch. Không sạch quyết không bán, không sạch cũng không cho thương lái thu mua. Rồi cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho quả vải nơi đây.

Đây cũng là cách làm của các địa phương trồng vải trứng Hưng Yên tập trung ở các xã phía bắc ở huyện Phù Cừ mà trọng tâm là xã Phan Sào Nam, quê hương của cây vải tổ giống vải trứng Hưng Yên. Loại vải này quả to, màu đẹp, vị lại ngọt thơm khác hẳn với các loại vải khác, loại tuyển chọn có khi chỉ khoảng chục quả là đã nặng 1 kg. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện diện tích cây vải trứng trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 230ha, tập trung nhiều ở các xã phía bắc của huyện Phù Cừ.

Để đồng hành cùng bà con nông dân nhằm mang lại chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương liên quan áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, bà con thì tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, và cùng phối hợp tiến hành xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho người dân. Hiện nay, vải trứng Hưng Yên là cụm từ khá “hot” được người tiêu dùng săn lùng rất nhiều. Giá bán cao hơn các loại vải thông thường có khi cả chục lần nhưng khách hàng vẫn tìm mua. Nếu như giá bán tại vườn, thông qua HTX thì 1 kg vải trứng có giá từ 120.000đ đến 150.000đ, còn giá ngoài thị trường thì có thể lên tới hơn 200.000đ/kg. Và quả vải trứng Hưng Yên năm nay cũng đã có mặt tại những thị trường khó tính như Nhật Bản. Còn tại thị trường trong nước thì đã mở rộng ở nhiều nơi, được bày bán tại các siêu thị lớn. Chính vì vậy, người trồng vải có thu nhập khá cao. Cá biệt có những hộ dân trồng vải lai trứng đã cho thu hoạch 400 đến 500 triệu đồng từ vụ vải năm 2020, 2021.

Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như dán tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý,thực hiện các chương trình ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, phiên chợ vải tại Ecopark ....tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, địa phương và mỗi người dân lại là một kênh quảng bá ... Từ đó, cây vải Phù Cừ đã được biết đến và đang có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Điều quan trọng nhất là ngay trong chính người trồng vải đã thay đổi tư duy, luôn mong muốn và cam kết mang lại những sản phẩm sạch cho thị trường. Đó là một tiền đề vô cùng quan trọng để nơi đây tiếp tục phát triển thương hiệu cho loại cây “ vượt khó” này.

Ngọc Oanh